Công bố nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng vừa được Quốc hội thông qua

Mai Thoa| 11/12/2014 18:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố các Luật và và Nghị quyết vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Đào Việt Trung công bố Lệnh của Chủ tịch nước đã công bố Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (CAND), Luật Căn cước công dân; Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Nghị quyết về việc phê chuẩn của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật…

Quy định mới về mức trần quân hàm

Giới thiệu về một số nội dung cơ bản của Luật CAND, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cho biết: Luật CAND năm 2014 gồm 7 chương, 45 điều, so với Luật năm 2005 không thay đổi về số chương và tăng 2 điều quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ chính sách đối với CAND.

Công bố nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng vừa được Quốc hội thông qua

Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu phát biểu tại buổi họp báo

Liên quan đến quy định mới về cấp hàm đối với Giám đốc Công an các địa phương tại Luật CAND có hiệu lực từ 1/7/2015, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cho biết: Luật CAND trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau nhưng khi Quốc hội đã thông qua phải chấp hành nghiêm túc. Theo đó, Luật quy định trần cấp hàm của Giám đốc Công an Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là Trung tướng, 3 cấp phó là Thiếu tướng. Giám đốc Công an các địa phương khác trần quân hàm là cấp Đại tá.

Tuy nhiên, trường hợp Giám đốc Công an nhiều địa phương đang mang quân hàm cấp tướng, trong thời gian tới sẽ điều động, luân chuyển để bố trí Giám đốc Công an tại các địa phương. Những người đã được phong rồi thì giữ nguyên cho đến khi nghỉ hưu. Quan điểm của Đảng ủy Công an Trung ương là phải thực hiện nghiêm Luật đã được Quốc hội thông qua.

Những bổ sung quan trọng của Luật Tổ chức Quốc hội

Luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội thông qua gồm 7 chương và 102 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội…

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội tiếp tục khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và mối quan hệ giữa Quốc hội với các thiết chế khác trong bộ máy Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành  pháp và tư pháp. Luật cũng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại 16 điều luật, tương ứng với 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội đã được ghi nhận tại Điều 69 và Điều 70 của Hiến pháp.

Luật Tổ chức Quốc hội cũng đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho đại biểu Quốc hội thực hiện vai trò trung tâm của mình trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Đáng chú ý, Luật cũng có những điểm mới cơ bản như: Xác định tổng số ĐBQH không quá 500 người; quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH; quy định rõ địa vị pháp lý, trách nhiệm của ĐBQH tham gia hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội…

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Quy định mới về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm

Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã công bố Nghị quyết số 85 về việc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu. Theo đó, Nghị quyết số 85 tiếp tục kế thừa quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước ở Trung ương và địa phương do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời, bổ sung quy định Quốc hội, HĐND không lấy phiếu tín nhiệm đối với người có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, HĐND.

Cũng theo Nghị quyết số 85 thì Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn khi thuộc các trường hợp: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấu phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”. Nghị quyết cũng quy định việc làm rõ hơn trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, báo cáo với Quốc hội, HĐND về thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2015.

Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước

Cũng trong sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn vừa được Quốc hội thông qua.
Ngày 28/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 83/2014 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục đối với con người. Việc phê chuẩn Công ước là sự kiện chính trị pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền và thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, góp phần thực thi Hiến pháp 2013.

Nội dung Công ước quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi tra tấn; giám sát việc thực thi công ước, trong đó trọng tâm là quy định về Ủy ban chống tra tấn và hoạt động của Ủy ban này; hiệu lực và giải quyết tranh chấp liên quan đến Công ước…

Ngay sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ đã xây dựng Dự thảo kế hoạch về việc triển khai Công ước chống tra tấn. Dự thảo kế hoạch này đang được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chậm nhất là trong tháng 1/2015. Nội dung kế hoạch nhằm xác định nội dung, lộ trình luật hóa các quy định của Công ước chống tra tấn, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả phòng, chống tra tấn; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng chống tra tấn và hành vi có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng vừa được Quốc hội thông qua