Công bố các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10

Mai Thoa| 17/12/2015 22:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 18/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 15 Luật, 7 Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Bộ luật Tố tụng hình sự

BLTTHS có những điểm mới quan trọng như: Quyền được suy đoán vô tội, vấn đề tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người bị buộc tội, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Luật cũng quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can  quy định tại khoản 6 Điều 183.

Về trình tự xét hỏi tại phiên tòa, Bộ luật quy định tại Điều 307 như sau: “Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý”; đồng thời bổ sung các quy định buộc kiểm sát viên, người bào chữa phải hỏi, tranh luận, đối đáp đến cùng những vấn đề về vụ án theo yêu cầu của Chủ tọa phiên tòa. Luật cũng quy định về thẩm quyền sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng giám đốc thẩm.

Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật này quy định: Giao Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tự mình hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức việc rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTHS năm 2003 để hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới; đề nghị Quốc hội, UBVQH và các cơ quan hữu quan hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp với quy định của BLTTHS 2015.

Bộ luật Tố tụng dân sự

Điểm mới của Bộ luật này quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cụ thể: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Công bố các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10

Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

Bên cạnh đó, Bộ luật cũng quy định cụ thể về vị trí, vai trò và việc phát biểu quan điểm của VKSND tại phiên tòa; thẩm quyền trong thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Điều 360 Bộ luật quy định: Hội đồng Thẩm phán TANDTC có thẩm quyền hủy quyết định đã ban hành, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để quyết định lại nội dung vụ án hoặc giao hồ sơ cho Tòa án cấp dưới xét xử lại hoặc xác định trách nhiệm bồi thường của TANDTC trong trường hợp TANDTC có vi phạm pháp luật nghiệm trọng. Quy định như vậy nhằm khắc phục được những sai lầm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên đương sự.

Nghị quyết về việc thi hành BLTTDS nêu rõ, kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2016): Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình và kinh doanh, thương mại thụ lý hoặc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 1/7/2016, nhưng kể từ ngày 1/7/2016 mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật này để giải quyết. Đối với những vụ việc có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày 1/7/2016 mà sau ngày này mới giải quyết thì áp dụng BLTTDS 2015...

Đồng thời, giao Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tự mình hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức việc rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS hiện hành để hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới; đề nghị Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan hữu quan hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp, bảo đảm thi hành từ 1/7/2016.

Luật Tố tụng hành chính

Luật quy định thẩm quyền của TAND cấp huyện và cấp tỉnh. Theo đó, TAND cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó...

TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện; khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, TANDTC, VKSNDTC...

Đáng chú ý, Luật cũng quy định thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, Pháp lệnh của UBTVQH, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hành chính (Điều 6, Điều 111). Cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Toà án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Tòa án có quyền kiến nghị với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.

Các Luật này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10