Ngày 16/3, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ công bố Báo cáo quốc gia về Việt Nam số 3 với chủ đề “Việt Nam - Một xã hội số”.
Nghiên cứu do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Justus Liebig Giessen (CHLB Đức) thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation đánh giá các tác động của quá trình chuyển đổi số đến các lĩnh vực phát triển khác nhau của Việt Nam, từ phát triển kinh tế, chính phủ số, lực lượng lao động đến giáo dục, y tế và giải trí.
GS. TS. Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV cho biết: “Số hóa đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống thường nhật của chúng ta và không thể tưởng tượng nổi một cuộc sống thiếu vắng công nghệ trong thời đại hiện nay sẽ như thế nào. Vì vậy, mục tiêu của Báo cáo số này là cung cấp thông tin tổng quan về những vấn đề xuất hiện trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, nhìn từ góc độ khoa học xã hội”.
Phân tích các vấn đề cụ thể như truyền thông số và giải trí số, thông tin trong thời đại số, năng lực số, kỹ năng số cho giảng dạy và học tập, thành phố thông minh, vấn đề lao động trong quá trình số hóa nền kinh tế Việt Nam, y tế số, tội phạm mạng và chính phủ điện tử, các tác giả của Báo cáo đều thống nhất cho rằng chuyển đổi số đang mở ra những cơ hội rất lớn nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức cho Việt Nam. Vì vậy, cần có sự chuyển đổi, thích ứng nhanh chóng từ phía chính phủ, doanh nghiệp và người dân để có thể phát huy cơ hội, vượt qua thách thức, góp phần xây dựng một xã hội số.
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam phát biểu: “Bên cạnh nhiều lợi ích và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại cho hàng triệu người dân Việt Nam, cũng đã xuất hiện mối quan tâm ngày càng lớn về mức độ sẵn sàng của Việt Nam, về mặt thể chế, chính sách, kỹ năng, và nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Cuốn Báo cáo quốc gia này đề cập tới những lợi ích tiềm năng và cả những thách thức của công cuộc số hóa ở Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau.”
Trình bày các kết quả nghiên cứu chính trong Báo cáo Việt Nam - Một xã hội số, TS. Detlef Briesen, Đại học Justus Liebig Giessen – đồng chủ biên của báo cáo cho biết: “Có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể trực tiếp thực hiện bước nhảy vọt từ một xã hội công nghiệp và dịch vụ vẫn còn chưa hoàn thiện sang một xã hội thông tin. Đại dịch COVID-19 có thể góp phần đẩy nhanh quá trình này ở nhiều quốc gia và Việt Nam sẽ tiến một bước dài trong những năm tới.”
Dự án Báo cáo quốc gia thường niên về Việt Nam được thực hiện nhằm đưa ra những nhận định chuyên sâu và thông tin cập nhật về những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm trong xã hội Việt Nam hiện đại. Báo cáo “Việt Nam – Một xã hội số” là ấn phẩm thứ ba trong chuỗi các ấn phẩm của Dự án. Cùng với Báo cáo số 3 này, ấn phẩm đầu tiên được xuất bản vào tháng 1 năm 2021 với chủ đề “Việt Nam – Một xã hội đang già hóa”, ấn phẩm thứ hai “Chính sách môi trường ở Việt Nam” được xuất bản vào tháng 10 năm 2021. Báo cáo số đặc biệt – một ấn phẩm chuyên sâu – với chủ đề “Khắc phục di sản chiến tranh ở Việt Nam” dự kiến được xuất bản và công bố vào tháng 6 năm 2022.
Nội dung chính của các nghiên cứu trong báo cáo
Báo cáo bắt đầu với bài viết của ThS. Vũ Đình Phong giải thích những thuật ngữ và khái niệm liên quan nhất và đặc biệt là sự phát triển của mạng cũng như khả năng kết nối theo cách dễ hiểu; và kết thúc với bài tóm tắt ngắn gọn các chính sách, pháp luật, chiến lược và chương trình của chính phủ cùng các nghiên cứu về quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam của TS. Nguyễn Thị Thùy Trang, Khoa Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV.
TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng, Viện Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV cho rằng việc sử dụng mạng xã hội đang tạo ra nhiều lựa chọn mới cho người dùng internet, đồng thời cũng có những mặt tiêu cực như tin giả hay bắt nạt trên không gian mạng.
TS. Đặng Hoàng Linh và tác giả Nguyễn Lan Phương, Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho biết số hóa sẽ thay đổi căn bản thị trường lao động ở Việt Nam; về mặt tiêu cực, điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ mất việc làm tăng cao do áp dụng tự động hóa và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo; về mặt tích cức, những mô hình kinh doanh và cơ hội làm việc mới sẽ xuất hiện.
TS. Bùi Tôn Hiến và TS. Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu những nền tảng số cơ bản cho thấy sự thay đổi của thị trường lao động và cho rằng, các công việc kỹ năng thấp như lái xe, dịch vụ vận chuyển, giúp việc gia đình đặc biệt bị ảnh hưởng.
Theo TS. Phạm Hải Chung, Viện Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, các nền tảng và công cụ bảo vệ dữ liệu chưa dầy đủ dẫn đến tình trạng tội phạm mạng như ăn cắp danh tính, phát ngôn thù hận hay xâm phạm quyền riêng tư gia tăng.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Viện Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, internet và mạng xã hội không chỉ thay đổi giao tiếp giữa các cá nhân và thói quen giải trí của người dân mà còn tác động mạnh mẽ đến hệ thống thông tin chính trị.
Tác giả Trần Đức Hòa từ Khoa Thông tin-Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV cho rằng thế hệ trẻ cần phải được trang bị các kỹ năng số một cách toàn diện để phục vụ cho các hoạt động trong tương lai của họ.
TS. Đỗ Văn Hùng, Trưởng Khoa Thông tin-Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV chỉ ra rằng công nghệ số sẽ thay đổi căn bản hoạt động giảng dạy và học tập như đã thấy rõ trong khủng hoảng COVID-19, do đó người dạy và người học đều cần được trang bị những công nghệ và kỹ năng cơ bản.
Theo TS. Nguyễn Bá Đạt, Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV, chuyển đổi số đã mở ra nhiều cơ hội cho các sáng tạo về y tế thông qua các ứng dụng y tế số và khám bệnh từ xa. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh sáng tạo thông qua các hệ thống thông tin, khám và điều trị dựa trên nền tảng số và cải thiện y tế công.
TS. Phạm Thanh Long, Đại học UCC, Ireland, phân tích các mô hình đô thị thông minh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các thành phố khác để cho thấy khái niệm đô thị thông minh đã được ứng dụng như thế nào tại Việt Nam đến hiện nay và chỉ ra những cơ hội phát triển, đặc biệt liên quan đến các dịch vụ công, giám sát giao thông và an toàn công cộng.
TS. Bùi Hải Thiêm, Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích những xu hướng hướng tới một Quốc hội điển tử và nhưng mô hình sáng tạo của quản trị số trong các mô hình Chính quyền - Công dân, Chính quyền - Doanh nghiệp, Chính quyền – Người lao động, và Chính quyền – Chính quyền.