Sáng nay 6-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 4 luật vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2, đó là: Luật Đo lường, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Lưu trữ.
Luật Khiếu nại bao gồm 7 chương, 70 điều quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Điểm mới của Luật Khiếu nại lần này là quy định các quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại như: được tự mình khiếu nại; nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; được tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại; được đọc sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin tài liệu thuộc bí mật của Nhà nước; yêu cầu cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan đang lưu giữ thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có yêu cầu giao nộp cho người giải quyết khiếu nại; quy định giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lý cán bộ, công chức…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết một số quy định mới của Luật Đo lường. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Luật Tố cáo quy định cụ thể và đầy đủ hơn về quyền nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ; của cơ quan tổ chức cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quyền của người tố cáo như: Việc giữ bí mật họ, tên, địa chỉ bút tích và thông tin cá nhân khác là quyền đương nhiên của người tố cáo và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để đảm bảo quyền này của người tố cáo.
Ngoài ra, người tố cáo được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết; được quyền tố cáo tiếp; được khen thưởng theo quy định của pháp luật; người bị tố cáo có quyền được nhận thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý giải quyết tố cáo trái luật; được xin lỗi, cải chính công khai do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra.
Luật Tố cáo cũng đã bổ sung một chương mới về việc bảo vệ người tố cáo; xác định rõ trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Cơ quan, tổ chức cá nhân tiếp nhận, giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc yêu cầu các cơ quan liên quan như cơ quan quản lý người tố cáo.
Luật Đo lường được ban hành dành hẳn một chương quy định về thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường. Luật quy định rõ Thanh tra Bộ KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường. Theo đó, gian lận xăng dầu có thể bị áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó đồng thời số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.
Các luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2012.
Quốc Huy