Bộ Công an Việt Nam đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Anh để điều tra vụ việc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định trong điện đàm với bà Priti Patel, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an điện đàm với bà Priti Patel, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Bộ Công an đang phối hợp tích cực điều tra, xác minh danh tính các nạn nhân
Chiều ngày 30/10, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã có cuộc điện đàm với bà Priti Patel, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland về công tác phối hợp xác định danh tính các nạn nhân nghi là người mang quốc tịch Việt Nam trong vụ việc 39 người chết trong xe container tại Anh.
Tại cuộc điện đàm, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công an Việt Nam và nhân dân Việt Nam rất quan tâm và lấy làm tiếc về vụ việc 39 người chết trong container tại hạt Essex, Vương quốc Anh.
Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ Công an Việt Nam đã khẩn trương, chủ động chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng vào cuộc, tiến hành xác minh, thu thập thông tin, sẵn sàng phối hợp với Bộ Nội vụ và Cảnh sát Liên hiệp Vương quốc Anh khi có yêu cầu.
Cũng tại cuộc điện đàm, hai bên đã cùng nhau trao đổi một số vấn đề có liên quan, thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong công tác phối hợp làm rõ vụ việc.
Người đứng đầu ngành Công an Việt Nam cảm ơn thiện chí trong hợp tác và chia sẻ thông tin của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland với vụ việc trên, đồng thời khẳng định: Bộ Công an Việt Nam đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Anh để điều tra vụ việc.
Hiện Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan Cảnh sát Anh đang phối hợp tích cực điều tra, xác minh danh tính các nạn nhân nghi là người mang quốc tịch Việt Nam. Xác định việc xác minh thông tin, danh tính của những nạn nhân này là rất cấp bách, Bộ Công an Việt Nam đã sẵn sàng cử đoàn công tác sang Anh phối hợp với lực lượng Cảnh sát Anh.
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vương quốc Anh quan tâm, hỗ trợ đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam khi sang làm việc tại Anh.
Trong trường hợp có nạn nhân là người Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Bộ Nội vụ Anh tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ công dân theo đúng quy trình, thủ tục pháp luật của Anh, Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế.
Bày tỏ mong muốn Bộ Nội vụ Anh có biện pháp ổn định an ninh an toàn của công dân Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Anh, Bộ trưởng Tô Lâm đồng thời mong rằng thời gian tới, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh sẽ thúc đẩy có hiệu quả hơn nữa truyền thống hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm buôn bán người, góp phần bảo đảm an ninh trật tự của hai quốc gia.
Trách nhiệm thuộc chính quyền cơ sở, cơ quan bảo vệ pháp luật
Trong một diễn biến khác, cùng ngày chia sẻ bên hành lang Quốc hội về vụ việc 39 người tử vong trong container ở Anh, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, đây là sự cảnh báo rất lớn đối với những người có ý định đi xuất khẩu lao động mà không theo con đường ngạch, mà thực chất đây là đường dây buôn người với quy mô rất lớn, hoạt động rất mạnh mẽ ở các quốc gia không chỉ ở Việt Nam.
Từ thực trạng này cho thấy, việc quản lý nhân khẩu còn lỏng lẻo, việc giải quyết công ăn việc làm, mức thu nhập chưa thỏa đáng, sự chênh lệch giàu nghèo còn lớn khiến nhiều người tìm kiếm "chân trời mới" với hy vọng thay đổi cuộc đời. Hơn nữa, nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng đồng bào khó khăn không được thông tin đầy đủ, họ không biết được những nguy hiểm, hậu quả vi phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam nên vẫn dấn thân vào.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)
Theo đại biểu, "Trách nhiệm này rõ ràng thuộc về chính quyền cơ sở, chính quyền địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc chưa kịp thời để phát hiện ra đường dây, đối tượng dụ dỗ, lôi kéo những người tham gia đường dây đó.
Tiếp đó là trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội, địa phương trong việc cung cấp thông tin cho các đối tượng tham gia đường dây đó. Quan trọng nhất là thông tin tác động tới nhận thức của họ. Rõ ràng còn thiếu vắng các thông tin về thực trạng thảm hại làm thực tiễn để họ nhận thấy nguy cơ mà họ phải đối mặt, có thể là tới tính mạng, tài sản", ông Vân khẳng định.
Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đường dây này thanh toán theo tiến độ hoàn thành hợp đồng, tức là đi đến đâu sẽ thanh toán đến đó. Có đầu mối ở Việt Nam thu để chi trả cho đầu mối nước ngoài.
"Tôi đọc nhiều thông tin trên mạng mô tả về hành trình của người lao động đi con đường chui lủi này, vô cùng khắc nghiệt, không còn tính người", ông chia sẻ.
Về các giải pháp ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra, Đại biểu Vân đưa ra 3 đề xuất:
Thứ nhất là tạo công ăn việc làm cho người lao động ở các vùng quê nghèo, đây là trách nhiệm của tổ chức các hoạt động kinh tế của chính quyền.
Thứ hai là trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội mà các đoàn viên là công dân có ý xuất khẩu lao động. Phải tuyên truyền giải thích, cung cấp đầy đủ thông tin cho họ để họ nhận ra rằng những con đường như vậy quá nguy hiểm. Nó không chỉ gây nguy hiểm tới tính mạng, mà còn thiệt hại tới kinh tế của gia đình, hình ảnh của đất nước.
Thứ ba là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Phải kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện của các đường dây buôn người xuyên quốc gia, những kẻ đứng ra dụ dỗ, lôi kéo người dân.
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để hợp lý hóa giấy tờ, thậm chí giả mạo hộ chiếu của một số đối tượng, doanh nghiệp đã từng xảy ra. Trong đó có nhiều đối tượng lợi dụng doanh nghiệp để lừa đảo người dân nhằm chiếm đoạt tài sản bằng cách đưa người dân ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.
Chính phủ, Quốc hội đã đưa ra nhiều cảnh báo và cũng như yêu cầu các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm việc quản lý hoạt động xuất nhập cảnh nhưng các đối tượng vẫn tìm cách để phạm pháp. Những năm gần đây, rất nhiều trường hợp người dân ra nước ngoài làm việc theo con đường bất hợp pháp mất tiền oan, thậm chí bị đánh đập, mất mạng...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực thi pháp luật đã rất trách nhiệm, nhưng một số nơi còn buông lỏng quán lý, vô tình tiếp tay, tạo điều kiện cho những cá nhân có cơ hội phạm pháp. Để hạn chế tình trạng trên, đại biểu cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý để người dân được xuất cảnh lao động theo con đường chính thống, an toàn.