Mùa xuân Tân Sửu, là mùa xuân năm con trâu. Vậy là tôi đã có hơn 60 mùa hạt dẻ lặng lẽ lọt qua các kẽ ngón tay, các kẽ ngón chân. Điều đó khiến tôi nhớ lại cái thuở chăn trâu cắt cỏ ở trong các cánh đồng thung lũng Pác Nạo, Bo Chu, Kéo Tác, Pác Vang, Lũng Mò…
Nỗi nhớ hiện lên, nó kêu ro ro như một trường đoạn phim tài liệu nghệ thuật. Có những lúc máy quay lia toàn cảnh. Người quay phim vội vàng đến mức làm mờ nhòe hết cả cảnh vật. Khi lại tỉ mẩn kĩ càng đặc tả rõ nét từng chấm tròn màu đỏ trên bốn cánh bướm trắng. Này là hình ảnh người chăn trâu thời hòa bình lập lại. Đầu ông đội nón đan mắt cáo. Tay ông cầm cây hèo. Miệng ông phì phèo điếu thuốc cooc vài. Một mắt ông nhìn đời. Còn một mắt ông theo trâu. Này là bầy trâu đủng đỉnh bơi bơi trong biển mây. Bầy trâu như bong bóng tím đen. Chúng là là bay trên mặt cỏ xanh rờn. Này là những đám mây rỗng nhẹ xốp, trong đó có lẫn hơi sương. Chúng có màu trắng đục như sữa tươi ở nơi người sản phụ.
A! Đây rồi! Thung lũng Pác Nạo, Bó Chu là bãi chăn thả quen thuộc của tôi một thời. Nó đang hiện rõ mồn một. Cảnh vật nơi này làm tôi gai cả người vì nhớ. Cánh đồng nằm lọt thỏm trong vòng tay vòng cung núi đá. Ngày nay người ta gọi là cánh đồng thung lũng. Nơi đây, nhưng người nông dân làng tôi khi vãn mùa lúa, là tới mùa cày bừa lên luống trồng khoai, trồng đậu. Đậu xanh, đậu tương với khoai lang tím phủ xanh, trải kín mít từ chân núi này tới chân núi kia. Tuyền một màu xanh non ót dễ thương. Kìa là đám khoai lang tím, người làng tôi gọi là mằn Keo (khoai Kinh, chắc là lấy giống dưới xuôi lên). Chúng bò chơi lè phè xanh um như tóc tai bầy trẻ. Hễ có đứa nào ngóc đầu lên là bị lộ. Ê thằng Đỉnh, thằng My mày trốn ở đằng gốc đá kia kìa. Thằng Ngoan, con Lìn chúng mày đừng chui trong bụi nữa, tao đã nhìn thấy hết rồi. Pằng pằng pằng pằng … Ê! Thằng Nọng kia, mày ngoẻo rồi còn cười được á. Tiếng súng mồm nổ dính chùm ba va vào thành vách đá. Nó truyền đi tràn lan như sấm đổ vào chum. Nó nổ trắng tóa lóa như rừng mận rừng đào trổ hoa nắt nỉu. Nó nổ thơm ngai ngái múi cam sành. Nó nổ thơm hăng hăng he he mùi bưởi chua. Tiếng nổ pằng pằng tanh ngòm bốc mùi tôm cá. Toàn là tiếng nổ có mùi khét nắng, khét gió. Gọi tóm lại là mùi mải chơi. Tiếng trẻ con đùa vui dù ở đâu, cũng làm tâm hồn người lớn bay vút lên bầu trời hòa bình. Núi rừng đang ngút ngứt ngủ say, bỗng chốc cả bầy cà đàn núi núi bừng bừng tỉnh giấc, bởi tiếng cười trong veo, trong vắt của tụi trẻ trâu va đập.
Ôi! Tôi nao nao nhớ sao cái ngày xưa, cái ngày xưa sao mà êm đềm đẹp đẽ đến thế, hồn nhiên ngọt ngào và lai láng đến thế. Cả đàn trâu tuy chúng là súc vật thật, nhưng hình như cũng có tuổi thơ như người. Tuổi thơ của trâu là cắm cúi mài sừng vào lá, vào hoa, vào gió, vào mây sương, thậm chí mài trúng tổ ong đất…Thế rồi chúng vẫn bình thản gặm cỏ nhả nhùng kêu xoàn roạt, xoàn roạt. Này nhé, cỏ nhả nhùng ngòn ngọt nhàn nhạt như lá mía Phục Hòa. Nó thơm lâng lâng như mùi khoai nướng của người làng Hiếu Lễ. Xác cỏ dính đầy hai hàm răng xanh lè xanh lét. Tôi thấy hai hàm răng khi trâu nhai cỏ, nó đưa đi đưa lại một cách chậm rãi, đầy lòng nhẫn nại. Đưa đi đưa lại nhịp nhàng không mệt mỏi, không ngơi nghỉ. Rồi tôi bỗng thấy thương cho đời trâu. Nó cứ từ từ mà ăn, từ từ mà lớn. Vậy mà người đời cứ giục trâu ăn nhanh lên rồi còn cày, bước chân mau lên mà ra đồng. Không nhanh thì tao đánh. Thế rồi cỏ mõm chó vô tình cắn vào đuôi, làm cho nó buồn buồn bực dọc. Thế là đuôi chúng đập lên đập xuống một cách khó chịu. Thấy nó vung vẩy mãi mà cái buồn cỏ mõm chó không chịu buông tha. Nhưng mỗi khi nghe có thằng “dính” đạn pằng pằng rồi nằm lăn nhắm tịt mắt giả “chết”. Thế là được dịp trâu ngửa cổ lên trời cười. Trâu cười góp vui với lũ trẻ trâu chơi trò đánh trận giả. Trâu cười mà không thèm phát ra tiếng kh..rúc kh…rích. Một kiểu cười “tiết kiệm năng lượng” không phải ai cũng biết mà thương cảm. Thế đó. Đời trâu sống ở vùng nông thôn miền núi với trăm ngàn nỗi nhọc nhằn, ngàn vạn nỗi khó khăn thiếu thốn. Bởi thế các loài gia súc chúng cũng biết dè xẻn chi tiêu cho niềm vui.
Trâu làng tôi hễ nhìn thấy trâu làng khác đang ngùng ngoàng vênh vênh vang vang bước tới, thế là cả bọn tự động lảng đi ra xa xa. Lảng đi cho chắc ăn. Mặc dầu con nào con nấy cao to, vâm váp, da bóng nhẫy như bôi dầu luyn, dũng mãnh như báo, như hổ. Chúng nghĩ tránh anh em đồng loại chẳng làm hèn mặt mình. Người làng tôi vốn có thói quen nhường nhịn. Nhường nhịn trở thành tính cách của những người dân nơi đây. Hình như trâu bò cũng lây cách sống ăn ở lành hiền từ những người làm chủ nó. Nhường nhịn là đức tính tốt đẹp truyền từ đời ông cúng, bà ké đến nay vẫn tràn đầy không bao giờ hao hụt. Chả thế mà từ ngày lập làng đã có cánh đồng mang tên Nhượng Bạn. Có đám ruộng mang tên Nà Slâm. Slâm trong tiếng Tày là trái tim. Nà Slâm nghĩa là đám ruộng có trái tim. Trái tim biết phải trái, biết đúng sai, biết cái ngưỡng của lòng người. Biết yêu và biết ghét. Ồ không. Người quê tôi không ghét bỏ ai bao giờ. Chỉ có trái tim yêu thương và yêu thương nhau thôi.
Ở thanh phố lâu ngày, tôi mới ngộ ra. Con cháu chúng tôi bị thua thiệt quá nhiều so với tuổi trẻ cha ông. Con cháu chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong lòng thành thị. Chúng được hưởng nơi phồn hoa đô hội. Mở mắt ra là ngập tràn ánh sáng văn minh và lối sống có văn hóa. Nhu cầu phẩm vật trên rừng dưới biển đều có cả, chả thiếu thứ chi. Muốn gì có nấy. Nhưng bọn trẻ chả bao giờ có được cái thú chăn trâu cắt cỏ, được đốt lửa nướng sắn nướng ngô trên đồng. Chả bao giờ được chơi đánh trận giả. Chơi cướp cờ. Chơi khênh kiệu “quan lớn” vinh quy bái tổ. Quan lớn đội mũ cánh chuồn làm bằng lá chít. Quan lớn thấy buồn buồn ở bên trong bụng dưới. Quan lớn đã cố hết sức nhưng không nhịn được nữa rồi. Quan lớn buộc phải “bủm” ra một tiếng, làm thối um mấy thằng to đoành đang khiêng kiệu phải nhắm mắt bịt mũi. Rồi đùng đùng quan lớn đòi đuổi trâu ra đồng. Tranh thủ lúc trâu ăn cỏ, cả bọn lẻn ra cánh đồng tắm bùn. Lập tức bùn được bôi trét lên trên người quan lớn quan bé. Bùn nhớp nháp trơn tuồn tuột từ đầu đến chân. Khắp nơi khắp chốn toàn bùn. Được tắm bùn, loài người được trở về nguồi cội. Ai cũng đều từ bùn đất mà lên. Không ai sang hơn ai. Không ai hèn hơn ai. Nói đến đây làm tôi nhớ đến mấy cái trò dịch vụ tắm bùn. Tại các khu du lịch trong Nam, ngoài Bắc mà tôi đã từng. Chúng tôi nghĩ, đây chỉ là trò trẻ con dành cho người lớn. Mấy ông bà tồng ngồng ục ịch ngâm người trong bùn mà lấy làm thích thú. Bùn chảy tồ tồ vào bồn như bò đái khai rình. Chả biết đấy là bùn nhân tạo hay bùn tự nhiên. Tôi chỉ thấy bùn loang loáng chảy lên da thịt người nhà giàu. Bùn vừa chảy vừa chít vào các lỗ chân lông. Không cho lông thở. Chán chết. Thế mà mấy ông mấy bà rỗi việc, lấy hai tay khum khum miết bùn lên mặt. Thế rồi, họ còn kháo nhau rằng tắm bùn là để trị liệu, tái tạo làn da non. Có thế thật không nhỉ? Họ rối rít khoe ở đây chúng em có nhiều loại bùn lắm. Bùn non. Bùn biển chết. Bùn trầm tích Isael. Bùn trộn sữa tươi…Nhưng khi tắm xong, lại thấy ngứa ngáy đỏ tấy khắp người. Ngứa kinh khủng khiếp. Ôi chao! Những người nhiều tiền lắm của, thật rách việc lắm chuyện. Họ chỉ chuốc lấy sự vô công rồi nghề cho mình. Đã thế lại còn dại dột khoe khoang trước bàn dân thiên hạ. Với tuổi trẻ chúng tôi, một thời từng tắm cả một cánh đồng bùn. Đấy mới là đại yến tiệc. Bùn là sự chết được nghiền nát rồi pha loãng. Sau đó những người nông dân trồng sự sống vào bùn. Bùn là gốc gác nơi chốn của con người. Nên bùn có vẻ đẹp khởi nguồn của sự sống. Đó là những đứa con da nâu tóc đen được sống và lớn lên nhờ bùn. Nhờ có bùn mà việc cấy trồng thóc lúa được thuận lợi. Nhờ có thóc lúa mà con người sinh ra con người. Con người yêu nhau lại sinh con người …muôn đời …muôn đời.
Chả thế mà từ lâu dân ta có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Con trâu là khởi đầu của mọi khởi đầu cho người nông dân. Vì thế người Tày quê tôi có một cái tết dành cho trâu, gọi là khoăn vài (tết vía trâu) hàng năm vào ngày mùng sáu tháng sáu âm lịch.