“Con tôm ôm cây lúa” mối lương duyên giúp nông dân thoát nghèo

Hoàng Thịnh| 09/12/2019 14:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mô hình canh tác “con tôm ôm cây lúa” đang phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó phải kể đến huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu là một trong những địa phương đã phát huy được hiệu quả và sự bền vững của mô hình này.

Huyện Hồng Dân có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 39.000 ha ở hai vùng sinh thái đặc thù (mặn - ngọt). Đây là điều kiện để huyện phát triển nhiều mô hình sản xuất, nhất là các mô hình sản xuất kết hợp mang tính hiệu quả và bền vững.

Trong đó mô hình lúa - tôm là một mô hình rất tốt mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Từng được coi là huyện khó khăn nhất với việc trồng lúa 2 vụ không hiệu quả, nhưng từ khi chuyển sang sản xuất lúa - tôm, đời sống kinh tế nông dân huyện ngày càng khấm khá hơn.

“Con tôm ôm cây lúa” mối lương duyên giúp nông dân thoát nghèo

Những cánh đồng lúa tôm trên địa bàn huyện Hồng Dân

Đặc biệt từ khi có chủ trương chuyển đổi mô hình lúa - tôm người dân bắt đầu có thu nhập dần ổn định, giờ vươn lên khá giàu. Hiện nay, 1ha nuôi tôm (tôm thẻ, sú và tôm càng), trung bình mỗi năm cho nhà nông lãi 60 - 70 triệu đồng/2 vụ tôm, cá biệt có hộ lãi gần 100 triệu đồng; một vụ lúa bình quân 4,5 - 5,6 tấn/ha.

Ông Trần Nguyên Đán (54 tuổi, ngụ ấp Tà Ki, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, từ khi huyện có chủ trương phát động chuyển đổi mô hình lúa - tôm gia đình ông dần khá lên kinh tế thu nhập hàng năm ổn định.

“Con tôm ôm cây lúa” mối lương duyên giúp nông dân thoát nghèo

Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân đi thăm mô hình lúa - tôm 

“Tôi chuyển sang sản xuất theo mô hình tôm - lúa được khoảng 10 năm. Nhờ mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây nên cho hiệu quả kinh tế cao, từ đó thu nhập được nâng lên. Hằng năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng/1 hecta từ mô hình này. Nếu so với trước đây chỉ làm 1 vụ lúa mùa, thì đời sống nông dân của chúng tôi bây giờ khá hơn nhiều và việc làm gần như có quanh năm”.

Qua nhiều năm cho thấy, trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra xung đột về sử dụng nguồn nước lợ, ngọt trong quá trình sản xuất. Vào mùa khô, nước ngoài sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm sú, đến mùa mưa, nông dân lại lấy nước ngọt vào trồng lúa, hiệu quả mang lại rất đáng kể. Vụ lúa tuy năng suất không cao so với các vùng chuyên canh trồng lúa nhưng bán được giá, vì hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trồng lúa theo hướng bón phân hữu cơ, nhưng quan trọng hơn hết là giữ được đất sạch để thả nuôi tôm lại vụ sau. Khi trồng lúa, sau thu hoạch, gốc rơm rạ còn lại là nguồn hữu cơ rất tốt để giữ đất thêm màu mỡ nuôi tôm vụ sau.

Ông Lê Văn Phán (70 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hoà, xã Vĩnh Lộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) người có thâm niên trong việc thực hiện mô hình lúa - tôm phấn khởi chia sẻ: “Tôi thấy huyện đưa ra chủ trương phát triển mô hình lúa - tôm là đúng đắn bán sát vào vào điều kiện thực tế của địa phương. Hơn 10 năm qua từ khi gia đình tôi áp dụng mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế gia đình khá giả, con cái ăn học đàng hoàng. Trung bình hàng năm gia đình tôi nuôi trồng 2 hecta theo mô hình lúa - tôm mang lại thu nhập gần 150 triệu đồng, trong đó lợi nhuận từ con tôm trên 120 triệu”.

Từ mô hình này người dân còn tận dụng các bờ liếp vuông tôm trồng thêm các loại cây màu như bầu, bí và một số loại rau giúp tăng thêm thu nhập. Qua đó cho thấy, mô hình sản xuất lúa - tôm đã chứng minh được tính hiệu quả, làm tăng thêm giá trị kinh tế cho người dân.

“Con tôm ôm cây lúa” mối lương duyên giúp nông dân thoát nghèo

Thu hoạch tôm tại huyện Hồng Dân

Ông Huỳnh Trung Hiếu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân chia sẻ: “Xác định mô hình một vụ tôm - một vụ lúa là cứu cánh để vực dậy kinh tế trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, thời gian tới, huyện Hồng Dân tiếp tục xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ vùng quy hoạch. Trong đó chú ý vùng nuôi tôm tập trung, độc lập theo vùng và thời gian để chủ động chuyển đổi chuyên tôm, trồng lúa trên nền đất nuôi tôm sẽ giảm lượng phân bón, công chăm sóc, giảm chi phí. Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống điện, trạm bơm, cống đập ngăn mặn cho vùng trồng lúa; tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, thuốc và hóa chất sử dụng trên tôm nuôi; tuân thủ quy trình sản xuất theo lịch thời vụ của từng tiểu vùng. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, nhất là về quản lý môi trường nước, phòng trị bệnh trên tôm, kỹ thuật canh tác lúa trong mô hình”.

Theo chia sẻ kinh nghiệm nhiều nông dân, trong hệ thống canh tác lúa - tôm, sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa trở nên màu mỡ, người trồng lúa chỉ bón một lượng nhỏ phân là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây lúa.

Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người thực hiện mô hình phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, hạn chế được dịch bệnh, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa nên các chất độc hại trong nuôi tôm được giảm thiểu, hạn chế tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu dài; đồng thời cắt mầm bệnh trong ruộng nuôi, môi trường ruộng tôm ổn định hơn nên khi nuôi tôm không cần phải sử dụng nhiều thuốc, hóa chất dẫn đến chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận tăng.

Tuy nhiên, để phát triển mô hình canh tác lúa - tôm ngày càng mang tính hiệu quả cao, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Hồng Dân tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất lúa - tôm, bổ sung các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, chính sách quản lý và sử dụng đất sản xuất lúa, chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, hệ thống quan trắc môi trường đảm bảo quản lý chất lượng nước phù hợp với trồng lúa, nuôi tôm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Con tôm ôm cây lúa” mối lương duyên giúp nông dân thoát nghèo