Một con đỉa dài khoảng 5cm vừa được các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An gắp ra khỏi đường thở của bé gái 9 tuổi.
Ngày 26/10, BS Đoàn Nhân Chính - Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa gắp con đỉa dài 5cm từ đường thở cho bệnh nhi Lương Thị T. (9 tuổi, trú tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Trước đó, bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng khó thở, ho nhiều. Gia đình cho biết, khoảng 2 tháng trước, bé có biểu hiện ho, khò khè, khó thở, cảm giác có gì đó vướng mắc trong cổ họng. Gia đình cho rằng bé bị viêm phế quản thông thường nên tự điều trị.
Con đỉa dài hơn 5cm che kín đường thở của bệnh nhi, gây viêm loét thành phế quản
Tình trạng khó thở của bé T. ngày càng tăng nên gia đình đưa bé vào bệnh viện huyện thăm khám. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện 1 con đỉa sống trong đường thở nên đã chuyển bé đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An xử lý.
Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển thẳng lên phòng mổ. Các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng đã tiến hành nội soi ống cứng, gắp dị vật ra được 1 con đỉa còn sống, dài hơn 5cm.
Theo BS Chính, do con đỉa sống lâu ngày trong hạ thanh môn nên càng ngày càng to lên, hút máu, khiến cho thành phế quản của bệnh nhân bị viêm loét, chảy máu, đọng nhiều dịch mủ, che bít kín đường thở. Nếu không xử lý kịp thời, để lâu ngày có thể sẽ bịt kín đường thở, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Được biết, sau khi gắp con đỉa ra khỏi cơ thể, hiện sức khỏe cháu T. hồi phục khá tốt.
Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế những trường hợp động vật như vắt, đỉa chui vào đường thở, mọi người không nên uống nước lã từ sông, suối, vũng; thận trọng khi tắm tại các nguồn nước tự nhiên. Khi con đỉa theo đường miệng chui vào các khoang mũi, họng, thanh, khí, phế quản sống ký sinh, hầu hết mọi người đều không biết, chỉ sau 10-15 ngày mới thấy ngứa cổ, buồn nôn. Do đó, khi gặp các triệu chứng như, ho ra máu, tức ngực, khó thở, cổ nhiều đờm thì phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.