Cổ tích đôi vợ chồng mù bán chổi

Lê Công| 02/10/2014 15:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giữa xứ Huế mộng mơ, người ta bắt gặp cảnh người vợ khiếm thị lái xe đạp chở người chồng bị mù hai mắt ngồi sau, tay anh ôm bó chổi, chân đạp trợ giúp cùng nhịp đạp với vợ. Một hình ảnh vừa éo le, đầy thương cảm nhưng cũng vừa ấm áp và ngưỡng mộ.

Men theo bờ kinh thành Huế, chúng tôi tìm về mái ấm của đôi vợ chồng ấy. Giữa một thành phố Huế lung linh, mộng mơ, nơi anh chị đang cư ngụ lại là một xóm nhỏ với những ngôi nhà nằm lộn xộn trên Thượng thành. Những người sống ở đây đa phần là hộ nghèo, sống lay lắt với những nghề như: bán vé số dạo, đạp xích lô, chạy xe thồ…

Hai mảnh đời, một số phận

Ngay đầu con kiệt nhỏ số 92 của đường Ông Ích Khiêm, hỏi cặp vợ chồng mù bán chổi dạo là ai ai cũng biết. Họ chỉ tay về phía một căn nhà nhỏ thấp lè tè, nằm vắt vẻo trên đỉnh bờ thành. Đó chính là mái ấm của 5 con người và nơi đó có một câu chuyện tình cổ tích giữa cuộc sống đời thực mà chưa bao giờ kể.

Anh là Phan Quốc Long, sinh năm 1971, người gốc làng Phú Mậu, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) là người con thứ 4 của một gia đình 6 anh em. Năm lên 3 tuổi, anh mắc phải bệnh sởi, vì nhà nghèo không có điều kiện chạy chữa nên để lại biến chứng khiến đôi mắt anh bị mù vĩnh viễn.

Cổ tích đôi vợ chồng mù bán chổi

Hai vợ chồng len lỏi bán chổi khắp thành phố. Ảnh Lê Công

Cái nghèo, cái khổ, cộng với sự mất mát to lớn ấy đã biến tuổi thơ của anh dữ dội hơn bao giờ hết. Chàng thanh niên Quốc Long lớn lên trong sự tự ti, hờn tủi và khổ cực. Anh ít nói và luôn lầm lì đối với mọi người, tưởng chừng như anh cứ mãi buồn chán, u tối như thế đến hết cuộc đời, nhưng rồi số phận, ông Tơ - bà Nguyệt  đưa đẩy anh tham gia vào mái ấm Hội người mù của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại đây, trong lớp dạy nghề làm tăm, làm chổi của Hội, anh đã ấn tượng người con gái “có giọng nói trong trẻo và nụ cười nghe e thẹn (lời anh Long-PV)” ấy, để rồi trái tim anh như lạc nhịp, thay cho đôi mắt, đưa đường dẫn lối tấm chân tình của anh tìm đến chị - người con gái mang tên Nguyễn Thị Trắc.

Chị Trắc sinh năm 1978, người huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cuộc sống của chị trước khi gặp anh nghe đâu cũng chẳng mấy ngọt ngào. Mẹ của chị làm người ở cho nhà người ta rồi chẳng may mang bầu với ông chủ mà sinh ra chị. Năm lên 2 tuổi, mẹ chị mất, chị sống với những người anh chị cùng cha khác mẹ trong gia đình. Cô bé Trắc mỗi ngày một lớn, nhưng đôi mắt mỗi ngày lại một mờ dần đi, đến ngày nọ, con mắt bên phải của chị không còn nhìn thấy.

Ánh sáng của con mắt còn lại cũng dần khép lại, nhìn cuộc đời dần dần chìm vào bóng tối, chị bi quan tưởng như mình chẳng thể tiếp tục sống được nữa. Năm 1995, chị tham gia vào Hội người mù như tìm niềm an ủi với những con người cùng cảnh ngộ thì gặp anh Long. Trước tấm lòng của anh, cùng với sự đồng điệu của hai tâm hồn thiếu thốn tình cảm, họ đã đến với nhau như một lẽ thường tình.

Hạnh phúc mỉm cười giữa muôn vàn khó khăn

“Yêu nhau là thế, nhưng đến khi tôi bàn chuyện cưới thì gia đình bên Trắc phản đối dữ dội lắm” anh Long tâm sự. Hóa ra, gia đình chị Trắc chê gia cảnh anh nghèo, sợ chị lấy anh về rồi lo anh trở thành gánh nặng. Nhưng anh Long không bỏ cuộc, anh cố gắng học thành thạo nghề làm chổi, đồng thời đưa câu chuyện của mình nhờ chính quyền phường vận động, giúp đỡ. Trước tấm lòng, sự quyết tâm của anh, cùng với sự động viên của chính quyền, bà con làng xóm, cuối cùng gia đình bên chị cũng miễn cưỡng đồng ý.

Năm 1997, anh chị dọn về ở với nhau mà không tổ chức đám cưới, chỉ làm mâm cơm cúng những người đã khuất, xin phép tổ tiên cho nên nghĩa vợ chồng. Sau đó, hai vợ chồng rời khỏi Hội người mù về sống tại căn nhà hiện tại với mẹ của anh Long. Với tay nghề làm chổi lông, chổi đót đã cứng cáp, ba con người ấy cưu mang nhau bữa rau, bữa cháo qua ngày.

Cổ tích đôi vợ chồng mù bán chổi

Chị Trắc chở anh Long đi bán chổi dạo. Ảnh Lê Công

Năm 1999, mái ấm anh chị có thêm thành viên mới. Bé Nguyễn Thị Anh Thư chào đời trong niềm vui và hạnh phúc của cả nhà. “Cháu sinh ra với đôi mắt lành lặn, ai cũng vui mừng” anh Long chia sẻ.  Ám ảnh từ bài học tuổi thơ của mình, anh Long luôn cố gắng chăm lo cho bé Anh Thư khỏe mạnh, có lúc anh chị phải ăn cháo trắng nấu loãng mấy tháng liền để dành tiền mua thuốc cho con. Anh sợ “chẳng may thuốc thang không đầy đủ, để lại biến chứng thì tội cháu nó lắm”.

Tiếp năm 2004, bé em Nguyễn Thị Anh Thi ra đời. Cả hai bé giờ đã khôn lớn,ai cũng chăm ngoan, học giỏi. Anh Thư đã ra dáng thiếu nữ, đảm đang việc nhà. Đặc biệt, bé Anh Thi rất thông minh, em là học sinh giỏi 5 năm liền của trường tiểu học Thống Nhất. “Thấy con cái đứa nào cũng khỏe mạnh, cũng ngoan. Đó là nguồn động lực để vợ chồng tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống” chị Trắc tâm sự.

Nói đến những khó khăn mà anh chị đang trải qua thì nhiều vô kể. Thu nhập của cả gia đình phụ thuộc vào những bó chổi lúc nào cũng ế ẩm khách. Hai loại chổi mà vợ chồng anh thường bán là chổi làm bằng sợi ni-lông và chổi làm bằng đót. Được biết, hàng ngày anh chị thức dậy vào lúc tờ mờ sáng, rồi cả hai chở nhau đi mọi hang cùng ngõ hẻm của thành phố, anh bán chổi, chị bán thêm mấy tờ vé số. Cả ngày, hai vợ chồng đắt khách lắm thì cũng kiếm được từ 70 – 100 nghìn đồng, nhưng có ngày cũng không bán nổi 50 nghìn đồng.

Cổ tích đôi vợ chồng mù bán chổi

Thời gian nghỉ ngơi, vợ chồng anh Long lại tranh thủ làm chổi. Ảnh Lê Công

Tối về, cả nhà lại quây quần bên nhau cùng làm chổi. Hết buổi tối, cả 5 con người ấy làm được tối đa khoảng 30 cái chổi để chuẩn bị cho đợt bán ngày hôm sau. Gia đình anh chị Long – Trắc thuộc diện nghèo nhất xóm bờ thành. Ngày đầu mới cưới nhau về, anh Long đã mạnh dạn vay tiền người ta mổ một mắt cho chị, nhờ vậy con mắt bên trái của chị Trắc đã nhìn thấy, mặc dù không được rõ, chỉ thấy lờ mờ nhưng cũng cứu cánh cho anh chị phần nào trong sinh hoạt. Số tiền vay cứ lãi mẹ đẻ lãi con, đến bây giờ anh chị vẫn chưa trả hết nợ gốc.

Không chỉ vậy, anh Long lại mắc thêm căn bệnh sỏi mật, thường xuyên phải nhập viện. Mới đầu năm nay, anh ốm một trận thập tử nhất sinh, chị Trắc chạy vạy khắp nơi vay nóng thêm 20 triệu nhưng vẫn không đủ trả tiền viện phí. Thương tình, một số y bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế đã góp ngày lương trả nốt số tiền viện phí còn lại. “Cái ơn nghĩa ấy không biết đến khi nào hai vợ chồng tôi mới trả hết được, chỉ biết cố gắng làm việc mà trả hết số tiền nợ vay nóng, giờ trước mắt mong sao gom góp mua được cái máy tuốt chổi để đỡ vất vả mà làm chổi nhanh và năng suất” anh Long nói trong xúc động. 

Biết rằng, mọi sự cố gắng đều được đền đáp xứng đáng bằng những thành quả nhưng với anh chị việc chạy ăn từng bữa đã là cả một vấn đề thì nói gì đến việc dành dụm tiền mà trả nợ nóng, mà mua máy tuốt chổi.

Chia tay anh chị, đúng lúc cả nhà dọn bữa cơm tối. Nhìn mâm cơm đạm bạc chỉ ít rau muống luộc, bát canh luộc rau lấy nước và chén nước mắm mà chúng tôi không khỏi xót xa lòng. Nhưng 5 con người ấy vẫn nói cười vui vẻ, anh Long vui tính bông đùa đôi ba câu, chị Trắc khẽ đánh nhẹ anh nhắc khéo, còn Anh Thư, Anh Thi thì ôm bụng cười thích thú. Nhìn cái cảnh ấy mà người viết bài cảm thấy vui vui.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ tích đôi vợ chồng mù bán chổi