Trên biên cương cực Bắc, mỗi ngọn núi, con sông đều mang trong lòng những khúc tráng ca về lịch sử, mỗi tấc đất hay mỗi bản làng heo hút đều in dấu chân của các bậc tiền nhân.
Lần theo những bước chân ấy, xâu chuỗi những câu chuyện như còn đang rì rầm trong mạch đất, ta sẽ thấy tổ tiên thông tuệ thế nào trong suốt quá trình khai phá, gìn giữ biên cương đầy nhọc nhằn một thuở.
Điểm cao nhất trên dọc dài biên giới ấy là thôn Séo Lủng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang), nơi có cột cờ Lũng Cú - một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền dân tộc.
Khẳng định chủ quyền dân tộc
Khi ngược Đồng Văn, đứng dưới chân núi Rồng nhìn lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay trong nắng gió, hẳn nhiều người sẽ dấy lên câu hỏi: Dòng sông này chia nước về đâu, ngọn cờ này hiện diện ở đây từ bao giờ mà khí núi hồn sông khơi giục lòng người đến lạ?!
Theo cách lý giải của người già ở đây thì Lũng Cú còn gọi theo tiếng quan hỏa của hai chữ long cư, có nghĩa là nơi rồng ở. Chuyện kể rằng, xưa kia có một con rồng từ trên trời bay xuống đậu trên ngọn núi cao nhất của khu vực hình chóp nón trên bản đồ Việt Nam, trước khi bay về trời, thương dân đói khổ do thiếu đất, thiếu nước, nên rồng đã để lại đôi mắt là hai chiếc hồ bán nguyệt hai bên cột cờ Lũng Cú hiện nay.
Nhưng cũng có giả thiết cho rằng, Lũng Cú là cách đọc chệch của từ Lũng Cừu, theo ngôn ngữ của người Mông thì có nghĩa là Lũng Ngô, bởi cánh đồng Thèn Pả lớn nhất ở Lũng Cú có rất nhiều ngô, quanh năm xanh tốt; hoặc đó là tên người đứng đầu một dòng họ dân tộc Lô Lô đã có công khẩn hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất cực Bắc này.
Đến giờ, sử sách cũng vẫn còn ghi, từ xa xưa, vùng đất Lũng Cú luôn được các triều đại phong kiến coi là một trong những vùng đất tiền đồn có vai trò quan trọng ở phía Bắc. Dấu ấn của thời đại Hùng Vương còn lưu lại nơi đây những cặp trống đồng Đông Sơn được lưu giữ như bảo vật trong các gia đình người dân tộc Lô Lô, Mông, Dao…
Cột cờ Lũng Cú
Ở vùng đất địa đầu này, người Lô Lô luôn tự hào mình là những cư dân đầu tiên đến khai phá và an cư lạc nghiệp, từ hơn ngàn năm trước (các sử liệu cho rằng họ đã định cư tại Đồng Văn từ thế kỷ X). Thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung cũng đã cho đặt nơi biên ải hiểm trở này một chiếc trống lớn, để khi biên cương có giặc thì nổi trống báo hiệu cho quân triều đình đến ứng cứu, đó không chỉ là hiệu lệnh, là phương tiện thông tin của quân đội Tây Sơn, mà còn như một sự khẳng định chủ quyền của một đất nước. Vị trí đặt trống năm xưa chính là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ.
Lịch sử cũng đã ghi nhận ở mảnh đất biên cương này, hành trình mưu sinh của đồng bào các dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Mông, Dao, Tày, Giáy trải qua không biết bao nhiêu binh biến và tao loạn. Những hủ tục lạc hậu như thứ tròng ách thít lấy cổ, cột trói con người. Cả bệnh tật đói ăn khát muối; cả những cuộc chạy loạn, chạy phỉ đã đẩy cuộc sống của đồng bào ở cao nguyên đá vốn gian nan lại càng cơ cực hơn.
Tháng 3/1961, cuộc tiễu phỉ vừa kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm Hà Giang. Người ân cần động viên đồng bào các dân tộc đoàn kết vượt khó, ổn định cuộc sống diệt giặc đói giặc dốt, xóa đi các hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới. Từ đó, niềm tin về tương lai bắt đầu được thắp sáng trong lòng mỗi người dân.
Nơi gửi gắm niềm tin của đồng bào
Năm 1977, với mong muốn xây dựng một con đường con đường lên Lũng Cú, nhân dân 19 xã trong huyện Đồng Văn nô nức ra quân. Huyện giao cho xã, xã giao cho từng hộ gia đình. Ai nấy điều cố gắng làm sao để khúc đường nhà mình làm không thua kém nhà bên cạnh. Miệt mài trong suốt gần hai tháng ròng như thế, đến ngày 12/8/1978, tuyến đường từ trung tâm huyện lên cột cờ chính thức được hoàn thành.
Có đường rồi, ông Hùng Đình Quý, lúc đó đương là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đồng Văn, lại nghĩ đến việc cắm cờ trên đỉnh núi Rồng để bà con khắp nơi về dự lễ thông xe có thể nhìn thấy. Ông bảo, trước đây đã có một lá cờ cắm, nhưng do lá cờ quá nhỏ nên cần phải có một cột cờ cao hơn, lá cờ cũng phải to hơn để cắm ở vị trí tiền tiêu này. Để có cột cờ, huyện đã chỉ đạo xã Lũng Cú chọn 20 thanh niên khỏe mạnh vào rừng tìm một cây thông cao gần 20m để làm cột cờ. Còn lá cờ với chiều dài 9m, rộng 6m cũng được đặt may. Sau này, ý nghĩa của lá cờ thiêng ấy lại càng được nhân lên khi diện tích tương ứng của nó mang ý nghĩa biểu tượng cho 54 dân tộc anh em sống trên đất Việt.
Ngày ấy, người dân Đồng Văn coi lá cờ là nơi gửi gắm niềm tin của mình tới Đảng, tới Bác Hồ. Nếu là niềm vui họ nhìn lên đỉnh núi Rồng, nhìn màu cờ thắm tươi để chia sẻ, để có thêm nghị lực phấn đấu. Nếu là nỗi buồn nhìn lá cờ bay, bà con cũng thấy được phần nào an ủi, rồi từ đó cái buồn cũng dần đi để lòng người phấn chấn hơn. Vào những năm sau đó, cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian.
Năm 2000, trong bốn tháng ròng rã từ tháng 8 đến tháng 12, cũng chính những đồng bào ở Đồng Văn đã dùng đôi vai của mình cõng lên đỉnh đồi cao 1.460m từng bao cát, từng tảng đá, từng can nước để xây lại cột cờ. Những chiếc quẩy tấu thô mộc cùng với những bước chân cần mẫn của họ đã kéo lên đỉnh Rồng 2 tấn thép, 8.000 viên gạch, 40m3 đá và 30m3 khối cát để xây dựng cột cờ. Chỉ có ai đã từng leo dốc, vượt đồi với hàng nghìn bước chân mỏi rã rời để lên đỉnh Rồng, mới thấm thía hết công sức, tiền bạc mà nhân dân cả nước đã góp phần xây lên cột cờ tột Bắc.
Ông Hùng Đình Quý, người có nhiều công lao trong việc xây dựng cột cờ Lũng Cú
Gần đây nhất, để cột cờ Lũng Cú xứng đáng là niềm tin kiêu hãnh của quân và dân cả nước, năm 2010, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã khởi công xây dựng và nâng cấp cột cờ với kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng mô phỏng theo hình cột cờ Hà Nội.
Cột cờ có chiều cao 33,15m được thiết kế hình bát giác, xung quanh cột gắn 8 mặt trống đồng Đông Sơn và dưới chân cột cờ là 8 tấm phù điêu đá xanh được chạm khắc công phu, minh họa cho các thời kỳ lịch sử của đất nước cùng với các phong tục tập quán của tỉnh Hà Giang. Ngày 25/9/2010, nhân dân cả nước đã đổ về Lũng Cú tham dự lễ khánh thành cột cờ và tận mắt chứng kiến Lễ thượng cờ.
Biên cương lấp lánh niềm tin
Giờ, đứng trên cột cờ nhìn xuống, thấp thoáng trong sương mù là những khu bản của người Lô Lô, người Mông với những mái nhà ngói cũ rêu phong. Xen giữa màu xanh của ngô, của lúa trên những ô ruộng bậc thang là những dải vàng óng ả của cải mèo. Tất cả những sắc màu đó ngời lên, minh chứng cho một sức sống bền bỉ, trường tồn nơi biển đá. Bằng mồ hôi, công sức cùng với quyết tâm chinh phục thiên nhiên, đồng bào đã tạo ra ngô vàng, gạo tím và rượu nồng trên biển đá.
Kể từ khi Chương trình 134, 135 của Chính phủ được thực hiện một cách tích cực đã làm cho bộ mặt Séo Lủng thay đổi hẳn. Hầu hết mái nhà đều lợp prôximăng và nhà nào cũng có bể nước ăn. Điện lưới quốc gia được kéo về, đêm đêm các nhà văn hóa thôn, bản đã trở thành điểm hẹn của đồng bào. Giống ngô mới năng xuất cao treo đầy trên gác bếp và ngoài hiên nhà, các loại gia súc bò dê gà lợn cũng ngày một đông đúc hơn, cuộc sống của đồng bào mỗi ngày mỗi khác.
“Núm ruột hồng vượt lên đá, nở hoa…” - những lời ca ấy mỗi người mẹ Mông ở Đồng Văn thường ru con từ thủa lọt lòng, nó thể hiện cái khát vọng, ý chí và nghị lực vươn lên của cộng đồng các dân tộc nơi biên ải; để rồi từ chính nghị lực, ý chí và niềm tin mãnh liệt ấy đã giúp Lũng Cú vượt qua thử thách nghiệt ngã của cao nguyên đá mà trụ vững và phát triển. Để đổi lấy màu xanh của sự sống như hôm nay, thật khó để đong đếm được những giọt mồ hôi của đồng bào đã chảy xuống những khe đá lạnh và trên những chân ruộng bậc thang.
Giờ đây, trên vùng đất như vầng trán kiêu hãnh của “bà Mẹ Tổ quốc” này, tiếng khèn của người Mông, tiếng trống của người Lô Lô lại được cất lên cùng với những vũ điệu nguyên sơ huyền thoại. Dưới chân ngọn cờ thiêng, Đồng Văn đã và đang có những bước chuyển mình. Dẫu cuộc sống của bà con các dân tộc trên cao nguyên đá này vẫn còn nhiều cam khó, song chỉ cần có niềm tin, nhất định vùng biên cương này sẽ dần no ấm. Và, dẫu vạn vật có biến thiên, nhưng có một điều chắc chắn không bao giờ thay đổi, đó là cột cờ thiêng trên đỉnh núi Rồng sẽ luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt.