TTCK dường như rất kém sức hút đối với các DN hiện nay hay tiêu chuẩn niêm yết quá cao khi mà nửa đầu năm 2014 đang dần trôi qua, nhưng điểm lại mới có thêm 4 DN bước chân lên sàn?
Yếu tố nào tác động đến việc doanh nghiệp (DN) có lên sàn hay không?
Theo thống kê của Vietstock, trong 6 tháng đầu năm chỉ có 4 doanh nghiệp niêm yết mới trên hai sàn chứng khoán là BID, CHP, KSK, NFC. Tuy nhiên, hiện có một loạt DN đã nộp hồ sơ lên các Sở GDCK và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để niêm yết trong năm như Thế giới di động (MWI Corp), Chứng khoán Thiên Việt (TVS), Thủy điện Miền Nam (SHP), Phân lân nung chảy Văn Điển (VAFCO), Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông (HQM), Đầu tư CEO (CEO), Dịch vụ cảng hàng không Đà Nẵng (MAS), Quản lý Đầu tư Trí Việt (TVC), Đầu tư AMD Group (AMDGroup), Sợi Thế kỷ (SoiTheKy), Tàu cao tốc SuperDong Kiên Giang (SKG).
Nói về vấn đề niêm yết, ông Hoàng Thạch Lân-Giám đốc môi giới CTCK MBHS cho rằng, niêm yết là một quá trình mà các Sở GDCK tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN) hoặc ngược lại, sau đó tiến hành các quy trình thủ tục, nếu nhanh thì trong 2 tuần, còn chậm thì mất khoảng 6 tháng. Những năm trước đây, việc niêm yết thường rơi vào quý 1 và quý 4 vì nó liên quan đến các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho các DN.
Còn hiện nay, ông Lân đánh giá thị trường vẫn đang khó khăn, DN lên sàn không hẳn là tốt. Trường hợp của Thế Giới Di động đang trong giai đoạn tăng trưởng cao nên lên sàn sẽ có được nhiều lợi thế, nhưng không nhiều DN được như vậy. Nhiều cổ đông muốn DN lên sàn nhưng bản thân tình hình tài chính công ty không tốt.
Yếu tố thị trường cũng tác động rất lớn, nếu tăng trưởng mạnh thì nhiều DN lên sàn, còn không thì giá niêm yết sẽ khó được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, đứng ở góc độ DN còn tùy thuộc vào việc họ có thực sự muốn lên sàn hay không. Trên góc độ vĩ mô thì vào từng thời kỳ, ngành nghề nào có những chính sách ưu tiên thì mới kích thích được các DN niêm yết.
Với quan điểm khác, ông Phan Dũng Khánh-Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), nhìn nhận, năng lực của DN trong việc IR, truyền thông tạo hình ảnh thu hút nhà đầu tư là yếu tố quan trọng khi đặt chân lên sàn. Ngoài ra, chất lượng “hàng” cũng có vai trò quyết định sự thành công. Ông Khánh đề cập việc IPO của các Tổng công ty Nhà nước từ đầu năm đến này được diễn ra khá rầm rộ nhưng số lượng bị “ế” tương đối nhiều, vấn đề ở đây là chất lượng “hàng, độ “hot” không có, lĩnh vực hoạt động của DN ít được quan tâm.
4 “anh mới”…
Tuy với số lượng lên sàn ít ỏi nhưng trong số đó lại có DN tạo ra những cú hích lớn cho TTCK về quy mô vốn và khối lượng cổ phiếu niêm yết. Cụ thể trên HOSE, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV (HOSE: BID) chính thức trở thành ngân hàng thứ 6 trên TTCK vào ngày 24/01/2014 sau nhiều lần trì hoãn. Với khối lượng khổng lồ hơn 2.8 tỷ cổ phiếu, vốn hóa của BID chiếm hơn 5% tổng thị trường theo giá chào sàn 18,700 đồng/cp, còn toàn ngành ngân hàng chiếm 27%.
BID đã tạo được ấn tượng trong giai đoạn đầu niêm yết. Quý 1/2014 đạt mức lợi nhuận 1,536 tỷ đồng, tăng 35% cùng kỳ. Cùng với đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 vừa qua cũng thông qua việc phát hành thêm 546 triệu cổ phiếu, nếu thành công thì lượng cổ phiếu của BID trên sàn sẽ là 3.357 tỷ đơn vị. Ngoài ra, theo kế hoạch năm 2014 cổ tức sẽ không thấp hơn 9%.
Không kém phần rầm rộ, trên HNX giữa tháng 4/2014 chào đón thêm CTCP Thủy điện Miền Trung (HNX: CHP), DN thủy điện thứ 6 lên sàn với khối lượng 120 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 1,200 tỷ đồng, đưa CHP thành DN có vốn lớn thứ 2 tại HNX.
Từ năm 2012, CHP bắt đầu sản xuất và kinh doanh điện tại nhà máy thủy điện A Lưới và năm 2013 Công ty ghi nhận doanh thu đáng kể 528 tỷ đồng, lãi ròng 126 tỷ đồng. Quý 1/2014, doanh thu đạt 113 tỷ đồng, lợi nhuận 25 tỷ đồng, thực hiện hơn 20% kế hoạch năm, dự kiến cổ tức từ 8-10%. Do đang trong quá trình đầu khai thác các dự án và sắp tới tiếp tục lập dự án đầu tư thủy điện ĐăkĐring và Sơn Hà nên các khoản vay của CHP còn khá cao với 1,725 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn cuối quý 1.
Cũng tại HNX, có thêm hai DN mới là CTCP Phân lân Ninh Bình (HNX:NFC) và CTCP Khoáng sản Luyện kim màu (HNX: KSK). 10.5 triệu cổ phiếu NFC gia nhập sàn HNX vào ngày 03/03/2014. Là DN sản xuất phân bón khá lớn, tuy nhiên từ năm 2013 NFC phải đối mặt với giá nguyên liệu gia tăng và cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành nên kinh doanh có phần sụt giảm, song vẫn đảm bảo mức cổ tức đều đặn 20%/năm.
Được biết doanh thu quý 1/2014 NFC đạt 152 tỷ đồng, thực hiện 23% kế hoạch năm, lãi ròng 4 tỷ đồng, các chỉ tiêu này đều sụt giảm so với cùng kỳ.
Còn KSK chính thức giao dịch trên HNX vào ngày 19/02/2014 với 15.69 triệu cổ phiếu. Năm 2011 không có doanh thu ngoài khoản lãi cho vay và tiền gửi. Sang năm 2012, KSK tập trung sản xuất gạch Tuynel tại công ty con mang lại kết quả doanh thu khả quan cũng như sự tăng trưởng lợi nhuận.
Ghi nhận trong quý 1/2014, doanh thu KSK chỉ bằng 40% cùng kỳ khi đạt 9 tỷ đồng, lãi ròng 1.5 tỷ đồng và bằng 13% cùng kỳ, kết quả này lần lượt thực hiện được 11% kế hoạch doanh thu năm và 8% kế hoạch lợi nhuận. Nguyên nhân của sự sụt giảm là do mưa nhiều làm giảm sản lượng, mặt khác là đầu năm công trình xây dựng chưa nhiều.
… đang ở đâu trên thị trường chứng khoán?
Cổ phiếu BID đã có thời điểm lên sàn khá đẹp khi mà thị TTCK đang trong xu hướng tăng và thanh khoản cao vào quý 1/2014. Tuy nhiên, BID đi ngược xu hướng, giảm 20% kể từ khi lên sàn đến nay. Cổ phiếu này cũng giảm dần sức hút, khối lượng giao dịch liên tục đi xuống, ấn tượng trong phiên chào sàn ở mốc 8.4 triệu cổ phiếu thì đến nay BID chỉ còn bình quân khoảng 265,000 cp/phiên trong một tháng qua.
Giao dịch cổ phiếu BID và diễn biến VN-Index tính đến 24/06/2014
Nhận định về BID, ông Lân cho rằng khi đến thời điểm toàn bộ cổ phiếu niêm yết của BIDV được tự do chuyển nhượng cùng với tỷ lệ nắm giữ 95.76% của Nhà nước được giảm xuống thì tất yếu ảnh hưởng đến thanh khoản của BID. Dù hiện nay giao dịch với gần 300,000 cp/phiên nhưng vấn đề là nhà đầu tư nào đang quan tâm đến BID, giao dịch thị trường ra sao thì mới đánh giá được thanh khoản cao hay thấp.
KSK chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX, sau vài phiên đầu tiên trên sàn mới từ 15,600 đồng/cp, giá KSK tăng vọt hơn 20,000 đồng/cp, nhưng đến nay thì đánh mất 15%, khối lượng giao dịch thưa thớt dần. Bình quân KSK có khoảng 281,000 cp/phiên trong ba tháng trở lại.
Giao dịch cổ phiếu KSK và diễn biến VN-Index tính đến 24/06/2014
Chung xu hướng giảm điểm có CHP. Lên sàn được 2 tháng nay, giá cổ phiếu “bay hơi” hơn 18%, bình quân chỉ còn 18,000 cp/phiên trong một tháng trở lại.
Riêng NFC có mức tăng điểm đáng kể, hơn 80%, thế nhưng thanh khoản lại èo ọt với gần 300 cp/phiên trong 3 tháng qua. Thời điểm NFC sôi động nhất là nửa đầu tháng 3 khi mới lên sàn, giá tăng vọt 46,100 đồng/cp, thanh khoản hơn 20,000 cp. Ngoài ra cổ tức NFC khá hấp dẫn, năm 2013 là 25% bằng tiền mặt, năm 2014 cổ tức tiền mặt cũng sẽ không dưới 20%.
Diễn biến giá cổ phiếu của 4 DN mới niêm yết tính đến 24/06/2014
Chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng nguồn vốn trong và ngoài nước dành cho thị trường đều rất sẵn, dòng tiền mới luôn có, các DN khi lên sàn thì cổ đông của họ cũng lên sàn và tạo nên một lượng nhà đầu tư mới. Chưa kể năm 2014 dòng tiền từ nước ngoài vào và độ thanh khoản của thị trường là kỷ lục. Ông Khánh nêu đơn cử hai tuần cuối tháng 3 vừa qua là hai tuần giao dịch lớn nhất trong lịch sử 14 năm TTCK Việt Nam. Vấn đề mấu chốt ở đây là “hàng nào”, cái “tôi” muốn thì giao dịch sẽ lớn, không thì sẽ rất ít, ông Khánh nhấn mạnh.
Thống kê đến thời điểm 20/06/2014, TTCK đón nhận hơn 1.1 tỷ cổ phiếu niêm yết bổ sung, ngoài ra lượng niêm yết mới của 4 DN trên khoảng 2.96 tỷ cổ phiếu (riêng BID có khoảng 2.69 tỷ cổ phiếu chưa được tự do chuyển nhượng), cùng với lượng cổ phiếu đổ ra từ việc thoái vốn ở các DN liên quan đến sở hữu Nhà nước thì thị trường sẽ đón nhận nguồn cung cổ phiếu khổng lồ. Với quy mô thị trường hiện nay chắc chắn không thể hấp thụ được hết khối lượng cổ phiếu trên, chuyên gia Hoàng Thạch Lân khẳng định. Do đó cần có vốn bổ sung từ bên ngoài, cụ thể là việc nới room cho khối ngoại, tuy nhiên dòng vốn này lại có sự chọn lọc trong việc đầu tư DN nào. Nếu như việc tăng vốn, thoái vốn từ Nhà nước diễn ra theo hướng rải đều thì khả năng hấp thụ của thị trường sẽ tốt hơn. Như cuối năm 2006 số lượng DN niêm yết ồ ạt nhưng nhờ rơi đúng thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn ngoại dồi dào chảy vào nên thị trường có khả năng hấp thụ hết, ông Lân chia sẻ. |
Trần Hạnh