Để nắm thế chủ động trong việc đầu tư vào các cổ phiếu công bố lợi nhuận đột biến, giới đầu tư cần phải làm gì?
Lợi nhuận tăng trưởng đột biến đã trở thành hiện tượng khá quen thuộc trong mỗi mùa công bố kết quả kinh doanh. Trước thông tin lợi nhuận đột biến, dòng tiền đầu cơ thường ồ ạt nhập cuộc và đẩy giá cổ phiếu tăng trưởng vượt bậc.
Thực tế cho thấy lợi nhận bất thường của nhiều doanh nghiệp đến từ việc bán tài sản hay định giá lại tài sản (thường được hạch toán trong khoản mục lợi nhuận tài chính, lợi nhuận khác) …Điều này giúp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng vọt hoặc giúp thoát khỏi những khoản lỗ lớn. Tuy nhiên, nếu loại trừ những khoản đột biến này thì có thể dễ dàng nhận thấy hoạt động chính của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khởi sắc.
Bảng 1: Một số cổ phiếu có Kết quả kinh doanh 9T/2013 đột biến (Nguồn: VietstockFinance)
Điển hình nhất trong thời gian gần đây có lẽ là trường hợp của CTCP Tập Đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) và CTCP Đầu Tư & Sản Xuất Việt Hàn (HOSE: VHG). Theo báo cáo tài chính 9T/2013, lợi nhuận sau thuế của TLH đạt 140 tỷ đồng, tăng gần 3.8 lần so với cùng kỳ; trong khi mức lợi nhuận mà VHG đạt được là 76 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước lỗ đến 22 tỷ đồng.
Nếu loại trừ lợi nhuận đột biến từ hoạt động tài chính và hoạt động khác thì lợi nhuận trước thuế của TLH chỉ còn vỏn vện 15 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ; và VHG sẽ chuyển từ lời 83 tỷ đồng trước thuế thành lỗ 14 tỷ đồng, số lỗ này còn tăng cao hơn so với năm ngoái.
Để có thể nắm thế chủ động, giới đầu tư cần phải xác định tăng trưởng lợi nhuận đột biến này có phải đến từ sự cải thiện của hoạt động chính hay chỉ là sự đột biến trong ngắn hạn.
Bảng 2 & 3: Kết quả kinh doanh 9T/2013 đột biến của TLH và VHG (Nguồn: VietstockFinance)
Biến động ở cổ phiếu có KQKD đột biến
Một số đặc điểm giao dịch thường thấy ở nhóm cổ phiếu có lợi nhuận đột biến là:
(1) Giá của các cổ phiếu này thường tăng mạnh với khối lượng giao dịch đột biến trước thời điểm công bố thông tin lợi nhuận bất thường và bùng nổ sau khi thông tin này được công khai.
(2) Dòng tiền đầu cơ rất hứng thú với dạng cổ phiếu này, đặc biệt là với những cổ phiếu có thị giá nhỏ. Do đó, dù lợi nhuận có thực chất hay không thực chất thì những cổ phiếu này vẫn bật tăng mạnh trong một giai đoạn nhất định.
(3) Độ dài của con sóng thường phụ thuộc vào mức đột đột biến của lợi nhuận. Lợi nhuận đột biến càng lớn thì sóng đầu cơ diễn ra mạnh và thường kéo dài, ngay cả khi lợi nhuận trong những đợt công bố tiếp theo không có sự đột biến, điển hình như trường hợp của TLH và VHG.
Trong khi đó, mức lợi nhuận đột biến lớn nhưng không đủ sức lật ngược hiện trạng hoạt động kinh doanh, thì sức ảnh hưởng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, điển hình như diễn biến tăng điểm ở cổ phiếu VOS.
(4) Do hoạt động kinh doanh chính chưa thực sự cải thiện, nên các cổ phiếu này thường điều chỉnh khá mạnh sau đợt tăng trưởng nóng và được dẫn dắt trước khi thông tin được công khai.
Nhà đầu tư rõ ràng có thể tận dụng cơ hội để lướt sóng với những cổ phiếu có thông tin kết quả kinh doanh đột biến. Tuy nhiên, phải thừa nhận là rủi ro cũng rất lớn và khả năng bị “mắc kẹt” giữa con sóng là khá cao, do đó nên kiểm soát mức kỳ vọng hợp lý để trading với khung thời gian phù hợp.
Biểu đồ: Biến động mạnh của cổ phiếu TLH và VHG trong năm 2013 (Nguồn: VietstockUpdater)
Duy Nam