Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm

Lan Trần| 09/12/2017 10:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Bộ Tài chính, việc triển khai cổ phần hóa trong 11 tháng đầu năm 2017 còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại DNNN.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết trong 11 tháng đầu năm 2017 đã có 39 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 81.084 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.941 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ là 25.959 tỷ đồng.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm

Ảnh minh họa

Về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, 11 tháng đầu năm 2017 có 9 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng giá trị vốn nhà nước của 09 doanh nghiệp thoái là 82.080 triệu đồng, thu về 104.811 triệu đồng.

Về thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty tại các doanh nghiệp, trong tháng 11, các đơn vị đã thoái được 455 tỷ đồng, thu về 9.072 tỷ đồng (trong đó thoái 257 tỷ đồng vốn tại Vinamilk trong tháng 11/2017, thu về 8.733 tỷ đồng). Lũy kế 11 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.874 tỷ đồng, thu về 24.586 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 11 tháng đầu năm 2017).

Đánh giá về tiến độ cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính nhìn nhận việc triển khai cổ phần hóa trong 11 tháng đầu năm 2017 còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu) làm ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại DNNN nói chung và chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội giao Chính phủ về sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển về NSNN.

Về nguyên nhân của việc cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, theo Bộ Tài chính là, do một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Hơn nữa, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm. Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, thị trường chứng khoán đã hồi phục xong vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần DNNN khi thực hiện cổ phần hóa.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2-2-2017 về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020

Khẩn trương triển khai cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp và các công việc liên quan theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 về phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành CPH theo từng năm giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017 về phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020

Chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch; niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Tăng cường vai trò giám sát đối với doanh nghiệp; cơ quan giám sát, doanh nghiệp cùng có trách nhiệm thực hiện công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm