Có nên xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp?

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nên bỏ hay giữ bộ phận giám định pháp y Công an cấp tỉnh và có nên xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo, Bộ Công an và các Ủy viên UBTVQH khi cho ý kiến về Luật Giám định tư pháp.


Tại Điều 15 Dự thảo Luật quy định tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm: Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Như vậy, không còn bộ phận pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh.

Giám định âm thanh tại Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Ảnh: ANTĐ)

Theo Chủ nhiệm UBTPQH Nguyễn Văn Hiện, thẩm tra Dự án Luật này có hai ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quan điểm trên của ban soạn thảo, vì việc tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào Trung tâm Giám định pháp y (thuộc ngành y tế), sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ đội ngũ giám định viên pháp y… Mặt khác, theo số liệu thống kê năm 2010 thì có tới 82,4% vụ việc giám định pháp y là do tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế đảm nhiệm. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, vì thực tiễn cho thấy, hoạt động của hệ thống giám định pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, không có vướng mắc về quản lý nhà nước cũng như tổ chức việc giám định; phục vụ kịp thời cho quá trình tiến hành tố tụng, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng.


Cùng quan điểm, Chủ nhiệm UBPLQH Phan Trung Lý cho rằng, hệ thống giám định pháp y thuộc Công an tỉnh đang hoạt động rất hiệu quả, nếu đưa phương án bỏ sẽ mâu thuẫn với chủ trương phải xã hội hóa các hoạt động giám định tư pháp mà dự thảo Luật đưa ra. Không có lý gì một hệ thống của Nhà nước được đào tạo bài bản lại bỏ đi, trong khi các thành phần khác đề nghị cho phép thành lập văn phòng.


Còn theo Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ thì “mỗi năm ngành Công an thụ lý hàng trăm ngàn vụ án, phải giám định từ 13.000-14.000 tử thi, chủ yếu là ở cấp huyện, nếu xóa bỏ lực lượng pháp y thuộc Công an cấp tỉnh để chuyển hết sang pháp y ngành y tế thì rất nguy hiểm. Pháp y Công an là lực lượng chiến đấu, đáp ứng nhu cầu kịp thời phải xuất hiện ngay tại hiện trường mỗi vụ án, trong nhiều tình huống khác nhau. Hơn nữa, giám định pháp y còn xác định dấu vết, là chìa khóa mở trong định hướng điều tra. Vì vậy, nếu lực lượng pháp y không kịp thời và không được trang bị kiến thức về bảo quản dấu vết, mà chỉ có kiến thức khám nghiệm đơn thuần, thì trong khám nghiệm có thể không phát hiện được mà còn bị xoá đi dấu vết. Hơn nữa, hệ thống cơ quan giám định pháp y không nằm trong hệ thống Cơ quan điều tra, nên sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập trong quá trình điều tra”. Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị giữ nguyên như hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vẫn bảo lưu quan điểm của mình về việc tập trung giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành y tế, không còn giám định viên pháp y thuộc Công an cấp tỉnh. Ông cho rằng, vấn đề này đã được Chính phủ thảo luận và Thủ tướng kết luận không giữ giám định pháp y ở Công an cấp tỉnh, còn ở Trung ương vẫn nên duy trì để tháo gỡ những vướng mắc lớn.


Về chủ trương xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng, thực tiễn xét xử bắt buộc phải có trưng cầu giám định. Trong khi, những tiêu cực trong việc giám định thương tích, tai nạn, giám định tuổi, giám định sức khoẻ vẫn diễn ra ở một số nơi. Do đó, nếu quy định như trong dự thảo Luật, cho phép mở văn phòng giám định ngoài công lập, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì đây là loại hình dịch vụ mới nên cần có lộ trình phù hợp, có tổng kết, rút kinh nghiệm rồi mới xem xét mở rộng phạm vi. Ngoài ra, hiện chúng ta đã có một hệ thống giám định pháp y công lập từ trên xuống dưới, nếu có điểm nghẽn nào đó thì phải củng cố chính nó, còn nếu lấy xã hội hóa giám định tư pháp làm khâu đột phá bền vững thì khó khả thi.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến khác nhau để chỉnh lý. Nhiều ý kiến thiên về để giám định pháp y Công an cấp tỉnh, cơ quan soạn thảo cần xin ý kiến Chính phủ và cân nhắc kỹ càng. Nếu Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm như dự án Luật thì UBTVQH sẽ báo cáo cả hai phương án để Quốc hội quyết định.


M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp?