Ngày 21-11, các ĐBQH đã thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp. Thống nhất ý kiến về việc rất cần thiết ban hành luật như một bước của công tác cải cách tư pháp, song các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung lớn đề cập trong luật...
Giám định tư pháp (GĐTP) là một hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, góp phần giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật.
Theo quy định tại Điều 1 và Điều 24 dự thảo Luật, ngoài trường hợp thực hiện GĐTP theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như quy định hiện hành thì đương sự trong vụ án dân sự, việc dân sự, vụ án hành chính cũng có quyền được trực tiếp yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện việc GĐTP. Đây được coi là quy định nhằm cụ thể hóa cải cách tư pháp, mở rộng quyền dân chủ của cá nhân tham gia tố tụng.
Đa số các đại biểu đồng tình với chủ trương này, nhưng cũng còn có ý kiến bày tỏ sự băn khoăn vì quy định này chưa được thể hiện rõ trong luật hoặc khi ban hành có thể gây khó khăn cho quá trình tố tụng.
Các đại biểu đang thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) cho rằng, với quy định này, nếu các bên đương sự thay nhau, liên tục yêu cầu GĐTP thì thời gian xét xử sẽ kéo dài. Đại biểu Lê Văn Hoàng (Tp. Đà Nẵng) cũng cho rằng quy định này khó khả thi do chưa thống nhất với quy định trong Luật Tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính rằng Tòa án có quyền từ chối yêu cầu GĐTP của đương sự.
Liên quan đến vấn đề chất lượng GĐTP trong các vụ án dân sự, hành chính và cả hình sự, để bảo đảm quyền của các bên đương sự, đồng thời không ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng, các đại biểu yêu cầu luật cần có những quy định cụ thể về khiếu nại kết quả giám định, về quyết định giám định lại, giám định bổ sung...
Một nội dung trong dự thảo Luật GĐTP mà đa số đại biểu tán thành và nhất trí cao về việc xã hội hóa trong hoạt động GĐTP. Bởi lẽ theo tinh thần của Điều 15 của dự thảo thì việc cho phép thành lập Văn phòng giám định tư là một bước đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư nhằm huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho hoạt động GĐTP.
Cũng theo quy định tại điều 15 của Dự thảo, thì Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập chỉ được thành lập trong một số lĩnh vực chuyên môn trong ngành xây dựng, văn hóa, tài chính…; chỉ trừ lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.
Qua việc xã hội hóa giám định pháp y, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có nhiều lựa chọn và xem xét, quyết định khi trưng cầu giám định, góp phầm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long) nêu ý kiến: Chưa nên xã hội hoá lĩnh vực giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự, vì nhiều khi các vụ án kéo dài đợi kết quả giám định. Nếu kết quả giám định mà do tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện, sẽ có hiện tượng “chạy” kết quả giám định. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kết tội, xử phạt đối tượng và nhiều khi ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh của những người liên quan đến vụ án. Vụ việc sẽ trở nên phức tạp hơn nếu kết quả giám định bị đem ra mua bán dẫn đến khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
Cũng tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến tập trung bàn về vấn đề nên giữ nguyên giám định pháp y trong Công an tỉnh. Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) mong muốn các ĐBQH ủng hộ giữ nguyên giám định viên pháp y trong lực lượng Công an tỉnh để 213 giám định viên pháp y cùng 96 y sĩ, y tá được ổn định công việc và cống hiến cho Tổ quốc.
Phương Lan