Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến, thực tế cho thấy, càng cấm, càng bùng lên. Đưa những hoạt động “nhạy cảm” vào khu phố nhất định vừa để quản lý được tốt hơn.
Mới đây, tại Hội nghị giao ban về công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy của Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra đề xuất Chính phủ nên có chỉ đạo thí điểm ở một số thành phố trọng điểm việc gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để tăng cường quản lý.
Ý kiến này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cả các đại biểu Quốc hội.
Tệ nạn hoành hành
Theo báo cáo tại hội nghị, tình hình tệ nạn mại dâm và tội phạm liên quan mại dâm vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Theo đó, hiện nay xuất hiện các tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm chuyên nghiệp, tinh vi như “sex tour” bán dâm ở nước ngoài. Các cơ sở kinh doanh nhạy cảm xuất hiện ở nhiều địa phương.
Số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm là hơn 161.000 cơ sở, trong đó có hơn 2.561 cơ sở và 6.090 nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm. Tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội, tỷ lệ người nhiễm HIV là 45,3%, tỷ lệ nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng 2 lần so với năm 2012 (3,9%)...
Trước thực trạng đó, ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh đề xuất, Chính phủ nên có chỉ đạo thí điểm ở một số thành phố trọng điểm việc gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để tăng cường quản lý. Tại đây, người lao động trong các cơ sở kinh doanh ngành nghề “nhạy cảm” sẽ được đảm bảo quyền lợi, được hưởng lương và người lao động được pháp luật bảo vệ. Họ sẽ được khám sức khỏe định kỳ, được tuyên truyền, phổ biến kiến thức để tránh lây truyền bệnh HIV/AIDS.
ĐB Lê Như Tiến phát biểu
TP. Hồ Chí Minh có hơn 36.000 cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ nhạy cảm như massage, karaoke, vũ trường, quán bar… nằm khắp ngóc ngách, phố phường. Ông Quý cho rằng, TP. Hồ Chí Minh sẽ đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm ban hành luật phòng chống mại dâm để thống nhất quan điểm trong công tác phòng chống mại dâm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, pháp luật chưa thừa nhận mại dâm là một ngành nghề, nếu gom vào một khu thì phải chăng vô tình thừa nhận mại dâm là hợp pháp? Hiện nay, chúng ta chỉ mới có Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, chưa có Luật Phòng chống mại dâm nên khi triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều vướng mắc, liên quan đến nhiều ngành khác.
“Gom” vào để quản lý tốt hơn
Ý kiến của ông Quý thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với mong muốn có một xã hội lành mạnh, văn minh hơn. Các ĐBQH cũng đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề nêu trên.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến, thực tế cho thấy, càng cấm, càng bùng lên. Đưa những hoạt động “nhạy cảm” vào khu phố nhất định vừa để quản lý được tốt hơn. Không chỉ vậy, việc gom vào như vậy còn để quản lý cả cán bộ, công chức. “Thậm chí, có tình trạng nhiều phụ nữ Việt Nam còn sang các nước láng giềng để hành nghề mà các cơ quan chức năng bất lực không thể ngăn chặn, xử lý hết được. Trong khi đó, quan điểm thí điểm cần lập phố “nhạy cảm” còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. UBND TP. Hồ Chí Minh cần phải nghiên cứ kỹ để tìm giải pháp, vừa giảm tệ nạn xã hội, vừa quản lý được tệ nạn xã hội, nếu không có giải pháp, cứ để thả lỏng thì còn có hại hơn”, ĐB Lê Như Tiến nêu ý kiến.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bày tỏ quan điểm đồng ý với đề xuất của TP. Hồ Chí Minh. Chúng ta đã có biện pháp nhưng không dẹp được, nếu cứ thả lỏng sẽ phức tạp. Các nghề “nhạy cảm” phát sinh mại dâm vẫn tồn tại thì phải có biện pháp “thu gom” vào một khu để quản lý, như vậy xã hội mới tốt hơn được. Ngoài khu đó, nếu hành nghề nhạy cảm thì phải xử lý hình sự. Để đối phó với tệ nạn mại dâm, không phải ngẫu nhiên nhiều quốc gia phát triển cao, có điều kiện, tiêu chuẩn sống và bảo đảm nhân quyền cao, luật pháp nghiêm minh lại chọn phương án “gom vào để quản lý” với mục đích đạt lợi ích tối ưu là hạn chế tệ nạn này. Từ đó sẽ hạn chế hoạt động mại dâm, bảo vệ được người hành nghề mại dâm, tiến tới áp dụng luật pháp nghiêm minh trong việc đối phó với tệ nạn đó.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, nếu không công nhận, tưởng như không có, nhưng ở khắp nơi, trong thôn cùng ngõ hẻm, trên các đường phố lông nhông khắp nơi. Còn “gom vào để quản lý” đối với hoạt động mại dâm, có một điểm rất tích cực là sẽ khiến nhiều người “chùn bước”, không dám đến các khu vực nhạy cảm, đặc biệt là cán bộ công chức.