Tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN xảy ra ở hầu hết các địa phương cả nước; Đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm ổn định Quỹ BHXH... là những nội dung đáng chú ý được BHXH Việt Nam đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí mới đây.
Trên 13 ngàn tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình hình nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) xảy ra hầu hết các địa phương trong cả nước. Thực tế trong thời gian qua, ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế, ngăn ngừa tình trạng này song vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tính đến ngày 30/9/2016, nợ BHXH là 13.121 tỷ đồng, chiếm 6% số phải thu.
Trong đó, nợ BHXH bắt buộc là 8.987 tỷ đồng, có 3.351 tỷ đồng là số nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng. Không chỉ nợ của các đơn vị khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn là nợ của các đơn vị khu vực doanh nghiệp nhà nước, tập trung ở ngành giao thông, xây dựng và các tập đoàn đang thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp. Nợ BHYT là 3.653 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương nợ tiền đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng là 2.212 tỷ đồng. Và nợ BHTN là 481 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương nợ tiền hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp trước năm 2015 là 27 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi nhưng cố tình nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động (trừ tiền lương) nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác không nộp vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến quỹ BHXH, BHYT, BHTN mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Nguyên nhân của tình trạng trốn đóng và chậm đóng BHXH nêu trên có nhiều nhưng chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước, thường trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng vào quỹ BHXH của người lao động. Người lao động không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình vì sợ mất việc làm. Hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp còn hạn chế chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi BHXH cho người lao động...
Một vấn đề nữa đáng lo ngại là sự gia tăng đột biến các chi phí khám chữa bệnh, dẫn đến bội chi quỹ BHYT hiện nay. Do tác động của việc áp dụng giá dịch vụ y tế có lương, nên chi phí khám chữa bệnh của một số tỉnh tăng cao. Lũy kế 9 tháng đầu năm có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỉ đồng bao gồm: Hà Nội, An Giang, Bạc Liêu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa,…
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Các tỉnh 6 tháng đầu năm bội chi cao thì tiếp tục 9 tháng số bội chi càng gia tăng. Ước có 6 tỉnh có số bội chi trên 200 tỉ đồng gồm Cà Mau, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thái Bình. Trong đó Nghệ An, Thanh Hóa vẫn là 2 tỉnh dự kiến có số bội chi cao nhất.
Theo dự tính của BHXH Việt Nam mức tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2016 sẽ vào khoảng 30% tổng chi phí so với năm 2015. Tuy nhiên, mức gia tăng chi phí khám chữa BHYT hiện nay, tỉ lệ gia tăng đã là 40%, vượt so với dự kiến ban đầu trên 10%.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, vấn đề đáng lo ngại nhất trước sự gia tăng đột biến các chi phí, dẫn đến bội chi quỹ BHYT là việc gia tăng tình trạng lạm dụng, trục lợi trong khám chữa bệnh BHYT sẽ ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHYT; Mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua khám chữa bệnh BHYT, ảnh hưởng đến xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Đồng thời, ông Sơn khẳng định, cơ quan BHXH kiên quyết không thanh toán những chi phí bất hợp lý của các cơ sở khám chữa bệnh. Từ năm 2017 những cơ sở chưa liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, cơ quan BHXH sẽ không ký hợp đồng BHYT hoặc ngừng thanh toán BHYT.
Đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu
Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện nghỉ hưu đúng tuổi và nghỉ hưu trước tuổi. Đối với trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được quy định tại một số Nghị định của Chính phủ số 141/2013/NĐ-CP, Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, Nghị định số 53/2015/NĐ-CP... Hiện nay dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đã đề cập đến nội dung này. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cân đối quỹ BHXH. Là cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam cho rằng cần điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm cân đối quỹ BHXH.
Lý giải điều này, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay được quy định là 60 đối với nam, 55 đối với nữ, độ tuổi này đã duy trì từ năm 1960. Hiện nay, tuổi thọ bình quân tăng lên 73 (trước đây là 67), nên nếu thời gian bình quân đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên dẫn đến thời gian hưởng lương hưu kéo dài khoảng 20 năm, tức là tăng thêm 7 năm thì quỹ chắc chắn mất cân đối sớm. Trong khi, theo thống kê thì thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định. Tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỉ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỉ lệ cao, trên 50%.
Hiện nay đang có sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng của quỹ hưu trí, chủ yếu do tuổi thọ của người dân ngày càng tăng và sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối của quỹ BHXH trong dài hạn nếu không kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Vậy nên BHXH Việt Nam cho rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết.
Theo nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển như: Mỹ, Đức, Ý, Tây Ban Nha và các nước trong khu vực như Lào, Campuchia… thì khi tuổi thọ bình quân tăng họ đều có chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên tương ứng nhằm đảm bảo giữ vững ổn định quỹ hưu trí. Ở Việt Nam, tuổi thọ bình quân tăng nên việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp. Trước mắt có thể thực hiện đối với một số nhóm đối tượng, sau đó mở rộng ra toàn bộ lực lượng lao động theo hướng bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, đặc điểm tâm sinh lý, điều kiện lao động, tận dụng nguồn lao động chất lượng cao nhưng cũng phải tính đến việc bố trí việc làm cho lao động trẻ.
Số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu của nước ta ngày càng giảm. Nếu năm 1996 có 217 người đóng cho 1 người hưởng thì năm 2000 giảm xuống 34 người, năm 2012 là 9,3 người, đến năm 2015 chỉ có 8,13 người đóng cho 1 người hưởng. Trong khi số người hưởng BHXH một lần hàng năm lớn dẫn đến quỹ phải chi tiền sớm và mục đích an sinh xã hội lâu dài cho mọi người lao động chưa đạt được.
Đến nay, BHXH Việt Nam chưa nhận được phương án chính thức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức nhạy cảm và tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống xã hội. Do vậy, để tạo sự đồng thuận cao, cơ quan chủ trì phải tính toán hết sức khoa học và chặt chẽ, trong quá trình triển khai cần có sự chuẩn bị về tâm lý cho người lao động, người sử dụng lao động và cần có lộ trình phù hợp - Ông Sơn cho biết.