Trồng rau và yêu thương nhau, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng công việc và chuyện tình vợ chồng cụ Sẻ đã khiến hàng ngàn người ngưỡng mộ.
Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh vợ chồng cụ Lê Sẻ (SN 1922) và cụ bà Nguyễn Thị Lợi (SN 1932, xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam) ở làng rau trứ danh Trà Quế trở nên nổi tiếng qua bộ ảnh “Vietnam – Mosaic of Contrasts” của nhiếp ảnh gia người Pháp-Réhahn. Chính vì lẽ đó, mà hàng ngày vợ chồng cụ đón hàng trăm lượt khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm.
Cụ Sẻ bồi hồi nhớ lại, năm 1947, trong một lần mang lương thực cho bộ đội ở xã Cẩm Hà, cụ Sẻ gặp cụ Lợi. Ngay lần gặp đầu tiên ấy, chàng thanh niên đã say mê cô gái có dáng người cao dong dỏng và khuôn mặt trái xoan xinh đẹp. Được một người bác mai mối, cụ Sẻ mạnh dạn đặt vấn đề tình cảm với cụ Lợi và được cụ Lợi chấp nhận tấm chân tình.
Cụ ông Lê Sẻ và cụ bà Nguyễn Thị Lợi trong tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Pháp-Rénahn.
Đầu năm 1949, họ nên nghĩa vợ chồng, dù không tổ chức lễ cưới. Chiến tranh, họ cũng như bao người con đất Quảng khác, bám đất, giữ làng và nuôi bộ đội. Ký ức của cụ bà 83 tuổi vẫn còn nhớ như in những đêm ngồi chờ bộ đội từ căn cứ bí mật về ăn cơm. Bộ đội không về, cụ lại buồn và lo bộ đội đói.
Năm 1953, do bọn mật thám chỉ điểm, cụ Sẻ bị Pháp bắt cùng với hai mươi mấy thanh niên trong vùng. Chúng đưa tất cả về nhốt tại nhà lao An Hòa. Chúng liên tục tra tấn, đánh đập khiến cụ Sẻ gãy răng, gãy xương ngón tay. Trong những ngày tháng đó, cụ Lợi ngày đêm sống trong nỗi đau và chờ đợi khắc khoải sự trở về của người chồng hiền lành, chất phác.
Năm 1954, do áp lực đấu tranh của tù binh và cục diện cuộc chiến thay đổi, giặc Pháp buộc phải thả tự do cho cụ Sẻ và những tù binh khác.
Ngày trở về quê, cụ Sẻ cùng vợ lại tiếp tục cuộc sống ngày trồng rau, đêm nuôi giấu cán bộ. Chiến tranh kết thúc, vợ chồng cụ Sẻ càng chuyên tâm vào việc canh tác rau màu trên mảnh đất của làng Cẩm Hà, nay là làng chuyên canh rau Trà Quế.
Cụ Sẻ kể: “Bây giờ đỡ rồi, chứ ngày xưa khó khăn lắm. Những năm sau giải phóng, nhà nào cũng phải “thắt lưng buộc bụng”. Vợ chồng tôi phải dè sẻn từng đồng và nỗ lực lao động để con có cái ăn cái mặc”.
Vợ chồng cụ Sẻ có tất cả 5 người con, trong đó người con trai đầu bị bệnh đao (hội chứng Down, với những biểu hiện bất thường về ngoại hình và trí lực - PV). Để nuôi các con, hàng ngày hai cụ luôn cần mẫn lao động trên những vạt rau của gia đình. “Ngày ấy, việc chăm sóc rau chủ yếu do ông ấy đảm nhận, còn tôi chuyên nhặt cỏ, nhặt sâu, cắt rau đi bán. Ban đầu tôi bán ở Hội An, về sau tôi mang ra tận Đà Nẵng bán. Đi bộ xa lắm, hàng chục cây số. Nhiều lúc tôi cũng rất mệt, nhưng nghĩ đến chồng, nghĩ đến con, tôi lại phấn chấn và không biết mệt nữa”- cụ Lợi kể.
Dù tuổi đã cao nhưng sáng nào cụ Sẻ cũng gánh nước tưới rau (Ảnh: Sơn Tùng)
Năm tháng qua đi, tấm gương lao động miệt mài của vợ chồng cụ Sẻ đã trở thành câu chuyện cho người dân Cẩm Hà noi theo và dạy dỗ con cái. Cụ Sẻ được mọi người gọi là “thần tưới”, còn cụ Lợi được gọi là “thần nhặt”. Cho đến tận bây giờ, tuổi đã hơn 90, ngày ngày cụ Sẻ và cụ Lợi vẫn ra ruộng rau để trồng trọt, vun tưới.
Không chỉ nổi tiếng vì nghề trồng rau, vợ chồng cụ Sẻ còn nổi tiếng vì tình yêu bất diệt của họ. Giữa cánh đồng rau xanh ngát, hình ảnh hai vợ chồng già cùng nhau tưới nước, nhổ cỏ, nhặt rau... đã khiến hàng ngàn người xúc động.
Dù cuộc sống khó khăn, dù công việc bề bộn, họ lúc nào cũng nở trên môi nụ cười chất phác. Bây giờ, đôi chân cụ Sẻ gánh nước không còn thoăn thoắt nữa, thùng nước không còn đầy sóng sánh nữa, nhưng sau lưng cụ Sẻ, cụ Lợi vẫn lặng lẽ dõi theo như hơn 60 năm qua.
Bất cứ lúc nào hai cụ cũng nở nụ cười (Ảnh: Sơn Tùng)
Chính tình yêu và gương lao động của đôi vợ chồng già này đã làm rung động nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Và chính vợ chồng cụ Sẻ đã làm nên thành công trong bộ ảnh của Réhahn.
Anh Châu Văn Nhạc (SN 1993, một hướng dẫn viên khách quốc tế) tâm sự: “Tôi thường dẫn du khách quốc tế đến đây để tìm hiểu nghề trồng rau. Thật lãng phí nếu như đặt chân đến Hội An mà không đến làng rau Trà Quế để ngắm nhìn hai cụ làm việc. Du khách của tôi rất thích thú khi được gặp vợ chồng cụ Sẻ. Nhiều người còn chụp hình lưu niệm với vợ chồng cụ. Bởi, thật khó để tìm được một tình yêu như thế. Ở tuổi 93, 83 mà các cụ vẫn cần mẫn lao động, lạc quan, luôn dành cho nhau những nụ cười tràn ngập tình yêu”.
Rất nhiều khách du lịch đến chia sẻ và chụp ảnh lưu niệm với hai vợ chồng cụ (Ảnh: Sơn Tùng)
Đã gần 70 năm yêu nhau và về chung một mái nhà, nhưng chưa bao giờ cụ Sẻ quên những cái nắm tay thật tình cảm, vẫn đều đặn chải tóc cho cụ bà, và rồi họ cùng nhau mỉm cười hạnh phúc.