Cơ hội cho dịch vụ viễn thông nước ta phát triển

Anh Tuấn| 12/05/2021 20:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực và trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Giai đoạn trước những năm 2010 chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng tham gia các dịch vụ viễn thông ở Việt Nam.

Bước ngoặt lớn của thị trường viễn thông

Theo như Tổng Cục thống kê, cuối năm 2005, Việt Nam mới chỉ có 15,8 triệu thuê bao điện thoại, bao gồm 8,7 triệu thuê bao điện thoại di động và 7,1 triệu thuê bao điện thoại cố định và 210 nghìn thuê bao internet .

vien-thong.jpg
Tính đến thời điểm cuối năm 2020, có 16,7 triệu thuê bao internet băng rộng cố định, gấp 2,2 lần năm 2015. Ảnh nguồn Internet.

Tuy nhiên, đến năm 2010, cả nước đã có 125,9 triệu thuê bao điện thoại, gấp gần 8 lần năm 2005, trong đó số thuê bao điện thoại cố định là 111,5 triệu thuê bao, gấp 12,8 lần và 14,4 triệu thuê bao điện thoại cố định, gấp 2 lần. Ở giai đoạn này, số lượng thuê bao internet tuy không nhiều nhưng có tốc độ tăng rất nhanh trong giai đoạn này. Năm 2010, mặc dù mới chỉ có 3,7 triệu thuê bao internet băng rộng cố định nhưng cũng đã gấp 17 lần năm 2005. Cùng với đó doanh thu viễn thông cũng có sự tăng trưởng rất tích cực. Doanh thu viễn thông năm 2010 đạt 177,8 nghìn tỷ đồng, duy trì tốc độ tăng trên 40% trong nhiều năm trước đó.

Cho đến giai đoạn 2011-2015, khi cơ sở hạ tầng viễn thông và internet không ngừng được hiện đại hóa, phát triển đồng bộ với độ bao phủ rộng khắp cả nước nhờ việc phóng thành công và đưa vào sử dụng vệ tinh Vinasat-2 và VNREDsat-1. Số thuê bao điện thoại tiếp tục tăng mạnh ở những năm đầu giai đoạn nhưng lại giảm dần ở những năm tiếp theo, trong đó giảm mạnh ở mảng thuê bao điện thoại cố định.

Năm 2012 là năm có số thuê bao điện thoại cao nhất từ trước đến nay, đạt 141,2 triệu thuê bao; năm 2015 giảm xuống còn 129,4 triệu thuê bao, trong đó số thuê bao điện thoại di động vào các năm tương ứng lần lượt là: 131,7 triệu thuê bao và 123,9 triệu thuê bao; số thuê bao cố định là 9,6 triệu thuê bao và 5,4 triệu thuê bao. Số thuê bao điện thoại giai đoạn này đạt mức tăng bình quân 0,5%/năm, trong đó thuê bao di động tăng 2,1%/năm và thuê bao cố định giảm 17,7%/năm.

Ngược lại, số thuê bao internet băng rộng cố định vẫn duy trì tốc độ tăng khá cao, bình quân mỗi năm tăng gần 16%, đạt 7,7 triệu thuê bao vào năm 2015. Doanh thu bưu chính viễn thông giai đoạn 2011-2015 tiếp tục duy trì mức tăng khá cao, năm 2015 tăng gần 60% so với năm 2010, bình quân mỗi năm tăng gần 10%.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, thị trường viễn thông đang đối mặt với tình trạng bão hòa của các dịch vụ viễn thông truyền thống. Số thuê bao điện thoại cố định có xu hướng giảm mạnh, tính đến thời điểm cuối năm 2020 chỉ còn 3,2 triệu thuê bao, giảm 41% so với cùng thời điểm năm 2015 và giảm đến 78% so với cùng thời điểm năm 2010.

Hoạt động của mảng dịch vụ điện thoại cố định hiện nay chỉ còn mang tính cầm chừng, chủ yếu phục vụ khối các cơ quan, tổ chức chính quyền, các doanh nghiệp, tỉ lệ thuê bao điện thoại cố định tại hộ gia đình chỉ còn lại rất ít. Điều đáng chú ý là số thuê bao điện thoại di động bùng nổ thay thế gần 10 triệu thuê bao cố định nhưng đến nay cũng đã ở trạng thái bão hòa.

Vì sao cuối năm 2020 số thuê bao lại giảm chỉ gần băng số thuê bao của năm 2015

Theo như phân tích của Tổng Cục thống kê, tính đến thời điểm cuối năm 2020, cả nước có 123,6 triệu thuê bao, cũng chỉ gần bằng số thuê bao của năm 2015. Ngoài nguyên nhân nhu cầu sử dụng gần đây giảm đồng thời các nhà mạng thực hiện xử lý sim rác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, mảng dịch vụ internet vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp viễn thông khai thác. Số thuê bao internet băng rộng tiếp tục duy trì mức tăng cao trong nhiều năm. Tính đến thời điểm cuối năm 2020, có 16,7 triệu thuê bao internet băng rộng cố định, gấp 2,2 lần năm 2015, bình quân mỗi năm tăng 16,9%. Tốc độ kết nối băng rộng cũng đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chậm hơn so với nhiều quốc gia khác.

Doanh thu viễn thông các năm từ 2016-2018 duy trì mức tăng khá tăng gần 8% so với năm trước nhưng đến năm 2019 chỉ còn tăng 2,6% và năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 doanh thu viễn thông đã giảm mạnh 13,6%, chỉ đạt 315,2 nghìn tỷ đồng.

Đứng trước thực tế với gần 124 triệu thuê bao di động, lớn hơn so với dân số hiện tại là hơn 97,6 triệu người; thị phần gần như đã được định hình nên các nhà mạng hiện nay chỉ có thể cải thiện kết quả kinh doanh bằng việc tối đa hóa các giá trị gia tăng trên các thuê bao hiện có. Cùng với đó, sự cạnh tranh quyết liệt về thị phần khiến các doanh nghiệp viễn thông phải liên tục triển khai các gói ưu đãi, giảm giá cước viễn thông, đồng thời vẫn phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ thực sự là một thách thức không nhỏ.

Ngoài ra, doanh thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống cũng ảnh hưởng lớn bởi sự phổ biến của các ứng dụng OTT nhắn tin, gọi điện miễn phí. Việc đảm bảo có mức lợi nhuận dương từ thị trường viễn thông truyền thống sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0 và cú hích của đại dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về Chuyển đổi số quốc gia, là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại.

Với mục tiêu “Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI)”; “Kinh tế số chiếm 20% GDP”; “ Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã” và “Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh” thì các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp số có rất nhiều dư địa để phát triển.

Theo đó, từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự đòi hỏi cấp thiết của Chính phủ, của doanh nghiệp cũng như của toàn xã hội, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mạnh mẽ từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp dịch vụ số, mục tiêu hướng đến các sản phẩm và dịch vụ số mới.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có khoảng 58 nghìn doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, riêng năm 2020 đã có tới 13 nghìn doanh nghiệp công nghệ số mới ra đời. Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội cho dịch vụ viễn thông nước ta phát triển