Có hiện tượng thao túng, làm giá thị trường cổ phiếu, chứng khoán

Nguyên Bình| 11/05/2022 11:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 11/5, sau phần khai mạc Phiên họp thứ 11, UBTVQH Cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN 2021; kế hoạch những tháng đầu năm 2022.

Đã cân đối được kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

GDP quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tháng 4 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất cùng kỳ các năm 2017-2022. Tính chung 4 tháng, CPI tăng 2,1%, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2020.

km-ph.jpg
Phiên họp thứ 11, UBTVQH bắt đầu diễn ra từ sáng nay 11/5.

Xuất khẩu, nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế xuất siêu 2,53 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm (cùng kỳ năm 2021 xuất siêu 1,5 tỷ USD)…

Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định, nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước được bảo đảm trong điều kiện nguồn cung và giá xăng dầu thế giới nhiều biến động.

Thị trường điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, thị trường tài chính - tiền tệ ổn định. Tính đến ngày 25/4/2022, tín dụng tăng 6,75% so với cuối năm 2021; giữ ổn định tỷ giá, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý. Các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro; giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023.

Cùng với đó, nguy cơ nợ xấu, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 4, một số vụ việc thao túng giá cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư; tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng và thị trường tài chính nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt.

Báo cáo thẩm tra nội dung trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhận định: nền kinh tế đã xuất hiện những điểm sáng tích cực về sản xuất, đầu tư, thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, so với số đã báo cáo Quốc hội, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% thấp hơn mục tiêu 4,8%.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ một số vấn đề như: Hiệu quả phân bổ NSNN, huy động, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt, chưa tốt;

Việc xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI ngày càng lớn; năm 2020 là 72,2%; năm 2021 là 74%. Hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới còn nhiều bất cập, tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại biên mậu. Giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp cao kỷ lục, tuy nhiên, giá trị nhập khẩu tăng cao hơn, thặng dư thương mại giảm 40,8% so với năm 2020, là mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây;

Tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn rất chậm và không hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra…

Phải đánh giá cụ thể rủi ro thị trường trái phiếu

Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý Chính phủ một số vấn đề như, chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018-2021. Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu lạm phát dưới 4% khó có khả năng đạt được, đề nghị chỉ rõ nguyên nhân, các yếu tố chính làm tăng lạm phát để kiểm soát hiệu quả.

Bên cạnh đó, những rủi ro tiềm ẩn khi thị trường chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh.  Trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.

Báo cáo cũng cho thấy, năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 720 nghìn tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm 2020. Quý I/2022, tổng giá trị phát hành đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 49,4 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng 87,6% tổng giá trị phát hành; phát hành ra công chúng đạt 7 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng 12,4%. Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ngành bất động sản và tài chính - ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là 41,6% và 20,4% giá trị phát hành.

Từ đó, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Về các ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn, dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng.

Ủy ban Kinh tế đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có hiện tượng thao túng, làm giá thị trường cổ phiếu, chứng khoán