Thời gian gần đây nổi lên hiện tượng, dường như cơ quan điều tra ở một số địa phương dựa vào kết luận giám định đưa ra kết luận điều tra thay cho hoạt động điều tra chuyên môn", ĐB Nguyễn Bá Sơn phản ánh tại phiên họp Ủy ban Tư pháp của QH.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp
Ngày 5/9, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát “Việc thực hiện chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.
Trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết: về cơ bản giám định pháp y trong ngành y tế, Công an, quân đội thực hiện đầy đủ, khách quan, đáp ứng yêu cầu của cơ quan trưng cầu. Các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực tài chính, thuế, ngân hàng, xây dựng… được các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quan tâm, có bước phát triển về số lượng và tăng cường về chất lượng.
Hiện nay, trên phạm vi cả nước có 179 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Tính đến hết năm 2018, tổng số giám đinh viên tư pháp trên toàn quốc ở các lĩnh vực là 6.154 người. Các giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực truyền thống về cơ bản đều được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản và có nhiều kinh nghiệm thực hiện giám định.
Tuy nhiên, một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm tới việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định tư pháp theo thẩm quyền. Một số giám định viên được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm làm công tác giám định, chưa bảo đảm chất lượng, thiếu gắn kết với hoạt động tố tụng.
Dự thảo Báo cáo cũng chỉ rõ, trong giám định pháp y còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đó là một số quyết định trưng cầu giám định có nội dung yêu cầu không rõ ràng; một số trường hợp trưng cầu giám định lần đầu, giám định lại, giám định bổ sung… chưa đáp ứng các thủ tục quy định. Nội dung trưng cầu giám định còn nhiều yêu cầu không thuộc phạm vi chuyên môn của cơ quan giám định. Nhiều hồ sơ gửi tới cơ quan giám định chậm, thiếu thông tin. Cơ quan trưng cầu giám định không thông tin lại cho tổ chức giám định về việc sử dụng kết quả giám định.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với các nhận định của Đoàn giám sát trong đó nhấn mạnh tồn tại, hạn chế trong công tác giám định tư pháp hiện nay chủ yếu xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện giám định tư pháp.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, phát biểu tại phiên họp
Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp tồn tại một số hạn chế như, trưng cầu giám định của các cơ quan có những yêu cầu không chính xác, thời gian gần đây nổi lên hiện tượng dường như cơ quan điều tra ở một số địa phương dựa vào kết luận giám định đưa ra kết luận điều tra thay cho hoạt động điều tra chuyên môn. Điều này theo đại biểu Sơn là cần quan tâm, lưu ý.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cũng phản ánh, vướng mắc nhiều nhất là về kinh phí phục vụ công tác giám định và đào tạo giám định viên và đề nghị Quốc hội cần quan tâm hỗ trợ cho các địa phương về vấn đề này.
Ban hành quy trình chuẩn về giám định tư pháp
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng phản ánh tình trạng còn thiếu giám định viên trong một số lĩnh vực chuyên môn, một số lĩnh vực không có đủ giám định viên, một số cơ quan không cử người, không có danh sách giám định viên. Điều này xuất phát từ sự thiếu quan tâm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với người thực hiện, cơ quan thực hiện giám định. Dẫn đến thời gian giám định kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.
Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện cho thấy các quy định của Luật Giám định tư pháp tương đối phù hợp, các nội dung quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ. Tuy nhiên khó khăn vướng mắc nhất hiện nay là hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp liên quan đến giám định vụ việc, về quy chuẩn trong giám định liên quan đến trách nhiệm của các Bộ
Đồng tình với ý kiến giám định theo vụ việc chưa có tổ chức chuyên môn mà chia về các bộ, ngành thực, yêu cầu đặt ra đối với các giám định viên phải có trình độ cao hơn người thực hiện cũng như có khả năng trình bày quan điểm trước tòa…nên nhiều khi vượt quá khả năng thực tế của các Bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Do đó, Bộ Công an cũng có kiến nghị các bộ, ngành xây dựng tổ chức giám định trong cơ quan mình, bồi dưỡng giám định viên, xây dựng quy chuẩn thực hiện; đồng thời đề nghị Đoàn giám sát quan tâm đến vướng mắc trong chi trả chi phí giám định.
Để khắc phục những tồn tại, các ý kiến đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu ban hành quy trình chuẩn về giám định tư pháp theo yêu cầu và đặc thù của từng lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý, kịp thời thực hiện việc tiếp nhận giám định tư pháp theo vụ việc, phân công giám định viên có kiến thức chuyên môn, trình độ đáp ứng yêu cầu, không để kéo dài việc giám định, không né tránh việc giám định với lý do không hợp lý.
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần có chính sách thỏa đáng để thu hút cũng như đào tạo cán bộ của ngành, lĩnh vực mình tham gia hoạt động giám định tư pháp khi có yêu cầu, phục vụ kịp thời việc giám định, nhất là giám định trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng…
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao các ý kiến phát biểu đóng góp tại phiên họp, đồng thời cho biết Uỷ ban Tư pháp sẽ tổng hợp đầy đủ và sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, phục vụ trong quá trình xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp.