Một Thượng tá Hải quân hơn 20 năm dốc sức nhận giao khoán trồng và bảo vệ 33 ha rừng, tuy nhiên hiện nay ông bị cho là "khai thác gỗ rừng trái phép" chỉ vì dọn hơn 10 cây bị đổ do mưa bão. Ông đã làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan báo chí.
Tâm huyết hơn 20 năm của vị Thượng tá Hải quân
Theo trình bày của Thượng tá Phạm Hùng Mạnh, Trung đoàn 83 - Công binh Hải quân, đại diện cho nhóm 12 hộ gia đình, nhận giao khoán 63ha đất rừng Bắc Sơn Trà, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, đặc điểm của rừng bán đảo Sơn Trà là không có các loài gỗ quý hiếm. Phần lớn cây rừng ở đây đều là các loại gỗ tạp, gỗ thông thường từ nhóm V đến nhóm VIII, nên nhiều cây gỗ có tuổi đời trên 15 năm là tự mục lõi, hoặc bị mối mọt xâm hại.
Phần lớn cây rừng ở đây đều là các loại gỗ tạp, gỗ thông thường
Bên cạnh đó, hàng năm rừng bán đảo Sơn Trà phải hứng chịu rất nhiều cơn bão lớn, hậu quả là rất nhiều cây bị gãy, đổ bật gốc, đặc biệt cơn bão số 11 năm 2013, hàng loạt cây lớn bị gãy, đổ ngổn ngang. Nhiều cây bị gãy ngang thân, gãy cạnh, ngọn... khiến cho một thời gian sau cây đó cũng bị chết khô.
Do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên như vậy nên rừng ở bán đảo Sơn Trà chủ yếu là cây tầng thấp, các cây gỗ ở đây đều là gỗ tạp, không có giá trị thương mại.
Năm 1992, Trung đoàn 83 - Công binh Hải quân chọn khu vực Bãi Bắc bán đảo Sơn Trà là điểm dừng chân hành quân dã ngoại, đồng thời đây còn là điểm đợi cơ tàu chiến đấu, khi đó khu vực bãi Bắc Sơn Trà là vùng núi hoang sơ, cây cối thưa thớt, vì vậy Thượng tá Phạm Hùng Mạnh cùng đồng đội đã tiến hành trồng cây gây rừng và bảo vệ chăm sóc những cây còn lại.
Những người chiến sỹ Hải quân này ý thức được rằng, việc trồng rừng và bảo vệ rừng cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình.
“Năm 1996, đơn vị chúng tôi chuyển quân vào Cam Ranh để đi xây dựng đảo ngoài Trường Sa. Sau đó, Ban bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sơn Trà ra khu vực này kiểm tra và động viên chúng tôi làm thủ tục xin nhận giao đất trồng rừng theo Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ. Chúng tôi nhận thấy việc nhận giao khoán đất trồng rừng theo Nghị định 01/CP của Chính phủ là chủ trương đúng đắn về phát triển, bảo vệ rừng và đây là cơ hội để các gia đình chúng tôi có điều kiện phát triển kinh tế vườn rừng.
Vì vậy, theo hướng dẫn của Ban BTTN Sơn Trà, chúng tôi đã làm đơn xin xác nhận của đơn vị, rồi gửi Ban BTTN Sơn Trà để làm các thủ tục nhận giao khoán đất. Sau đó, Ban BTTN Sơn Trà đã ký “Hợp đồng giao khoán đất để trồng rừng và phát triển kinh tế vườn” với các hộ chúng tôi, thời hạn là 50 năm. Đến nay chúng tôi đã chăm sóc, bảo vệ và phát triển trồng mới được nhiều hécta rừng. Để có được hàng trăm hécta rừng tại bán đảo Sơn Trà xanh tốt như ngày hôm nay, và được coi là lá phổi xanh của thành phố, không thể không kể đến công lao, tiền của và không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, tâm huyết của các gia đình chúng tôi đã dồn vào đó", ông Mạnh nêu rõ quá trình giao nhận khoán đất của mình trong đơn.
Mọi chuyện bắt đầu khi Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại tiểu khu 63, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, phát hiện nhiều cây gỗ bị chặt hạ trong rừng với tổng số khối lượng ước chừng 63,4 m3 gỗ.
Qua xác minh, tổng số cây đã khai thác là 16 cây, đường kính gốc từ 15-143cm, trong đó có một cây bị bật gốc, ngã tự nhiên không rõ nguyên nhân và một cây có đường kính gốc chính 140cm gồm hai thân trong đó một thân đường kính 75cm bị gãy ngã tự nhiên không rõ nguyên nhân.
Chủng loại gỗ thuộc gỗ thông thường (gỗ tạp) nhóm V, VI, VII gồm các loại: chò đen, nhội, dẻ trắng, sồi trắng, lim xẹt và lòng mang lá lớn. Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn đã đánh giá vi phạm này là nghiêm trọng nên báo cáo xin ý kiến xử lý.
Những thân cây đã bị mục rỗng
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hùng Mạnh cho biết: “Khi nhận giao khoán, tất cả các hợp đồng ký kết giữa ông và Ban quản lý Khu BTTN Sơn Trà, TP Đà Nẵng đều ghi rõ là giao đất, chứ không phải giao rừng. Suốt 23 năm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tôi chỉ ghi nhận có 25 trường hợp cây đổ do bão, mối ăn rỗng và nguyên nhân tự nhiên. Các cây này đổ đè lên phần cây trồng giá trị của hộ nhận khoán nên tất yếu phải thu dọn. Hơn nữa, vì khu đất đã ký hợp đồng liên doanh làm khu du lịch sinh thái nên một số cây có nguy cơ đổ phải dọn ngay để tránh tai nạn cho du khách thăm quan”.
Không chỉ dọn cây sắp đổ, ông Mạnh còn cho trồng thay thế vào đó hàng ngàn cây có giá trị, tạo cảnh quan đẹp, đồng thời quy hoạch tốt để phòng chống cháy rừng.
Ông Mạnh cũng cho biết thêm: “Trong quá trình bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, để tạo cảnh quan sinh thái, để phòng chống cháy rừng và cũng là để an toàn cho những du khách đến tham quan vườn rừng, tránh để những cây chết khô đổ, gãy rất dễ gây tai nạn, tôi đã cho người vệ sinh, thu dọn một số cây gỗ đổ, ngã, cây chết đứng.
Đối với một số cây đổ, gã chắn ngang lối đi, tôi cho cắt khúc và xếp gọn ngàng cạnh đó. Đối với một số cây chết đứng có nguy cơ đổ gãy bất cứ lúc nào, tôi cho cắt hạ và cũng xếp gọn cạnh gốc. Tất cả các khúc gỗ đều còn nguyên ở tại hiện trường, các đoàn kiểm tra cũng đã đo đếm chứ tôi chưa hề vận chuyển một khúc gỗ, thậm trí là một mẩu gỗ nhỏ nào ra khỏi rừng.
Đối với những cây gỗ này các đoàn thanh tra, kiểm tra đều biết rất rõ, chúng đều là cây gỗ khô, không phải gỗ tươi và cũng không có giá trị kinh tế thương mại. Trước hiện trường như vậy, có người trong đoàn kiểm tra đã chia sẻ với tôi rằng việc này đúng là: “tình ngay lý gian”.
Một người chiến sỹ Hải quân với 37 năm công tác trong quân đội phục vụ chủ yếu tại quần đảo Trường Sa, dốc cả tiền bạc, sức lực để trồng, bảo vệ 33 ha rừng suốt 23 năm qua nay có thể bị coi là phá rừng khi dọn hơn mười cây bị đổ do mưa bão? Dưới tán rừng này, gia đình Thượng tá Phạm Hùng Mạnh đã đầu tư trồng hơn 30 ha cây sâm cau đang đợi ngày thu hoạch. Mấy năm vừa ông cũng đã trồng hơn 3.000 cây sưa đỏ, hàng nghìn cây bầu gió nhưng sưa đỏ thì hiện đang phát triển rất tốt, còn bầu gió có lẽ do khí hậu thổ nhưỡng ở khu vực này không hợp nên phát triển chậm và không có tinh dầu. Ngoài ra ông Mạnh cùng gia đình còn trồng rất nhiều keo và nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế. Với bao nhiêu tâm huyết, tài sản như vậy, ông có cần đánh đổi tất cả vì mấy cây gỗ tạp?
Dọn dẹp cây đổ bị coi là khai thác gỗ trái phép?
Một trong những điểm mà Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại tiểu khu 63, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà phát hiện là hơn 3 khối gỗ tại kho của Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch Trường Mai.
“Theo báo cáo kết của các cơ quan chức năng, qua kiểm tra phát hiện tại kho của Công ty Trường Mai (đây là Cơ sở liên kết, liên doanh với chúng tôi để trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây dược liệu, kết hợp khai thác dịch vụ vườn rừng) có cất giữ 3,6 m3 gỗ xẻ các loại và tại hiện trường rừng có 25 cây bị đổ, có đường kính từ 15-143cm, trong đó có 13 cây có tác động của con người (cưa, cắt), khối lượng của 13 cây này được tạm tính là 39,4 m3… Tất cả đều là gỗ tạp, thuộc nhóm V, VI, VII, và hiện tại chưa có cơ sở chứng minh số cây rừng nói trên là bị gãy đổ, chết khô do gió bão hay do con người chặt hạ trái phép. Tuy nhiên trên cơ sở đó, Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn đã vội vàng kết luận rằng: chúng tôi có hành vi mua bán lâm sản trái phép; khai thác rừng đặc dụng trái phép vi phạm điều 12 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004; đã gây hậu quả vượt mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính…; gây thiệt hại có mức độ là rất nghiêm trọng…”, ông Mạnh bức xúc nêu trong đơn.
“Còn đối với số lượng gỗ hơn 3,6m3 theo báo cáo nói là phát hiện ở trong kho của Cơ sở Trường Mai, tôi xin trình bày như sau: Số gỗ nói trên là gỗ thành phẩm (đã được chế biến đóng thành đồ dùng) bao gồm 01 bộ phản gỗ, 04 mặt bàn dài và nhiều thanh gỗ làm mặt ghế.
Tất cả số sản phẩm nói trên được làm từ gỗ Quỷnh đỏ và Sao xanh. Tôi mua các sản phẩm này của Công ty TNHH TM DV Mai Phước Tiến và Công ty TNHH MTV Đại Phú Sinh về để sử dụng. Tất cả số hàng trên đều có hóa đơn chứng từ rõ ràng và tôi đã xuất trình với đoàn kiểm tra”.
Hơn 20 năm chăm sóc, bảo vệ rừng, giờ đây ông Mạnh và nhiều người khác bị cho là "khai thác gỗ rừng trái phép?
Như đã phân tích ở trên, đặc điểm của rừng bán đảo Sơn Trà là không có các loài gỗ quý hiếm. Phần lớn cây rừng ở đây đều là các loại gỗ tạp, gỗ thông thường từ nhóm V đến nhóm VIII và rừng bán đảo Sơn Trà không có hai loại gỗ Quỷnh đỏ và Sao xanh nói trên. Như vậy, trình bày của ông Mạnh là có cơ sở, ông không khai thác rừng đặc dụng trái phép để làm đồ gia dụng.
Đối chiếu trình bày của ông Phạm Hùng Mạnh và tài liệu thu thập được, đặc biệt là Báo cáo ngày 30/8/2010 của Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng thì có thể thấy đơn kêu cứu của ông Mạnh là có cơ sở. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng xác nhận nguồn gốc đất do ông Mạnh quản lý là giao khoán theo nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ ban hành quy định về giao khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước.
Năm 1997, 1998 ông Phạm Hùng Mạnh có nhận khoán trồng rừng 33 ha tại Tiểu khu 55 cũ (nay là tiểu khu 63, Bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Thủ tục giao khoán 15 ha và 18 ha để trồng rừng và phát triển kinh tế vườn do Ban quản lý Khu BTTN Sơn Trà, TP Đà Nẵng giao năm 1997, 1998 … Các tài liệu khác đều thể hiện các hộ dân nhận khoán đất trồng rừng tại khu vực trong đó có hộ ông Phạm Văn Mạnh đều chăm sóc, bảo vệ tốt rừng suốt 23 năm qua.
“Là người trong cuộc, tôi hiểu rằng trong vụ việc này có nhiều điều không bình thường. Do vậy, tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét xác minh, làm rõ bản chất sự việc xem ở đây có việc phá rừng như phản ánh hay không, để trả lại sự trong sạch cho những con người như chúng tôi đang dồn công sức, tiền của gia đình để bảo vệ, chăm sóc lá phổi xanh của Thành phố và nay mang là kẻ phá rừng”, ông Mạnh nêu rõ.
Một người chiến sỹ Hải quân với 37 năm công tác trong quân đội phục vụ chủ yếu tại quần đảo Trường Sa, dốc cả tiền bạc, sức lực để trồng, bảo vệ 33 ha rừng suốt 23 năm qua nay có thể bị coi là phá rừng khi dọn hơn 10 cây bị đổ do mưa bão?