Cô giáo Sán Dìu nỗ lực chuyển đổi số trong dạy học môn Lịch sử thời COVID-19

Ngô Chuyên| 18/11/2021 20:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dành trọn niềm đam mê, tâm tư và lòng nhiệt huyết cho nghề giáo, cô giáo Lam Thị Thanh Hường – giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Văn Lang (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, đặc biệt là chuyển đổi số dạy môn Lịch sử trong dịch COVID-19.

Hành trình đến với nghề giáo cao quý

Cô giáo Lam Thị Thanh Hường sinh năm 1983 - người dân tộc Sán Dìu vốn sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ làm nghề tự do với thu nhập thấp. Trải qua tuổi thơ bữa no, bữa đói, cô Hường thấu hiểu cảnh chạy ăn từng bữa.

1(1).jpg
Cô giáo Lam Thị Thanh Hường sinh năm 1983 - người dân tộc Sán Dìu. Ảnh TH.

Để vượt lên số phận, đánh bại sự nghèo khó, cô đã quyết tâm cố gắng học hành, phấn đấu. Không phụ sự mong đợi, năm 18 tuổi, cô Hường đỗ vào hai trường đại học là Đại học Luật Hà Nội và Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

“Năm ấy, kết quả đậu Trường Đại học Luật có trước, nhưng tôi vẫn mong chờ kết quả của trường Đại học Sư phạm, nhưng đợi mãi chẳng thấy. Ngày chuẩn bị lên đường nhập học trường Luật, tôi bất ngờ nhận giấy báo đỗ trường Sư phạm, ngay lập tức tôi hủy bỏ hồ sơ nhập học của trường Luật và làm hồ sơ nhập học vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên” – cô Hường kể lại.

2(1).jpg
Giờ giảng của cô giáo Lam Thị Thanh Hường. Ảnh TH.

Nhớ lại hình ảnh năm 18 tuổi của bản thân, cô Hường nhớ như in cô học trò dành tình cảm đặc biệt với nghề giáo. Năm ấy, cô giáo chủ nhiệm dạy Ngữ Văn đã truyền cảm hứng cho cô.

“Tôi chứng kiến cảnh bấp bênh về nghề tự do của bố mẹ, bởi vậy, tôi rất ngưỡng mộ các cô giáo của mình. Họ có một gia đình hạnh phúc, được làm công việc mình yêu thích. Đặc biệt là cô chủ nhiệm, cô luôn chia sẻ những trải nghiệm thú vị của một người giáo viên.

Bởi vậy tôi cũng ước ao sau này mình sẽ trở thành một cô giáo, có thể truyền cảm hứng về ước mơ, tương lai cho các em học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, vất vả như mình” – cô Hường bộc bạch.

Cũng chính từ hoàn cảnh đó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Hường luôn nỗ lực học tập, tích lũy kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để đạt được kết quả học tập tốt. Tốt nghiệp ra trường, cầm trên tay tấm bằng đại học, cô về quê để xin việc.

4(1).jpg
Liên môn lại với nhau để tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học Lịch sử. Ảnh TH.

“Lúc đó, tôi được biết Trường Văn Lang chuẩn bị thành lập và cần tuyển giáo viên. Nhưng đặc thù là trường ngoài công lập, ngoài thi chuyên môn, Hội đồng còn có thêm phần kỹ năng giảng bài, bởi vậy tôi đã cố gắng, nỗ lực để có thể trúng tuyển. Ngày nhận kết quả, cảm xúc hạnh phúc vỡ òa, dường như con đường ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực” – cô Hường rạng rỡ nhớ lại.

Vốn là cô giáo trẻ, khi nhận công tác Hường được giao chủ nhiệm lớp 7. Lúc bấy giờ, để có thể hiểu thêm tâm lý của học sinh, ngoài thời gian giảng dạy trên lớp cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ những thầy cô đi trước, nghiên cứu thêm các tài liệu về tâm lý lứa tuổi.

Thế nhưng, bước vào tuổi mới lớn, rất nhiều học sinh có tính cách “nổi loạn”, thích thể hiện cá tính, cô giáo trẻ đã nhiều lần dở khóc dở cười. Để có thể gần gũi với học sinh, cô Hường đã đến từng nhà học sinh để trò chuyện, chia sẻ, hiểu hơn tính cách của từng em. Rồi cô ngồi lại với các giáo viên bộ môn để tâm sự, mong thầy cô để ý các trường hợp đặc biệt để học sinh dần tiến bộ.

6(1).jpg
Cô giáo Lam Thị Thanh Hường luôn là nguồn cảm hứng cho học sinh. Ảnh TH.

Nhớ lại kỉ niệm khắc sâu sắc nhất trong thời gian đầu đứng lớp, cô Hường chậm rãi nói: “Nhận công tác được một thời gian ngắn, tôi biết tin học trò của mình mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi sững người, cảm giác đau đớn, ngỡ ngàng, lạc lõng và không tin được đó là sự thật. Cảm giác như chính người thân, em của mình mất. Phải một thời gian dài tôi mới có thể quên được cảm giác đó. Dẫu đã hơn mười năm nhưng tôi vẫn nhớ như in mỗi khi ai hỏi về học trò của mình”.

Không để học sinh bị bỏ lại phía sau

Dịch bệnh COVID-19 ập đến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ngành Giáo dục cũng không ngoại lệ. Thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, cô Lam Thị Thanh Hường đã cùng đồng nghiệp “cấp tốc” chuẩn bị giáo án dạy online, ngày đêm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến cũng như tiếp cận với các phần mềm học trực tuyến để chuẩn bị cho công tác dạy trong tình hình mới.

5(1).jpg
Cô Hường và lớp học của mình. Ảnh TH.

“Ngoài thời gian chuẩn bị, tôi cũng trực tiếp gọi điện cho phụ huynh và học sinh để tư vấn và hướng dẫn cài đặt các phần mềm học tập, đặc biệt là chuẩn bị các dùng cụ học tập như: máy tính hay điện thoại thông minh để có thể truy cập vào học trực tuyến.

Đối với những gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì phối hợp với nhà trường tìm cách giúp đỡ để các em không bị thiệt thòi”.

Vốn là giáo viên dạy môn Lịch sử, kỹ năng về công nghệ thông tin hạn chế, cô Hường phải dành 200% sức lực để học hỏi, tìm tòi, xây dựng những bài giảng chất lượng, truyền được cảm hứng cho học sinh.

“Thời điểm đầu năm 2020 khi dịch mới bùng phát, giai đoạn đầu mọi việc “vừa làm vừa dò đường”, tỉnh chỉ đạo chung khoảng tháng 3 mới dạy trực tuyến nhưng ban lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu triển khai từ tháng 2, tức học sinh chỉ ngừng học trong vòng 1 tuần sau Tết nguyên đán là phải lập tức vào cuộc.

Chuyển từ trạng thái học trực tiếp sang trực tuyến bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp rất áp lực. Cùng lúc phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch an toàn, vừa dạy học hiệu quả, chúng tôi phải tiếp cận thật nhanh, soạn bài giảng thật phù hợp, có lợi cho học sinh nhất” – cô Hường chia sẻ.

Từ ngày chuyển sang dạy học trực tuyến, khối lượng công việc của cô Hường tăng lên gấp nhiều lần, có những ngày cô thức đến 2, 3 giờ sáng để soạn giáo án. Thậm chí, phải để con gái đầu tự học trực tuyến, đứa con út phải đem đi gửi nhờ.

“Nghĩ mà thương con nhưng đành bấm bụng và động viên con cùng cố gắng” - cô Hường trải lòng.

257967397_257958116209369_1194975523208861240_n.jpg
Chuyển từ trạng thái học trực tiếp sang trực tuyến bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp rất áp lực. Cô Hường chia sẻ. Ảnh TH.

Nỗ lực sáng tạo trong dạy và học

Thương học trò, mong học trò không bị áp lực khi học Lịch sử, cô Hường đã không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học. Cô đã biến giờ học Lịch sử của mình thành giờ học đa màu sắc và phong phú.

“Tôi kết hợp cả tính nhạc và tính họa trong môn Lịch sử. Các con có thể được nghe bài hát hoặc bài thơ liên quan đến sự kiện lịch sử đó. Ví dụ: khi dạy bài chiến dịch Việt Bắc, trước khi bắt đầu tôi có thể cho các con nghe bài hát Việt Bắc nhớ Bác Hồ để cô trò khởi động tiết học nhẹ nhàng, đỡ căng thẳng.

Sau đó tôi giới thiệu với học sinh của mình trong chiến dịch Việt Bắc có những bản nhạc như: Trường Ca Sông Lô (Nhạc sĩ Văn Cao), Đồng chí (Chính Hữu)…. Linh hoạt ghép kiến thức để các con cảm thấy nhẹ nhàng, không khô khan thậm chí là rất lãng mạn” – cô Hường chia sẻ

Dành trọn đam mê, tâm tư và lòng nhiệt huyết cho nghề giáo, cô Hường luôn trăn trở về việc giúp học sinh có thành tích tốt nhất. Cô đã không ngừng cố gắng, nỗ lực đem lại những tiết học bổ ích cho học sinh, để học sinh cảm nhận được giá trị của môn Lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo Sán Dìu nỗ lực chuyển đổi số trong dạy học môn Lịch sử thời COVID-19