Hiện nay pháp luật chỉ cho phép thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành.
Hỏi: Hai vợ chồng tôi kết hôn với nhau đã hơn 02 năm nhưng không sinh được con nên chúng tôi muốn tìm người để mang thai hộ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn băn khoăn về việc lựa chọn người mang thai hộ. Vì không muốn liên quan đến các mối quan hệ của con cái sau này nên hai vợ chồng tôi dự định nhờ một người bạn ở xa mang thai hộ có hợp đồng rõ ràng và trả thù lao.
Xin hỏi Tòa soạn, trường hợp nhờ người mang thai hộ như dự định của hai vợ chồng tôi có được hay không? Theo quy định của pháp luật thì chúng tôi phải làm gì để có thể nhờ người mang thai hộ? Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!
Vũ Thị Ngân
Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 22, 23 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì:
“22. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
23. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác...”
Điểm g Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về việc cấm các hành vi:
“g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;”
Bên cạnh đó, tại Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì pháp luật cho phép việc mang thai hộ về mục đích nhân đạo trên cơ sở tự nguyện của các bên đáp ứng đủ điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và việc thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được lập thành văn bản.
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì hiện nay pháp luật chỉ cho phép thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành.
Trong tình huống hai bạn nêu ở trên thì hai vợ chồng dự định nhờ một người bạn mang thai hộ và trả thù lao theo hợp đồng là có dấu hiệu của việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. Việc làm này là vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình nên vợ chồng anh chị không được phép thực hiện hành vi này.
Các điều kiện để hai vợ chồng bạn có thể nhờ người mang thai hộ.
Căn cứ Khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
“2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Ngoài ra, Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo còn có quy định: “Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.”
Như vậy, căn cứ các quy định trên, để được mang thai hộ thì hai vợ chồng phải đáp ứng đủ các điều kiện: mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo; có sự thỏa thuận của hai bên và phải lập thành văn bản; có sự xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận người vợ không thể mang thai hay sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; cặp vợ chồng đang không có con chung; cả hai bên đã được tư vấn về y tế, tâm lý, pháp lý...
Hơn nữa, người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích; đã từng sinh con và chưa mang thai hộ; được sự đồng ý của chồng bằng văn bản, độ tuổi cũng như khả năng phù hợp để mang thai hộ.
Do đó, căn cứ theo quy định, khi đáp ứng được các điều kiện trên thì hai bạn hoàn toàn có thể nhờ người mang thai hộ mình. Tuy nhiên, trong tình huống trên việc hai vợ chồng muốn nhờ một người bạn ở xa để mang thai hộ là vi phạm pháp luật vì người bạn đó không phải là người thân thích. Do đó, hai bạn có thể nhờ họ hàng thân thích cùng dòng máu trực hệ để mang thai hộ cho mình.