Cơ cực “săn” măng rừng

Thanh Phương| 06/08/2014 17:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi những cơn mưa mùa hạ đổ xuống thấm ướt cánh rừng thâm u, sau nhiều tháng dài hạn hán, những thân tre già cựa mình nảy những chồi măng nhú lên đầy sức sống.

 Măng như thứ lộc của rừng, là nguồn sống ngoài nương rẫy, ruộng vườn của những gia đình đồng bào dân tộc vùng cao. 

Trong khoảng thời gian này, hầu như gia đình nào cũng đều có người vào rừng hái măng. Dân bản ví mùa này là mùa đi hái lộc. Nhiều hộ đồng bào thiểu số trông chờ vào mùa măng này để lo toan cơm áo, con cái có sách vở đến trường học chữ. Nhưng, để lấy măng từ rừng cũng hiểm nguy, cơ cực bội phần…

Mùa măng rừng đến

Lụp xụp áo mưa, chân trần, ống thấp, ống cao, chúng tôi đội mưa m"en theo con đường lởm chởm đá để tới Mường Lát (huyện giáp biên của tỉnh Thanh Hóa). Thời điểm này, các bản vắng lặng bởi mọi người đều lên rừng hái măng. Mùa “lộc trời” vào khoảng tháng 6 - 9 âm lịch hàng năm.

Thấy người phụ nữ đang chuẩn bị rựa, gùi, bao tải trước ngôi nhà xập xệ làm bằng tre, lợp cỏ tranh trống trước, hở sau, chúng tôi tiến lại. Quấn vội chiếc khăn trên đầu để vào rừng, chị này cho biết là Giàng Thị Mai, dân tộc Thái ở bản Ma Hác (xã Trung Lý). Chị đang vội vì mặt trời đã lên mấy con sào mà chưa kiếm được ít măng nào. Do mấy hôm bị đau đầu, cứ quẩn quanh mãi ở nhà, giờ đỡ thì lên rừng thôi. Sáng sớm có người gọi nhưng chị không đi được. Mấy đứa con của chị vì thế phải đeo gùi theo chân người ta đi trước. Chưa kịp chào thì người phụ nữ với đôi chân to bản đã mất hút dưới tán cây rừng.

Cơ cực “săn” măng rừng

Những đứa trẻ gầy oằn mình gùi măng nặng

Trên đường đi, ngay tại tuyến đường lộ, rất nhiều chiếc bạt được trải ra để phơi những lát măng đã được thái nhỏ. Tiếp tục hành trình thượng sơn, lên tới xã Pù Nhi, nơi con suối đang xả những dòng nước mát lạnh là một tốp chị em đang rửa măng. Họ khéo léo gọt bỏ phần già của những búp măng, rồi cho măng non vào gùi. Thấy họ nói cười bằng tiếng dân tộc nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận thấy niềm vui khi hôm nay họ bẻ được nhiều măng rừng. Chị Thao Thị Xi (SN 1988, dân tộc Mông) ở bản Cá Tớp là người biết tiếng phổ thông, thấy khách hỏi mua măng thì bắt chuyện: “Măng này bọn em bán 3.000 đồng/kg. Đây không có cân thì bán 5.000 đồng hai búp. Hôm nay mấy chị em may mắn hái được nhiều. Các anh mua đi, măng ngon lắm, toàn là búp cả đấy”.

Chị Xi vừa nói, vừa đưa những búp măng cho chúng tôi xem. Còn mấy chị em trong hội, họ cẩn thận xếp măng vào gùi, đầu ngọn của măng này xỏ vào phần gốc của măng kia. Có như vậy, gùi măng dù cao ngất ngưởng như một tòa tháp nhưng khi lên xuống dốc, qua bao khe suối vẫn không bị đổ. Trên đường, mọi người thường ghé những khe suối rửa sạch măng, để ráo rồi mới mang về. Sau đó, họ dùng dao, rựa để cắt phần non của cây măng đem luộc chín. Sáng hôm sau chở xuống chợ bán hoặc có thể thái thành lát mỏng, phơi khô làm thực phẩm dự trữ. Mỗi ngày một nhà có thể bán được vài chục kg măng tươi, nhờ vậy vào mùa măng, dân bản trong túi mới có tiền.

Hiểm họa từ việc săn măng rừng

Việc đi hái măng rừng rất vất vả, nguy hiểm luôn rình rập. Người đi rừng phải chống chọi với muỗi, vắt, rắn… Nỗi sợ hãi nhất của dân hái măng là phải vượt sông vào mùa nước lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hay gặp rắn, rết trong rừng sâu không có thuốc thang. Đa phần là dân tộc thiểu số nên kiến thức về sơ, cấp cứu hầu như không có. Nhiều người đã phải bỏ mạng vì cuộc mưu sinh. Nguy hiểm, cơ cực là thế nhưng không phải ngày nào cũng hái được măng. Vả lại, nhiều người đi hái nên măng cũng thưa dần, có những buổi phải về tay trắng hoặc chỉ được vài búp. Nếu muốn có măng phải vào tít rừng sâu, phải đi nhiều và biết được hướng rừng tre cho măng đang vào mùa thì mới hái được đầy gùi. Với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng, già làng Hà Văn Pớt (SN 1949, dân tộc Thái) ở bản Đông Ban (xã Pù Nhi) cho biết: Việc đi bẻ măng nhiều khi gặp mưa to kéo dài, nước lên cao và chảy xiết thì phải ở lại. Đoàn làm lán tạm đợi cho mưa ngớt, nước rút mới về được. Chuyện đau lòng năm ngoái vẫn làm nhiều rùng mình truyền tai nhau. Bà Đinh Thị Pướm, bản Na Tao đi hái măng bị rắn độc cắn, khi mọi người đem về được đến nhà thì người đã thâm đen, tắt thở từ lúc nào. Dù sợ, nhưng những người hái măng rừng vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình vượt những con sông, con suối, những cánh rừng đầy trắc trở…

Không chỉ có người lớn mà cả trẻ em, vì cuộc mưu sinh nên con chữ, mái trường đã sớm chia tay với những đứa trẻ nghèo vùng sơn cước này. Với các em, mục tiêu là làm sao hái được nhiều măng để cho bố mẹ các em đỡ khổ. Có như thế, các em mới có ngày được tiếp tục cắp sách tới trường. Ngày ngày, lũ trẻ nhọc nhằn gù lưng để gùi măng từ trên rừng về. Gia đình các em đã nhiều đời dựa vào rừng mà sống, giờ các em tiếp tục nối gót. Những đứa trẻ hồn nhiên ấy vì quá cực nhọc nên vùi đầu vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay.

Trên những chuyến xe, những bó búp măng, bì măng luộc, hộp măng chua... trở thành món quà đặc sản núi rừng không thể thiếu của những người miền xuôi khi công tác trở về. Ngồi trên xe, những ánh mắt của các em đi hái măng đăm đăm nhìn con đường hun hút cứ thoát ẩn, thoát hiện khiến chúng tôi không thôi suy nghĩ. Biết khi nào các em mới trút bỏ được những gùi măng nặng trĩu ấy để tung tăng cắp sách tới trường? Tương lai các em sẽ ra sao hay lại ngóng chờ tới mùa măng mới? Giữa âm u rừng già, với rắn, rết, lũ quét, sạt lở đất… bao nhiêu thứ rình rập, chỉ cần sơ sểnh một chút thì chuyến đi ấy có thể sẽ là chuyến cuối cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ cực “săn” măng rừng