Cơ chế cũ đẻ ra bộ máy cồng kềnh

Bảo Dân| 26/06/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2015 trong khu vực hành chính sự nghiệp có 3,94 triệu người, trong đó các đơn vị sự nghiệp nhà nước là 2.413.927 người. So sánh với các nước thì đây là bộ máy rất công kềnh…

Tôi có một chú em họ được bổ làm Cục trưởng của bộ nọ cách đây 18 năm. Hồi đó tôi đến chơi thấy Cục này chỉ có 18 người, kể cả văn thư và lái xe. Vật đổi sao rời, nay chú bảo tôi rằng Cục cũ đã “phát triển” thành 3 Cục và 1 Vụ với tổng biên chế ngót 90 người mà về cơ bản nhiệm vụ vẫn như hồi xưa. Các chuyên gia nhận xét, trái với sự gia tăng nhanh về số lượng là năng lực và hiệu quả làm việc thấp kém, trì trệ. Tình trạng cán bộ  “sáng cắp ô đi, tối cắp về” đang phổ biến, được ông Nguyễn Xuân Phúc, khi còn ở cương vị Phó Thủ tướng nhận định: Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc.

Nhiều vị lãnh đạo phàn nàn cán bộ công chức tuy đông nhưng ít người làm việc! Tình trạng ăn theo, nói leo trong bộ máy là thường gặp.

Bộ máy nhà nước cồng kềnh, năng lực yếu kém tạo sức ép lớn đối với ngân sách và đầu tư cho phát triển, đang cản trở sự phát triển lành mạnh. Chúng ta đã  nghèo, nợ công cao ở mức báo động, nhưng trong những năm gần đây chi thường xuyên trung bình khoảng 70% tổng ngân sách trong điều kiện thâm hụt, nguồn thu khó khăn, sụt giảm và tích lũy đầu tư cho phát triển với tỷ lệ thấp, dự kiến năm 2016 chỉ khoảng 17%…

Có một thông tin khó kiểm chứng là chỉ tính riêng các hội đoàn thể của hệ thống chính trị hiện hành, hàng năm tiêu tốn khoảng 45.600 - 68.100 tỷ đồng từ ngân sách, tương đương 1-1,7% GDP, chưa kể các chi phí phát sinh khác.

Các chuyên gia cho rằng nếu trên không nghiêm, dưới sẽ làm sai ngay ít nhất là trong khâu tổ chức nhân sự . Vì vậy, vấn đề biên chế, thực ra chỉ là một biểu hiện mang tính bản chất của hệ thống chính trị hiện nay, níu kéo cơ chế tập trung quan liêu không thích nghi với sự  đổi mới thích ứng với  cơ chế thị trường, yếu kém trong quản trị đất nước…

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần yêu cầu thực hiện tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức nhưng biên chế không những không giảm mà càng ngày càng phình to.

Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo nguy cơ tồn vong của chế độ, nếu bộ máy nhà nước không vì dân. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, cựu Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ( khóa 12) mới đây phát biểu rằng bản chất Nhà nước vì dân đã bị lạm dụng.

Phình to biên chế làm cho thu nhập trên đầu người không thay đổi và năng suất lao động giảm đi. Biên chế khi đó trở thành nơi trú chân an toàn làm biến chất cán bộ công chức.

Mới đây, có ý kiến đề xuất bỏ chế độ biên chế thu hút sự chú ý của công luận. Tất nhiên đề xuất này không có cơ sở thực hiện. Làm sao có thể chấp nhận Chủ tịch tỉnh,  Giám đốc sở, Trưởng phòng huyện, Chánh án tòa quận… và rất nhiều chức  danh trong hệ thống chính trị lại là người lao động hợp đồng của bộ máy nhà nước? Tuy nhiên hoàn toàn có thể định biên tối đa cùng khoán ngân sách để giảm được bộ máy cồng kềnh kia. Trong việc này, Bộ Nội vụ phải chuyển động trước, tự mình tinh giản và thiết kế bộ khung định biên cho toàn thể hệ thống chính trị. Trừ các chức  danh dân cử, còn lại tất tần tật phải qua thi tuyển. Và trước mắt hãy nhân rộng mô hình Quảng Ninh để nhất thể hóa 3 trong 1 hoặc 2 trong 1. Cấp bách lắm rồi hãy làm ngay để tinh giản biên chế! 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế cũ đẻ ra bộ máy cồng kềnh