Lợi dụng “uy thế” nổi như cồn của băng nhóm Hai Chi lúc bấy giờ, Nguyễn Thanh Sang (SN 1985, con trai Hai Chi) dẫn nhóm bạn đến địa bàn cư trú của người Nùng Lạng Sơn hòng tán gái mua vui nhưng thất bại.
Không phục, Sang cho rằng đám thanh niên Nùng phá đám bèn dùng đến mã tấu, vũ lực uy hiếp tính mạng một số trai tráng. Đỉnh điểm xung đột buộc người du kích xã phải nổ súng kíp vào sườn phải của Trần Vĩnh Khương (con trai Trần Vĩnh Trị, đàn em Hai Chi).
Giở thói côn đồ để tán gái
Dù quá khứ lùi xa, những phận người có nhiều đổi thay nhưng người dân tộc Nùng ở thôn Nghĩa Hiệp, xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (nay là khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân), di cư từ Lạng Sơn vào mảnh đất phương Nam lập nghiệp sau 1975 không thể quên được những tháng ngày bị băng nhóm Hai Chi làm đảo lộn cuộc sống.
Thời điểm đó, vào một đêm giữa tháng 5/2002, một nhóm thanh niên do Nguyễn Thanh Sang (con trai Hai Chi) dẫn đầu tiến vào thôn Nghĩa Hiệp tán gái. Nhưng với cung cách cậy thế của Hai Chi, làm loạn, miệng lưỡi lại điêu ngoa, gian trá, nhóm của Sang bị những thiếu nữ người Nùng hiền lành, chân chất khước từ tình cảm. Tuy nhiên, nhóm Sang không phục và cho rằng lỗi này là do những trai tráng trong làng bèn nổi máu côn đồ rượt đuổi một số thanh niên trong thôn đang trên đường đi chơi về.
Bị tấn công bất ngờ, lại không có “vũ khí” chống trả, đám thanh niên người Nùng chạy vào nhà ông Hoàng Văn Thàng, một du kích có tiếng ở xã Tân Nghĩa nhờ sự trợ giúp. Rượt tới đây, nhóm Sang đột nhiên bỏ đi. Song, chưa đầy 20 phút sau, nhóm Sang quay lại nhà ông Thàng với vũ khí, giáo mác lăm lăm trên tay, vẻ mặt đằng đằng sát khí.
Thế nhưng, với tính đoàn kết cộng đồng cao, hàng chục nóc nhà người Nùng Lạng Sơn sáng đèn, nổi chiêng khua mõ vây lại chống trả nhóm của Sang quyết liệt. Thua cả người lẫn thế, nhóm của Sang đành ngậm ngùi trong tức giận rời khỏi xóm. Ôm hận trong lòng, nhóm Sang án binh trong 3 ngày liền nhằm đánh lạc hướng đề phòng của xóm Nùng Lạng Sơn. Y theo phương án đó, 23h50 ngày 17/5/2002, khi cả xóm đang chìm trong giấc ngủ say nồng, nhóm của Sang kéo đến nhà ông Thàng với ý định trả thù.
Trung tá Lý Việt Hoa từng là cái gai trong mắt của băng nhóm Hai Chi
Bà Nông Thị Mở (SN 1942, người Nùng, vợ trung tá Lý Việt Hoa, nguyên Trưởng công an huyện Hàm Tân, người đóng góp nhiều công sức trong việc phá vụ án “Đồi Hoa Mai” do Hai Chi cầm đầu) kể lại: “Trong đêm tối mịt mùng, Sang kéo người đến nhà ông Thàng mang theo mã tấu, kiếm, gậy sắt phá tan cánh cửa làm bằng tôn, xộc thẳng vào đe dọa tính mạng người nhà. Tiếng khóc, tiếng kêu cứu vọng từ nhà ông Thàng làm cả xóm bừng tỉnh giấc”.
Bà Mở cho biết thêm: “Nhưng do nhà cách nhà cũng khá xa nên những người đồng hương chưa thể tới ứng cứu kịp thời. Để bảo vệ sự an nguy của bản thân và gia đình, ông Thàng vơ vội cây súng kíp (một loại súng được người Nùng tự chế để đi săn) ở góc nhà lắp đạn bắn chỉ thiên nhưng nhóm của Sang vẫn không nương tay. Ông Thàng bóp cò lần nữa đạn bay trúng sườn phải của Trần Vĩnh Khương (con trai Trần Vĩnh Trị, đàn em của Hai Chi)... Sau lần ẩu đả đó, nhóm của Sang vẫn liên tiếp dùng mọi cách để đe dọa người Nùng ở thôn Nghĩa Hiệp. Mặt khác, Hai Chi hay chuyện đã nuôi mối hận trong lòng nên cho đàn em tung tin “sẽ san bằng xóm Nùng Lạng Sơn và lấy đầu của ông Lý Việt Hoa...”.
Trước những lời cảnh báo đó, người Nùng ai nấy đều sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng. Nhiều gia đình còn bàn bạc với nhau nếu có tiền bạc và cơ hội sẽ chuyển đến địa phương khác sinh sống, làm ăn để không còn đụng mặt với băng nhóm của Hai Chi nữa.
Sống chết với mối thù của xóm
Bà Mở chia sẻ: “Ông Thàng khi gây thương tích cho tên Khương đã bị tù giam 5 năm về tội “Cố ý gây thương tích”. Còn băng nhóm Sang nhiều lần uy hiếp tính mạng người Nùng ở thôn Nghĩa Hiệp lại thoát tội. Chính những khuất tất trong việc xét xử tội ác các thế lực của Hai Chi, một số người Nùng dường như không còn mặn mà với mảnh đất đầy nắng và gió này.
Sau ngày đất nước giải phóng đến thời điểm băng nhóm Hai Chi gây án, thôn Nghĩa Hiệp có gần 50 hộ dân tộc Nùng sinh sống thì 3 năm sau chỉ còn lại chừng 20 gia đình. Nhiều thanh niên trong xóm có suy nghĩ tiêu cực cũng bỏ bê việc đồng áng, thu dọn đồ đạc trở lại nơi chôn nhau cắt rốn hoặc tìm mảnh đất thích hợp hơn để mưu sinh”.
Chứng kiến cảnh bà con mình lần lượt bỏ quê hương thứ 2 ra đi, còn băng nhóm Hai Chi được đà tác oai, tác quái, ông Lý Việt Hoa (khi ấy đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa) không thể ngồi yên. Từng đêm, ông miệt mài bên đống giấy tờ thu thập chứng cứ liên quan để phanh phui ra việc làm sai trái của chúng báo cáo lên cấp trên. Dẫu vậy, do băng nhóm Hai Chi được sự bảo kê nên sự việc được xử lý không triệt để.
Bà Nông Thị Mơ
Tuy nhiên, ông Việt Hoa vẫn tiếp tục cuộc chiến chính nghĩa, tranh thủ thu thập tài liệu, đơn thư cần thiết chờ một ngày yên bình đến với Tân Nghĩa và bà con người Nùng. Ông Việt Hoa từng tâm sự: “Thời gian cứ chầm chậm trôi qua, nhiều lúc căng thẳng đến độ ông cảm thấy như đi vào ngõ cụt. Song với ý chí gan lì và bản lĩnh vững vàng của người công an nhân dân, tôi luôn tin có ngày Hai Chi sẽ phải chịu tội trước pháp luật”.
Đúng như dự cảm, đầu tháng 12/2006, băng nhóm tội phạm xã hội đen “Đồi Hoa Mai” do Hai Chi cầm đầu đã bị lực lượng chức năng triệt phá. Ngày Hai Chi bị bắt cũng là lúc ông Thàng được trả tự do. Ông Thàng quay trở lại quê hương thứ 2 với vợ con, hàng xóm, nhưng đáng tiếc, “xóm Nùng Lạng Sơn” chỉ còn vỏn vẹn chừng 10 nóc nhà. Nhiều hộ dân không về Lạng Sơn cũng di cư lên vùng Tây Nguyên, Bình Phước, Bình Dương định cư.
Nhưng khi có dịp hội ngộ người Nùng ở thôn Nghĩa Hiệp ngày nào vẫn ngồi trò chuyện rôm rả hàng giờ đồng hồ để kể lại những câu chuyện đáng nhớ khi lưu lạc ở mảnh đất mới, và trong đó không thể không nhắc tới những tháng ngày chạm mặt với băng nhóm Hai Chi từng làm mưa làm gió ở tỉnh Bình Thuận.
Trải qua bao biến cố của thời gian, người Nùng ở vùng rừng Hồi xứ Lạng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ông Thàng sau khi ra tù được 3 năm, trong một lần đi Gia Lai thăm bà con chẳng may đã bị lũ cuốn trôi.
Người chiến sĩ công an dân tộc Nùng Lý Việt Hoa sau những ngày lâm bệnh nặng cũng đã từ giã cõi đời ở cái tuổi 67. Nhưng điều đặc biệt hơn cả, khi một ai đó chỉ cần nhắc đến “xóm Nùng Lạng Sơn” hay cái tên Lý Việt Hoa... thì bất kỳ người dân thị trấn Tân Nghĩa nào cũng có thể nói vanh vách từng ngã rẽ, con đường dẫn vào địa điểm ấy.
Người anh hùng của “xóm Nùng Lạng Sơn” Một cán bộ công tác tại công an thị xã LaGi, tỉnh Bình Thuận (từng là học trò tin cậy của ông Lý Việt Hoa) cho hay: “Sau năm 1987, chú Việt Hoa về sống và làm việc tại xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân trước đây. Tại đây, chú đã nắm bắt được nhiều hành động việc làm phi pháp của Hai Chi và đồng bọn. Chú Việt Hoa bí mật cho người theo dõi hành vi phá rừng, buôn gỗ lậu của Hai Chi rồi cất giữ bằng chứng trình báo lên cấp trên. Tiếp đó, chú lại bố trí lực lượng trinh sát là dân tộc Nùng huy động lực lượng lớn tham gia bắt quả tang Hai Chi đang vận chuyển hơn 18 khối gỗ lậu. Do nhiều lần mật phục, trấn áp thành công hành vi côn đồ của băng nhóm này, Hai Chi tuyên bố sẽ lấy đầu chú Việt Hoa. Nhưng chú Việt Hoa vẫn không một chút lo lắng và theo vụ án cho đến ngày Hai Chi bước ra vành móng ngựa”. |