Thuộc thế hệ “6x”, đại tá Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm II, Tòa án quân sự Trung ương đã có hơn 36 năm mang trên mình màu xanh áo lính, gần 30 năm công tác tại Tòa án quân sự.
Khởi nghiệp là người chiến sỹ
Cuối năm 1980, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chị tình nguyện nhập ngũ với hành trang không có gì ngoài nhiệt huyết tuổi trẻ. Thời kỳ đó, đất nước vẫn trong tình trạng chiến tranh, quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn chắc tay súng nên việc quyết định vào quân ngũ của chị là một nỗi trăn trở của người thân. Ngày lên đường, vì chỉ nặng 43kg nên phải “vớt”, chị mới có tên trong danh sách tuyển quân. Thời gian đầu, tất cả chiến sỹ mới được huấn luyện quân sự, luyện tập đội ngũ, bắn súng... nơi thao trường không kể ngày đêm. Nhờ vậy mà chị rắn rỏi hơn, can trường hơn.
Kết thúc khóa huấn luyện, chị được điều động lên một đơn vị tại Yên Bái. Hơn hai năm đóng quân nơi núi rừng Tây Bắc là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa và đầy kỷ niệm đối với cuộc đời chị. Với chức vụ thống kê quân lực, công việc hàng ngày của chị là xây dựng báo cáo quân số, báo cáo vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật quân sự, viết quyết định tuyển dụng, xuất ngũ, chuyển ngành, nâng lương... cho quân nhân. Công việc nhiều nhưng hằng đêm, chị vẫn dành thời gian ôn thi đại học với ước mơ được làm người cán bộ tư pháp trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 1983, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chị đã thi đỗ vào trường Đại học pháp lý (nay là Đại học Luật Hà Nội). Vui mừng khôn xiết, một lần nữa, chị lại đặt bút viết đơn tình nguyện ở lại phục vụ trong quân đội lâu dài sau khi tốt nghiệp đại học. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tốt nghiệp đại học với điểm luận văn loại giỏi, được giữ lại làm giảng viên của trường, nhưng có lẽ bởi màu xanh áo lính có sức hút kỳ lạ đối nên chị đã từ chối để đầu quân vào Tòa án quân sự Quân khu 2 - nơi đã nuôi dưỡng ước mơ cho chị trong những năm tháng đầu đời quân ngũ.
Năm 1988, chị về nhận công tác tại Tòa án quân sự Khu vực 2, Quân khu 2 (Việt Trì, Phú Thọ). Trong lịch sử ngành Tòa án quân sự, chị là người phụ nữ đầu tiên dấn thân vào nghiệp Tòa án binh. Tuy phận liễu yếu đào tơ nhưng chị không quản ngại việc gì, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào do Thủ trưởng đơn vị giao, miễn sao có điều kiện để học hỏi, trải nghiệm và áp dụng kiến thức lý luận đã được học trong trường đại học. Ngoài công việc chuyên môn, chị còn nhiệt tình tham gia các phong trào quần chúng, nhiều năm giữ các chức vụ Bí thư Chi đoàn thanh niên, cán bộ Hội Phụ nữ. Sự cố gắng của chị từng bước được tổ chức ghi nhận. Mười ba năm sau ngày ra trường, chị lần lượt được thăng quân hàm, từ Thiếu úy, Trung úy, Thượng úy, Đại úy rồi Thiếu tá. Tuy nhiên, việc được bổ nhiệm Thẩm phán vẫn là một điều gì đó xa vời đối với chị.
Nghề xét xử trong quân đội có đặc thù riêng. Các Tòa án quân sự chỉ tổ chức xét xử các vụ án hình sự và hầu hết là xét xử lưu động tại các đơn vị; địa bàn Quân khu 2, các đơn vị trải rộng trên 9 tỉnh biên giới phía Bắc. Vì vậy, ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn, Thẩm phán chủ tọa các phiên tòa xét xử phải có bản lĩnh vững vàng, có khả năng làm chủ và xử lý các tình huống trước “ba quân” nên rất cần sự hài hòa, am hiểu pháp luật. Hiệu ứng từ mỗi hành vi của Chủ tọa phiên tòa có sức ảnh hưởng lớn tới hàng trăm cán bộ, chiến sỹ tham dự; điều đó có thể củng cố và nuôi dưỡng niềm tin của bộ đội đối với công lý, góp phần giữ vững kỷ cương, tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội. Cũng vì thế mà việc xem xét bổ nhiệm một phụ nữ làm Thẩm phán Tòa án quân sự khiến lãnh đạo Tòa băn khoăn, nhất là khi điều đó chưa hề có tiền lệ.
Nhưng không vì thế mà chị nản chí, mỗi ngày qua đi, chị càng quyết tâm hơn, cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Chị tích cực trao đổi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, tham gia hội thảo khoa học, bộc lộ chính kiến trong việc giải quyết các vụ án phức tạp được lãnh đạo Tòa đánh giá cao... Kiến thức và trình độ chuyên môn của chị ngày càng được lãnh đạo và đồng nghiệp ghi nhận. Ngày 8/3/2002, chị vinh dự được nhận quyết định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án quân sự Khu vực do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký. Chị tâm sự: “Nhận quyết định bổ nhiệm Thẩm phán, tôi vô cùng sung sướng và tự hào. Tôi tự hứa với lòng mình, không được phép chủ quan trong xét xử; không được phép lơ là, tự mãn trong công tác. Phía trước là thử thách, được bổ nhiệm Thẩm phán mới chỉ là sự khởi đầu, giữ được chức danh đó trong suốt quãng đời công tác mới là điều quan trọng”.
Đại tá Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm II, Tòa án quân sự Trung ương
Trong tâm thế ấy, sau mỗi vụ án, chị lại tự mình kiểm tra lại các hành vi và thủ tục tố tụng đã tiến hành, soi chiếu với pháp luật, học tập kinh nghiệm của các Thẩm phán đi trước, xin ý kiến đánh giá của đồng nghiệp; từ đó rút kinh nghiệm để giải quyết vụ sau làm tốt hơn vụ trước. Sau hai năm trên cương vị Thẩm phán sơ cấp, chị đã xét xử nhiều vụ án từ đơn giản đến phức tạp… Năm 2004, sau gần ba năm đảm nhiệm chức danh Thẩm phán TAQS cấp khu vực, chị được bổ nhiệm Thẩm phán TAQS cấp Quân khu (nay là Thẩm phán trung cấp). Thời gian này, chị được giao chủ tọa nhiều phiên tòa phức tạp. Song thật đáng mừng là cho đến nay, chưa có bản án nào của chị bị hủy; việc sửa án cũng vô cùng hạn hữu; việc xét xử luôn bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đặc biệt là chưa có trường hợp nào bị phát hiện xét xử oan.
Minh oan cho người bị oan
Năm 2008, Tòa án quân sự Khu vực tại Yên Bái gặp khó khăn về cán bộ, nhưng chất lượng xét xử luôn là điều mà lãnh đạo TAQS Quân khu 2 quan tâm. Vậy nên, ý tưởng về việc đưa Thẩm phán cấp Quân khu xuống TAQS Khu vực làm “cố vấn” về chuyên môn đã được cấp ủy Đảng triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cái khó là Thẩm phán nào sẽ xuất quân đầu tiên? Bởi tất cả các Thẩm phán quân khu đều đã ổn định gia đình, trong khi cuộc sống vùng miền núi Tây Bắc, xa gia đình chắc chắn gặp khó khăn, vất vả hơn. Sau khi bàn với chồng, chị quyết định “xung phong” đi trước.
Chị kể, ngay đêm đầu tiên đặt chân lên đất Yên Bái, một Thẩm phán Tòa án quân sự cấp khu vực đã gửi chị tập hồ sơ đề nghị chị đọc và cho ý kiến, trong khi vụ án đã có lịch xét xử sau đó hai ngày. Vốn là người của công việc, chị vui vẻ đón tập hồ sơ và đọc liền một mạch đến quá nửa đêm mới đọc xong bút lục cuối cùng. Đã qua gần 10 năm nhưng đến giờ, chị vẫn nhớ như in tình tiết của vụ án. Đó là vụ án mà Tạ H.B. bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Tham ô tài sản”. Khi nghiên cứu hồ sơ, chị nhận thấy việc truy tố bị can có vấn đề nên ngay sáng hôm sau, chị đề xuất ý kiến họp toàn thể cơ quan để trao đổi về các tình tiết của vụ án. Chị trình bày ý kiến, phân tích, lập luận về việc khả năng bị cáo bị truy tố oan, rất cần được điều tra, thu thập thêm chứng cứ... Và đúng như chị nhận định, sau đó, vụ án được đình chỉ và bị cáo thoát khỏi vòng tố tụng khắc nghiệt.
Gần 10 năm vững vàng trên cương vị Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu, năm 2009, sau khi tốt nghiệp thạc sỹ Luật chị được điều động về Tòa án quân sự Trung ương công tác. Tháng 8/2012, chị được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trực tiếp trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, đồng thời là Thẩm phán TANDTC. Cũng thời gian này, một vinh dự nữa lại đến, đó là chị được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăng quân hàm Đại tá. Bên cạnh công việc xét xử, chị vẫn đam mê nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy tại Học viện Tòa án, Học viện Tư pháp, là cộng tác viên tích cực của Tạp chí Tòa án và các Tạp chí chuyên ngành khác. Tháng 3/2013, chị được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Phòng nghiên cứu tổng hợp, Tòa án quân sự Trung ương và nay chị được giao đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm II, Tòa án quân sự Trung ương.
Có thể nói, thành công của chị hôm nay là kết quả của ý chí và lòng quyết tâm, của sự kiên trì và ham học song không thể thiếu sự hậu thuẫn quan trọng của người bạn đời thủy chung, son sắt. Trong mắt chị, anh là người đàn ông thông minh và đẹp trai nhất. Hai mươi tám năm qua, anh đã gắn bó, sẻ chia và đồng cảm với chị trong mọi thăng trầm của cuộc sống. Và, chị vẫn thầm cảm ơn cuộc đời đã ban cho chị một tình yêu viên mãn cùng hai cô con gái ngoan hiền, hiếu lễ, nay đã nên người. Một sự nghiệp vững vàng, một tổ ấm hạnh phúc, đó là tất cả gia tài mà người nữ Thẩm phán ấy có được sau 36 năm trong quân ngũ. Giờ đây, trong bộ quân phục trang nghiêm, tôi vẫn thấy chị tận tụy với nghề và an nhiên với cuộc sống.
Chia tay chị, hình ảnh về người Thẩm phán giàu nghị lực, quyết đoán và đậm chất lính cứ thôi thúc tôi không thể không cầm bút. Hy vọng, đôi nét phác họa về người cán bộ Tòa án mặc áo lính là tấm lòng của tôi dành cho chị - một sự trân trọng và quý mến!