Vốn là một làng thuần nông, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ chăm chỉ với nghề buôn bán thịt lợn, người làng Miêng Thượng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội trở nên giàu có.
Cả làng lên phố
Nói làng Miêng Thượng là phố có lẽ không ngoa, bởi đến Miêng Thượng bây giờ có cảm giác đang đi giữa một khu phố toàn biệt thự. Những ngôi nhà cao tầng, khang trang, bề thế có thiết kế hiện đại nằm san sát trên trục đường bê tông trải phẳng lỳ.
Duy chỉ có điều, ở đây không thấy cảnh người, xe qua lại tấp nập, tuýt coi inh ỏi mà thay vào đó là một không gian vắng lặng, khi thoảng mới thấy một tốp trẻ nhỏ cắp cặp sách tới trường, hoặc một vài cụ già tản bộ quanh đường làng.
Những ngôi biệt thự nằm san sát nhau ở làng Miêng Thượng
Hỏi ra mới biết, thanh niên trong làng dắt díu vợ con, anh em lên hết phố thị để bán buôn, đó cũng chính là lý do vì sao trong làng có nhiều căn biệt thự để không, khóa trái cửa suốt ngày đêm. Và nghề giúp người làng Miêng đổi đời chính là bán thịt lợn.
Sau hơn chục năm sống chết với nghề, giờ đây người làng Miêng đã cho thiên hạ thấy họ là những người nhạy bén với thời cuộc và biết bảo ban nhau làm ăn.
Ông Nguyễn Văn Sinh (SN 1944) là một trong những người đầu tiên ra Hà Nội lập nghiệp bằng nghề bán thịt lợn cho biết, ông có 4 người con thì có tới 3 người con trong đó có 2 trai, 1 gái theo nghề bán thịt lợn, tất cả đều có của ăn của để, nhà lầu xe hơi đàng hoàng.
Đi khắp làng ai cũng nói các con ông là anh Tài, anh Hùng hiếu nghĩa, giỏi giang, tháo vát, trong khi thiên hạ đang phải vật lộn với từng cân thịt thì các con ông một ngày vẫn tiêu thụ hơn 2 tạ lợn móc hàm.
Thời điểm năm 1996, con trai thứ hai của ông là anh Hùng mỗi ngày bán hết 6 con lợn, chỉ trong vòng 2 năm anh đã trả hết số nợ 30 triệu đồng do trước đó làm ăn thua lỗ cộng với 13 triệu đồng tiền vay để mua xe máy chạy chợ.
Sau hơn 10 năm bán thịt lợn, anh Hùng đã có cho mình một cơ ngơi nhiều người phải mơ ước. Năm 2007, anh xây ngôi nhà 3 tầng gót 1 tỷ đồng, sau đó sắm xe SH gần 200 triệu đồng, không lâu sau đó, anh mua ô tô với giá 800 triệu đồng.
Ông Sinh cho biết, anh Hùng đang dự tính mua căn nhà ở Hà Nội với giá 2,7 tỷ đồng. Ông Sinh vừa nói vừa gọi thợ đến xây nhà để ô tô cho các con.
Còn anh Tài (con cả ông Sinh) sau nhiều năm tích cóp bằng nghề bán thịt lợn, đã quyết định về quê đầu tư tiền tỷ mở trang trại đào ao thả cá, nuôi gà, chăn vịt, bán lợn thương phẩm. Nhưng để giữ nghề, vợ và hai con của anh vẫn trụ lại Hà Nội hằng ngày tay dao, tay thớt bày thịt bán ngoài chợ, vì thế thu nhập của cả gia đình thuộc dạng khủng của thôn.
Ông Sinh bảo, chẳng riêng gì các con ông mà ở làng này ai cũng thế, lứa tuổi từ 25-40 đều ra Hà Nội thuê nhà bán thịt cả, cứ người đi trước dắt người đi sau, em lỗ, anh cho vay, đỡ đần nhau những lúc chập chững vào nghề vì thế chẳng ai phải bỏ giữa chừng vì thiếu vốn hay vì bất cứ một điều gì khác.
Nói như nhà bà Kỷ, ông Gương Ngọc thì các con đều đi bán thịt lợn ngoài Hà Nội hết, mấy căn nhà to vật không người ở. Giờ đây, các con còn họ nghĩ chuyện “định cư” hẳn ngoài Hà Nội nên tính chuyện mua đất mua nhà ghê lắm.
Một thanh niên trong làng nói với tôi rằng, chuyện mua ô tô đối với họ dễ như trở bàn tay, chỉ có điều nó không thiết thực với cuộc sống và công việc nên người ta ít mua thôi.
Những góc khuất ở làng tỷ phú
Nhớ lại làng Miêng Thượng thời điểm cách đây hơn 10 năm về trước, khi ấy làng được bao quanh bởi bốn bề là đồng ruộng, những căn nhà cấp bốn thấp lè tè, lụp xụp, xiêu vẹo quanh năm.
Cái tiếng cả làng Miêng vay lãi ngân hàng hơn 1 tỷ đồng bay khắp huyện, người dân quanh năm suốt tháng chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng để có tiền trả lãi ngân hàng và bấm bụng sống qua ngày.
Thế mà chỉ hơn 10 năm sau, làng Miêng như thay da đổi thịt, nói về điều kiện kinh tế thì khó có làng nào trong vùng đuổi kịp. Người làng Miêng nay đã không còn thiết tha với đồng ruộng mà thay vào đó là những buổi đi chợ kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Người trẻ trong làng ra phố làm ăn hết, tất tần tật mọi chuyện trong gia đình đều gửi gắm bố mẹ già ở nhà.
Tuy nhiên, việc ly hương lên thành phố kiếm sống đã để lại nhiều điều hệ lụy khó lường. Ví như bố mẹ đi làm, để con ở nhà cho ông bà chăm sóc dẫn đến việc con cái lơ đễnh chuyện học hành, sớm sa vào các tệ nạn xã hội.
Lứa tuổi trẻ ở làng Miêng bây giờ đại đa số là nghỉ học từ rất sớm theo bố mẹ đi chợ. Số lượng các em học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đếm trên đầu ngón tay.
Nói ngay như lứa các em năm 1991, cả làng chỉ có từ 3-4 em theo học ở các trường đại học. Với tư tưởng học xong cũng chỉ để kiếm tiền nên bố mẹ cũng như các em càng không coi trọng chuyện học hành mà nghĩ đến chuyện làm kinh tế trước. Việc có một vài sinh viên trong làng sau khi học xong không xin được việc lại càng làm cho suy nghĩ đó ăn sâu vào đầu óc mỗi người.
Cũng có nhiều trường hợp bố mẹ xin cho con chuyển trường ra Hà Nội học, nhưng vì không có thời gian quan tâm con cái nên chỉ được một thời gian thì phải xin chuyển con về trường cũ vì con không theo kịp các bạn dẫn đến chán học, hoặc xin nghỉ học hẳn vì con bị hổng kiến thức. Ở làng Miêng, một gia đình có 3-4 phản thịt là thường thấy.
Chuyện ma chay, cưới hỏi ở đây cũng thưa vắng hơn các làng khác, bởi người làng ra phố làm ăn hết, tất tần tật mọi chuyện trong gia đình đều gửi gắm bố mẹ già ở nhà.
Ông Nguyễn Bá Lục, Trưởng thôn Miêng Thượng lo lắng rằng: “Người làng Miêng bán thịt ở khắp Hà Nội nhưng chủ yếu lại là ở các chợ dân sinh, chợ cóc nên khi Hà Nội quy hoạch các chợ thì người làng Miêng biết bán thịt ở đâu?”.
Nhà ông Lục cũng có hai con đang bán thịt ngoài Hà Nội và để hai cháu nhỏ ở nhà, nhờ ông bà trông giúp. Ông Lục tâm sự: “Giờ các cháu còn nhỏ, còn quản được, chứ ngay mai chúng lớn ngoan ngoãn thì không sao, chứ nếu hư hỏng thì chúng tôi cũng đành chịu”.
Có lẽ, ở làng Miêng Thượng, thời gian để ông bà, bố mẹ, con cái sum họp cùng một mâm cơm là dịp Noel và Tết Nguyên đán.
Vẫn biết việc phát triển kinh tế là quan trọng nhưng, phát triển kinh tế phải đi đôi với văn hóa, giáo dục chỉ có như thế thì mọi sự mới bền vững.