Đã 60 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những ngày chiến đấu gian khổ với thực dân Pháp để giành giật từng tấc đất trên cánh đồng Mường Thanh...
Giành giật từng đoạn giao thông hào trên đồi A1 của bộ đội ta để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” như vẫn còn mới nguyên trong tôi...”.
Đó là lời chia sẻ của cụ Phạm Bá Miều, người Tiểu đội trưởng từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ quan trọng là chỉ huy tiểu đội của mình đánh chiếm đồi A1 bằng bộc phá vào đêm 6/5/19543, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ.
Vẹn nguyên ký ức trận đánh đồi A1
Sau cuộc gặp gỡ tại một buổi hội đàm do Tỉnh đoàn Điện Biên tổ chức, phải mất rất nhiều công thuyết phục, cụ Miều mới đồng ý kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm thời binh lửa. Cuối tháng 3, khi khắp lòng chảo Mường Thanh rộn rã, tưng bừng chuẩn bị cho ngày đại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm đến nhà cụ ở tổ 17, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Năm nay, cụ Miều đã 85 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm “mắt mờ, chân chậm” nhưng khi kể chuyện về chiến thắng “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì đôi mắt cụ như rực sáng, giọng nói vẫn còn rắn rỏi và hào sảng lắm.
Toàn cảnh đồi A1, TP Điện Biên Phủ
Cụ Miều, SN 1930, quê làng lúa Thụy Dương, Thái Thụy, Thái Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, Thùy Dương ở gần ngay điểm đóng quân của địch. Năm 1949, giặc Pháp tràn vào làng cướp bóc, bắn phá, đốt hết nhà cửa của người dân trong làng khiến gia đình cụ Miều phải ra ở nhờ mái hiên chùa. Từ đó, lòng căm thù giặc của chàng thanh niên Phạm Bá Miều mỗi ngày một lớn. Cuối năm 1949, cụ Miều nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ lên đường nhập ngũ. Khi đi không có ai tiễn, chỉ có anh Xã đội trưởng tiễn một đoạn và nhắn nhủ: “Làng mình gần đồn địch, giờ nếu tổ chức tiễn đưa ồn ào quá không có lợi. Ngộ nhỡ “nó” biết, “nó” sẽ quay lại bắn phá, lúc đó bao nhiêu người già, trẻ con trong làng khó mà sống được! Thôi, em đi chân cứng đá mềm...”. Hôm đó, cụ Miều vừa tròn 19 tuổi. Bước chân trường chinh của chàng thanh niên quê lúa trải khắp dải đất Cao - Bắc - Lạng đến Thượng Lào, Hạ Lào, rồi cuối cùng quay trở về giải phóng Lai Châu. Đó là vào khoảng cuối năm 1953. Tháng 3/1954, cụ Miều được cấp trên điều về Đại đội 76, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với chức vụ Tiểu đội trưởng.
Ngày đó, từ chỗ đơn vị cụ Miều đóng quân nhìn xuống, vùng lòng chảo Điện Biên to lớn và đồ sộ lắm. Cứ điểm quân sự Điện Biên Phủ khác hoàn toàn so với tất cả các cứ điểm mà cụ đã từng chinh chiến. Ở đây, quân địch bố trí công sự, hệ thống giao thông hào kiên cố, xe tăng, máy bay rất hiện đại. Cụ Miều kể: “Lúc đó, bộ đội ta phần lớn chỉ có vũ khí thô sơ, trong khi địch được trang bị toàn những vũ khí tối tân, hiện đại. Sau nhiều ngày quan sát thực tế, chúng tôi nhận định, đánh trận này sẽ rất khó khăn. Thế nhưng, tất cả các đơn vị đều sẵn sàng xung trận. Với phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nêu rõ quyết tâm phải tiêu diệt địch trong vòng 5 - 7 ngày”.
Tuy nhiên, sau vài trận đánh ác liệt, bộ đội ta vẫn không thể nào xuyên thủng được hàng phòng thủ của địch. Trong khi đó, quân Pháp liên tục được tăng cường lực lượng xuống Điện Biên Phủ, tuyến phòng ngự của chúng ngày càng kiên cố. Sau đó, Sở chỉ huy chiến dịch đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”, phân bố lực lượng, bao vây, cắt đứt liên lạc giữa các cứ điểm của địch và tiêu diệt từng cứ điểm một. Lúc đấy, Trung đoàn 174 mà cụ Miều đầu quân được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1, nơi Sở chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp đóng quân. Đồi A1 lúc bấy giờ có tất cả 4 hướng lên, trận địa ở đây được quân Pháp bố trí rất chặt chẽ và kiên cố. Phía dưới chân đồi là tầng tầng, lớp lớp hàng rào dây thép gai dày 4m, cao 1m kèm theo hai xe tăng bảo vệ. Phía trên đồi, cứ 20m, quân Pháp đặt một lô cốt kiên cố, trên mỗi lô cốt có hai khẩu đại liên “chéo cánh sẻ” đua nhau bắn phá. Cụ Miều nhớ lại: “Ở dưới đất thì có xe tăng quần, trên trời 4 - 5 chiếc máy bay thi nhau ném bom, nã đạn, có nhiều lúc chúng tôi đánh chiếm được nửa quả đồi nhưng lại bị nó đánh bật ra. Hai bên cứ giành giật nhau từng tức đất, từng đoạn giao thông hào ở trên đồi A1 như thế”.
Một ký ức trong trận đánh Đồi A1 mà cụ Phạm Bá Miều không thể nào quên được, đó là quãng thời gian Tiểu đội do cụ làm Tiểu đội trưởng kết hợp với Đại đội công binh đào đường hầm ngầm từ chân đồi vào Sở chỉ huy của địch để đặt khối bộc phá. Lúc đó là vào khoảng tháng 4/1954, Điện Biên đang là mùa mưa, bầu trời xám xịt màu chì, mưa tầm tã suốt mấy ngày liền nhưng với quyết tâm và niềm tin rằng: Bộc phá là chìa khóa để tiêu diệt cứ điểm Đồi A1. Thế nên, hàng trăm chiến sỹ trong đại đội thay nhau đào hầm ngầm, bất chấp sự bất lợi từ thời tiết. Cụ Miều kể: “Đất ở Đồi A1 rất cứng, dụng cụ chỉ có cuốc chim và xẻng gấp thô sơ nên tiến độ bị chậm. Phải mất 13 ngày, chúng tôi mới hoàn thành đường hầm ngầm đặt khối bộc phá nặng 960kg. Trong quá trình đào hầm, nhiều chiến sỹ đã hy sinh vì bị ngạt. Đêm 6/5/1954, chúng tôi được lệnh kích nổ khối bộc phá, tiêu diệt gần một đại đội của địch. Đồng thời, trước khí thế hừng hực, trước tiếng hô xung kích dậy đất của quân ta, số quân địch còn lại hết sức choáng váng, chống cự yếu ớt. Thừa cơ, Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, tiếng nổ của khối bộc phá trên còn là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Đám cưới vắng chú rể
Sau khi giải phóng Điện Biên, cụ Miều xây dựng gia đình và cùng một số đồng chí, đồng đội ở lại mảnh đất Điện Biên để phát triển kinh tế. Khi được hỏi về chuyện tình yêu thời trai trẻ, cụ Miều hồ hởi kể: “Tôi và vợ quen biết rồi thương yêu nhau từ hồi còn ở quê. Chiến tranh loạn lạc, trải qua bao nhiêu khó khăn mới đến được với nhau, âu cũng là cái duyên, cái số. Đến giờ, nhiều lúc vợ chồng ngồi lại, vẫn không hiểu tại sao ngày ấy cả hai có thể vượt qua nhiều trở ngại đến vậy. Và, kể cả cái cách chúng tôi thành vợ thành chồng cũng rất đặc biệt, cũng không giống bất kỳ ai...”.
Cụ Phạm Bá Miều
Hồi cụ Miều còn trẻ, làng quê bị giặc Pháp chiếm đóng, hoành hành, càn quét. Lúc đó, cụ cùng với một số thanh niên trong làng, trong xã tham gia vào đội du kích địa phương. Trong một lần đi sinh hoạt, cụ đã gặp được cô gái du kích cùng làng, khác thôn và tình yêu của họ được nhen nhóm từ đó. Trước ngày cụ Miều lên đường nhập ngũ, cả hai đều bịn rịn, không nói nên lời, chỉ trao nhau ánh nhìn đắm đuối. Nhưng chỉ ánh nhìn đấy thôi cũng đủ cho họ tin tưởng, chờ đợi nhau đến ngày gặp lại và nên duyên vợ chồng.
Sau ngày giải phóng Điện Biên, cụ Miều viết thư về báo tin cho gia đình. Lúc đó, gia đình cụ mới biết cụ vẫn còn sống. Đầu năm 1955, nhận được thư từ gia đình giục về làm đám cưới cùng có gái du kích năm xưa, nhưng lúc đó cụ Miều đang thực hiện nhiệm vụ không về được nên đành viết thư về nhà báo hoãn. Cứ tưởng thế là thôi. Ai ngờ đầu năm 1956, cụ Miều về quê, sau gần 7 năm biền biệt trong quân ngũ, cụ mới ngỡ ngàng khi gia đình thông báo cụ đã cưới vợ, và người vợ đó không ai khác là cô du kích ngày xưa. Đám cưới được hai bên gia đình tổ chức trước đó một năm và hoàn toàn vắng bóng chú rể.
Cụ Miều bảo: Lúc đó tôi thực sự ngỡ ngàng. Tôi hỏi vợ: Sao đám cưới vắng chú rể mà em và gia đình vẫn đồng ý tổ chức? Bà ấy trả lời rằng: “Anh bận công tác, hai bên gia đình thông cảm và hiểu nhau nên vẫn tổ chức”. Đấy, đám cưới của chúng tôi đặc biệt đến nỗi sau này mỗi khi về thăm quê ở Thái Bình, các cụ già trong làng vẫn thường nhắc lại. Họ bảo, hiếm có đám cưới nào đông vui và xúc động như vậy!”.
Sống ở Điện Biên được vài năm, đến năm 1960, cụ Phạm Bá Miều và vợ nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước lên huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) để phát triển vùng kinh tế mới. Lúc bấy giờ, Mường Tè nổi tiếng rừng hoang núi thẳm, hai vợ chồng đã phải lao động cật lực để đảm bảo đời sống cũng như phát triển kinh tế của gia đình. Mỗi khi rảnh rỗi, ký ức về quãng thời gian sống ở Điện Biên lại ùa về khiến cụ Miều ngày một nhiều trăn trở. Ít lâu sau, gia đình cụ lại “gồng gánh” chuyển về sinh sống tại TP. Điện Biên Phủ. Sau khi về hưu, phát huy tinh thần của người lính cụ Hồ, cụ Miều tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể ở phường và tổ dân phố nơi mình sinh sống. Từng giữ nhiều cương vị như Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Tân Thanh, Tổ trưởng tổ dân phố 17, dù ở cương vị nào, cụ Miều cũng luôn được bà con tin yêu, kính trọng. Hiện nay, cụ Miều đang sống vui vẻ tuổi già cùng hai người con, bốn người cháu và hai chắt.