Công an tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định luân chuyển Thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng CSGT (PC67) về làm Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64).
Vụ việc này khiến dư luận râm ran, bởi ông Thường là tâm điểm chú ý liên quan đến sự việc xảy ra ở BOT Biên Hòa.
Trên cương vị là Phó phòng PC67, Thượng tá Thường đã ký hàng loạt giấy mời đối với các tài xế đã phản đối thu phí ở BOT Biên Hòa đến Phòng CSGT để "tuyên truyền, giáo dục".
Chưa hết, người ta còn phát hiện con gái ông Thường có cổ phần lớn tại BOT Biên Hòa.
Rồi bất ngờ từ việc này, dư luận chợt phát hiện, Thượng tá Thường chính là người đã từng bị tổ chức kỷ luật cho ra khỏi lực lượng Cảnh sát giao thông.
Những hồ nghi bắt đầu nảy sinh cho rằng việc thăng tiến của Thượng tá Thường là...bất thường.
Thượng tá Võ Đình Thường
Xin điểm lại một chút, tháng 10/2003, ông Võ Đình Thường bị kỷ luật bằng hình thức Cách chức Đội trưởng Đội TTKSGT tuyến Quốc lộ 1A thuộc Phòng CSGT, đồng thời, điều động đến nhận công tác tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Lúc này ông Thường mang hàm Đại úy.
Đúng 1 năm sau, vào tháng 10/2004, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai ra Quyết định công nhận sửa chữa tiến bộ đối với ông Võ Đình Thường với lý do chấp hành kỷ luật, có ý thức phấn đấu, sửa chữa tiến bộ.
Đến tháng 3/2005, Giám đốc Công an tỉnh này tiếp tục ký Quyết định bổ nhiệm ông Thường giữ chức vụ Đội trưởng Đội Cảnh sát 113 thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Đến tháng 3/2010, ông Võ Đình Thường được điều động, bổ nhiệm đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Trưởng phòng, Phòng Cảnh sát Môi trường và đến tháng 6/2015, ông Võ Đình Thường được điều động đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Trưởng phòng CSGT.
Quanh đi quẩn lại, cuối cùng thì ông Thường quay về làm lãnh đạo lực lượng mà trước đây ông đã bị đuổi.
14 năm trước, trong buổi giao ban chiều ngày 16/6/2003, Thượng tá Võ Đình Thường lúc này mang hàm Đại úy giữ chức vụ Trạm trưởng Trạm CSGT Dầu Giây thuộc Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai đứng trước các thuộc cấp của mình đã dạy cách cầm tiền và thận trọng với báo chí:
“Làm lâu năm trong nghề phải biết kinh nghiệm. Làm sao phải nhanh tay lẹ mắt, phải gọn gàng. Chứ làm mà ai liếc vô cũng biết thì yếu quá. Làm thế báo nó chụp vô là thấy liền... Phức tạp lắm đâu phải đơn giản. Báo chí nó nhao lên rồi, mai mốt Thanh tra Bộ, rồi đoàn này đoàn kia đi kiểm tra...
Với báo chí, các anh thấy rồi. Tình hình rất phức tạp. Nó đánh tùm lum hết, nên các anh phải cố gắng. Làm mà để nó chụp hình lên báo là toi. Riêng tôi, còn sống với anh em ngày nào, tôi còn lo cho anh em ngày đó. Anh em làm sao thì làm, đừng để bị gài máy ghi âm hoặc là tiền bạc mà để bị chụp hình, rất khó giải quyết... Từ thời gian này trở đi, các đồng chí cố gắng đi làm phải để ý".
Những sai phạm của ông Thường thời điểm đó đáng lẽ phải loại khỏi ngành Công an nhưng với sự "bao dung, nhân từ" của Công an Đồng Nai đã cho ông Thường một cơ hội vàng để sửa chữa.
Lại nói, sau 1 năm bị kỷ luật ông Thường đã được ghi nhận là sửa chữa tiến bộ, có ý thức phấn đấu. Nếu chỉ vài từ như thế thì rõ ràng không thuyết phục, phải cho dân biết ông ấy đã tiến bộ thế nào, phấn đấu ra sao, đạt được thành tích gì?
Nhưng không, chẳng ai biết sự phấn đấu đó là gì, còn ông Thường thì thăng tiến vù vù và sau những sai phạm nghiêm trọng, 14 năm sau ông lên làm lãnh đạo, đeo hàm Thượng tá.
Đùng một cái, trước những lùm xùm liên quan đến BOT, đến sự thăng tiến, Công an tỉnh Đồng Nai lại bất ngờ luân chuyển ông Thường về đơn vị nơi ông đã công tác là Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng đó là hoạt động công tác bình thường nhưng dư luận không đồng tình. Vì sao lại luân chuyển ông Thường? Phải chăng kéo ông Thường ra khỏi "tâm bão"? Phải xem xét xem ông Thường có đủ uy tín nữa hay không, Công an tỉnh Đồng Nai có thiếu cán bộ lãnh đạo hay không mà cứ điều chuyển vòng quanh như thế.
Chuyện của Thượng tá Võ Đình Thường là bình thường hay bất thường, Công an tỉnh Đồng Nai nên nói lại cho rõ.