Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Camphuchia từ ngày 20-22/7 được báo chí quốc tế rất quan tâm, trong đó đặc biệt báo chí Campuchia đã đưa đậm nét về hoạt động của Tổng Bí thư trong chuyến thăm này.
Hình ảnh đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sân bay quốc tế Pochentong, thủ đô Phnom Penh. Ảnh VOV
Trong các ngày 20 và 21/7, hầu hết các cơ quan truyền thông báo chí Campuchia đều đưa tin về chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia đang diễn ra của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, điển hình là Truyền hình quốc gia (TVK), Đài phát thanh quốc gia (KNR), hãng thông tấn nhà nước AKP và các nhật báo tiếng Khmer Rasmei Kampuchea (Tia sáng Campuchia), Kampuchea Thmey (Campuchia Mới).
Chương trình thời sự tối 20/7 của TVK và KNR và bản tin trong ngày của AKP đã đưa tin tổng hợp về hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày đầu tiên ở Campuchia, như lễ đón chính thức và hội đàm giữa Quốc vương Norodom Sihamoni với Tổng Bí thư, Quốc yến chào mừng Tổng Bí thư do Quốc Vương chủ trì; các cuộc hội kiến Chủ tịch Thượng viện, Phó Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Sai Chhum; Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch danh dự CPP Samdech Heng Samrin; Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia, Chủ tịch CPP Samdech Hun Sen; và các hoạt động khác của Tổng Bí thư như thăm Hoàng Thái hậu Norodom Monineat Sihanouk, đặt vòng hoa tại Đài Độc Lập, Đài tưởng niệm cố Quốc vương Norodom Sihanouk, Đài hữu nghị Campuchia-Việt Nam...
Đưa tin về các hoạt động trên, các cơ quan truyền thông đã trích thuật các phát biểu của các nhà lãnh đạo hai nước, nhấn mạnh “quan hệ Việt Nam-Campuchia gắn bó khăng khít, không thể tách rời;" “Campuchia-Việt Nam là láng giềng gần gũi và là anh em của nhau;” “Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với Campuchia” và “dù tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, song quan hệ giữa hai Đảng, hai nước vẫn không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực”...
Tin tổng hợp của các cơ quan truyền thông trên cho biết nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chứng kiến lễ ký Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Campuchia và các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai nước; Việt Nam quyết định tặng Quốc hội Campuchia Công trình Nhà làm việc của Ban Thư ký và các Ủy ban của Quốc hội Campuchia, trị giá 25 triệu USD.
Trong khi đó, tờ báo "Rasmei Kampuchea" (Tia sáng Campuchia) - nhật báo tiếng Khmer lớn nhất ở Campuchia hiện nay, số ra ngày 21/7 đã đăng trên trang nhất tin tổng hợp về chuyến thăm, kèm ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các cuộc hội kiến các nhà lãnh đạo của Campuchia.
Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trước đó, sáng 20/7, báo này đã có bài viết dài đánh giá mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam-Campuchia trong suốt chặng đường lịch sử, qua đó nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện hai nước lên tầm cao mới vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần vào sự hòa bình, ổn định, quan hệ hợp tác phát triển trong khu vực và quốc tế.
Bài báo nhấn mạnh, hai nước Việt Nam-Campuchia vốn có mối quan hệ lâu đời. Hai nước đã kề vai sát cánh nhau chống lại kẻ thù chung để giành được độc lập. Trải qua những thử thách đầy chông gai, nước mắt và xương máu, quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày được củng cố và phát triển ngày càng vững chắc. Bài báo nêu rõ nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam, Campuchia đã giải phóng mình khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, với chiến thắng lịch sử 7/1/1979 để đem lại sự hồi sinh, phát triển cho người dân và đất nước như ngày nay.
Trải qua chẳng đường 50 năm lịch sử thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia đã gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực. Trong thập niên 90, quan hệ giữa hai nước đã có sự phát triển đáng ghi nhận qua các chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo cấp cao của cả hai nước; góp phần khẳng định và củng cố thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc thêm khăng khít và sâu rộng, lên tầm cao mới với sự chắc chắn và hiệu quả.
Những năm qua, để tiếp tục gìn giữ và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt, hữu nghị truyền thống trên mọi lĩnh vực, hai nước tiếp tục có các chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo hai nước. Cùng với đó là sự gắn kết thông qua mối quan hệ thân ái của người dân sống ở các tỉnh có chung đường biên giới; đặc biệt là qua các Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia và Campuchia-Việt Nam.
Trong lĩnh vực kinh tế, trao đổi giữa hai nước không ngừng phát triển. Nếu như, trong những năm 1997-1999, trao đổi thương mại giữa hai nước chỉ đạt mức khoảng 150 triệu USD/năm, thì đến giai đoạn 2005-2009, trao đổi thương mại tiếp tục tăng lên thêm 40%. Trong năm 2016, trao đổi thương mại song phương đạt 3 tỷ USD/năm. Còn trong quý 1/2017, trao đổi thương mại giữa hai nước đã đạt 1 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Campuchia.
Hai nước cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp giúp đỡ nhau trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, giáo dục… Đồng thời, mối quan hệ hữu nghị truyền thống của hai nước cũng được thể hiện thông qua việc phối hợp, giúp đỡ nhau tại các diễn đàn của khu vực và quốc tế như: Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác bốn nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayaoadi-Chaophaya-Mekong, ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc, nhằm nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Người dân hai nước Việt Nam Campuchia luôn gìn giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau, cùng nhau phát triển. Người dân hai nước Việt Nam và Campuchia luôn hiểu rõ và cùng nhau gìn giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống của hai dân tộc, góp phần vào sự ổn định, hòa bình cho khu vực.
Cùng với đó, bài báo cho rằng cần tăng cường cảnh giác và ngăn chặn kịp thời những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong và ngoài nước vốn sử dụng chiêu bài văn hóa bôi nhọ, phá hoại để gây tổn hại đến mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống của hai nước.
Bài báo kết luận rằng với truyền thống hợp tác trên mọi lĩnh vực, hỗ trợ, giúp đỡ nhau kịp thời và hiệu quả suốt 5 thập kỷ qua giữa hai bên, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần vào sự hòa bình, ổn định, quan hệ hợp tác phát triển trong khu vực và quốc tế.