Chuyện quy hoạch

Trung Nguyễn| 05/04/2017 08:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI (về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ) có nêu 5 vấn đề phải giải quyết về quy hoạch, với yêu cầu rất quan trọng là xác định quy hoạch cho cả hệ thống đô thị quốc gia...

Với tầm quan trọng của công tác quy hoạch, dự án Luật Quy hoạch vừa được trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 8 vừa qua.

Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước… Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm, hiện nay chúng ta có đến mấy chục nghìn quy hoạch nhưng có quy hoạch thì do bộ quản lý và tổ chức lập, có quy hoạch ngành thì do bộ phê duyệt, nhưng cũng có quy hoạch do địa phương, các đô thị trình lên, được bộ thỏa thuận đồng ý rồi chính quyền địa phương phê duyệt… Bản chất của hiện tượng quy hoạch này không phù hợp quy hoạch kia là do người làm khác nhau, người thẩm định khác nhau, và thiếu một đầu mối thẩm định.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Luật Quy hoạch chỉ nên là luật khung. Tuy nhiên, cấu trúc của dự thảo Luật hiện nay lại có những nội dung rất chi tiết, ví dụ quy hoạch vùng kinh tế - xã hội. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nêu rất cụ thể, từ nhiệm vụ, trình tự, nội dung đến hồ sơ ra sao…

Một vấn đề cần lưu ý đối với dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay là phải xử lý các luật liên quan như thế nào. Nếu Luật Quy hoạch được ban hành như dự thảo hiện nay, ít nhất sẽ phải điều chỉnh khoảng hơn 50 luật và gần 60 nghị định như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở, Luật Đất đai 2013…

Quá trình thảo luận, các chuyên gia cũng thống nhất quan điểm nên tích hợp quy hoạch. Theo đó, có thể tích hợp quy hoạch xây dựng vùng vào quy hoạch tổng thể, bởi đó là vùng kinh tế trọng điểm, vùng chức năng đặc thù. Tuy nhiên, một số cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng hiện nay cho rằng, tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch tổng thể như dự thảo Luật sẽ dẫn đến khó khăn và vướng mắc khi thực hiện. Thực tế là tại Phiên họp thứ 8 của UBTVQH, cơ quan đề xuất việc tích hợp cũng đã phải “nhượng bộ” một số nội dung. Điều này cho thấy, về chủ trương tích hợp là đúng, nhưng quy định cụ thể, cách thức thực hiện trong dự thảo Luật cũng vẫn còn những bất ổn.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng,  việc thực hiện Luật Quy hoạch sẽ có những bỡ ngỡ. Để khắc phục, có rất nhiều việc phải làm như, điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; tập huấn, đào tạo cán bộ quy hoạch, nhất là đối với các loại hình quy hoạch còn mới lạ như quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, rồi tổ chức việc lập các quy hoạch này để kịp phục vụ cho giai đoạn phát triển 10 năm 2021 - 2030 nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp…

Ông Liêm cho cũng cho rằng, do tính chất mới mẻ của Luật Quy hoạch nên trong quá trình thi hành có thể sẽ phát hiện ra điểm nào đó chưa phù hợp và cần điều chỉnh. Đó là điều không mong muốn nhưng nếu xảy ra thì cũng phải chấp nhận. Cũng có ý kiến cho rằng, để Luật Quy hoạch tạo được sự đồng thuận thì trước hết phải “quy hoạch” được các vấn đề còn bất đồng về dự thảo luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện quy hoạch