Chuyện ở nơi mua con trai để nối dõi tông đường

Nguyễn Trung Thành| 17/08/2013 22:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

17 tuổi, Chảu lấy vợ rồi đẻ liền tù tì 4 đứa con, 3 gái một trai. Nhưng ngặt nỗi đứa con trai út của Chảu vắn số, cháu sinh chưa đầy tháng thì ốm chết.

Chảu buồn lắm. Chờ mãi không thấy vợ  “rặn” thêm thằng con trai nào, Chảu quyết định bán con trâu cày được 6 triệu đồng rồi ngồi thuyền, tẽ nước sông Đà đi sang xã bên tìm mua “thằng nối dõi tông đường”.

Bán trâu cày để mua con

Đi hết một buổi chiều, tôi mới tìm được nhà Chảu. Căn nhà nằm hiu hắt ở cuối bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Nghe nói mấy năm trước, nhà Chảu còn ở tận dưới thung lũng, nơi giờ là cái “bụng” chứa nước của thủy điện tỉnh Sơn La. Nhờ cái công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á ấy mà cả nhà Chảu được di dời lên đây, được nhà nước xây nhà, kéo điện, dẫn nước về tận đầu hồi.

Huổi Lóng, quê Chảu nằm rìa khu bảo tồn Vườn quốc gia Hoàng Liên, cả bản có chừng gần 50 nóc nhà thì đến hơn một nửa trong số đó là hộ nghèo. Bà con ở đây nhiều người suốt đời không biết đến nơi nào khác ngoài cái bản mình đang sống, họ sinh ra, già cỗi và lặng lẽ chết đi như cái lá của rừng núi quê mình. Nhà nào cũng tả tơi, úp chụp vào đất như cái lá mục rơi nghiêng nằm hờ ven triền núi. Gió nhẹ đã lung lay, chứ đừng nói gì đến bão lốc. Từ ngày có chính sách tái định cư, người dân được chuyển về nơi ở mới, nhà cửa vững chắc hơn, nhưng miếng cơm manh áo vẫn là nỗi lo thường trực. Người khẳng khiu, cây lúa cọc cằn. Nhà Chảu cũng vậy, ba bốn đời nay chưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Chảu tên đầy đủ là Trang A Chảu, người dân tộc Dao, sinh năm 1983, năm nay tròn 30 tuổi, người khô quắt, mặt nhọ nhem, mắt trũng sâu. Chảu lấy vợ từ năm 17 tuổi. Trang Thị Guẩy, vợ Chảu, sinh năm 1981, người cùng bản và cũng nhọ nhem, khô héo như chồng. Vợ chồng Chảu lấy nhau được vài năm thì 4 đứa con, 3 gái một trai lần lượt ra đời. Con trai út của Chảu sinh chưa đầy tháng thì ốm chết. Chảu buồn lắm. Cố mãi mới được thằng con nối dõi tông đường, vậy mà giờ nó bỏ vợ chồng Chảu ra bìa rừng nằm với ông bà tổ tiên. Ngày ngày, cứ mỗi lần nhìn cả ba đứa con gái cộng với cái bụng phẳng lì của vợ, Chảu lại buông tiếng thở dài.

Chuyện ở nơi mua con trai để nối dõi tông đường

Trang Quý Hơn, cậu con trai “nối dõi tông đường” của Chảu

Ở cái bản người Dao nằm hoang biệt này, gần như vợ chồng nào cũng phải cố đẻ cho kỳ được thằng con trai để nó đi rừng với hương khói khi cha mẹ nằm xuống. Con trai, nó giống như cây cột cái trong nhà. Gia đình nào mà hai đời không có con trai thì nhất định phải tìm mua cho kỳ được. Thậm chí họ còn mua liền 3-4 đứa để thể hiện sự giàu có, sung túc của mình. Bởi theo quan niệm của người Dao từ ngàn xưa để lại, nhà nào càng đông con, nhất là con trai thì càng vượng.

Nhà Chảu cũng thế, từ đời cụ kỵ, ông bà ông vải đều “đẻ ra cột cái”, thế mà đến đời Chảu chẳng lẽ lại “tuyệt tự tuyệt tông”, ra đường không dám ngửa mặt nhìn ai, đi ăn cỗ trong bản phải ngồi mãi mâm dưới thế này? Chảu đành bàn với vợ, bán con trâu cày để lấy tiền đi mua “thằng con nối dõi tông đường”. Ban đầu, Guẩy nhất định không đồng ý. Guẩy bảo: “Mình là đứa gái biết đẻ mà, không mua đâu, tốn tiền lắm!”. Thế nhưng, con trai út mất cũng đã mười mấy mùa trăng mà cái bụng Guẩy vẫn chẳng lùm lùm lên được. Guẩy sốt ruột lắm. Và Guẩy cũng sợ đối mặt với những người trong dòng tộc nhà chồng. Mỗi lần gặp Guẩy, họ đều nói: “Guẩy à, đẻ con trai cho nhà chồng đi chứ?!”. Câu nói ấy cứ ám ảnh Guẩy mãi. Nó theo Guẩy lên nương, xuống chợ rồi còn chui cả vào trong giấc ngủ của Guẩy như con vắt đói. Cuối cùng, Guẩy cũng phải đồng ý cho chồng đi mua con.

Chuyện ở nơi mua con trai để nối dõi tông đường

Mãi không đẻ được con trai, Guẩy phải đồng ý cho chồng đi mua con

Khao khát “thằng nối dõi”

Khoảng giữa tháng 7/2008, nhờ người mối lái, Chảu biết vợ chồng Hùng A Ly (ở xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) đang cần tiền nên muốn bán con. Chảu quyết định rủ bố vợ là Trang A Máu cùng đi xem mặt đứa bé. Lúc ấy, ông Máu đương là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ của xã Huổi Só. Khi nghe con rể bàn chuyện đi mua con, ông Máu cũng gật đầu đồng ý. Bởi dù sao ông cũng không muốn nghe dân bản bàn tán mãi chuyện con gái mình không đẻ được một đứa con trai nối dõi cho nhà chồng. Hai bố con Chảu ngồi thuyền vượt sông Đà, rồi mất thêm mấy tiếng đi bộ nữa thì đến nhà Ly. Thằng bé đó cũng trạc tuổi đứa con trai út xấu số của Chảu, tướng tá có phần nhỉnh hơn. Chảu ưng lắm, liền hẹn với đôi vợ chồng Ly là mai mốt chọn được ngày đẹp sẽ sang… “giao dịch”.

Hỏi Chảu, có biết mua bán trẻ con là có tội, Chảu gãi đầu soàn soạt, “mình có mua đâu, mình mang con về thì bồi dưỡng cho nhà nó ít tiền thôi”. Giơ máy ảnh lên chụp, Chảu xua tay rối rít, “không chụp đâu, xấu lắm à!”. Nói rồi Chảu lại hút thuốc lào roen roét, khói bay vòng vòng trên mái nhà, tiếp tục kể chuyện đi mua con trai chả khác gì người ta đi mua con vật. Vợ Chảu ngồi quay sợi phía ngoài bậu cửa, tay làm, tai hóng chuyện chồng với khách, miệng thi thoảng nhoẻn cười. “Nhà đó có 5 thằng con trai. Chồng yếu không đi rừng được, vợ đói, con đói, phải bán bớt miệng ăn đi thôi”. Chảu cười kể lại.

Hôm tôi đến, thằng bé đương đi lớp. Cả nhà chỉ mình nó được đi học, ba chị gái thay nhau đưa đón. Nó tên Trang Quý Hơn, sinh năm 2007, bụng tròn, mắt đục, có thịt có da. Do là đứa con nối dõi tông đường nên nó luôn dành được yêu chiều từ Chảu. Từ miếng ăn, cái mặc đến chuyện học hành của nó cũng được cả gia đình chăm chút. Ngay cả cái tên của nó cũng là do Chảu nghĩ nát óc mất mấy ngày, mấy đêm để đặt. Còn cái tên cũ, Chảu đã trả lại cho bố mẹ đẻ của nó, cùng với cọc tiền 6 triệu đồng. Ngày ngày, ngoài giờ đi học, thời gian chính của Hơn là chễm trệ trên lưng chị. Chỉ cần nó kêu đau ở đâu đó, cả nhà Chảu như lên cơn sốt.

Chuyện ở nơi mua con trai để nối dõi tông đường

Một góc Huổi Lóng

Kể từ ngày bán trâu, Chảu và vợ thay trâu đi kéo cày. Hai vợ chồng cứ tay trần chọi vào đá để mưu sinh, cuộc sống không buồn, không vui nhưng xem ra có phần yên tâm hơn. Trong nhà Chảu chả có vật dụng gì đáng giá, giường chiếu rách tả tơi, chỉ duy có đói nghèo là bao năm nay vẫn còn nguyên vẹn. Mấy đứa con gái của Chảu, đứa nào cũng ngác ngơ, lấm lem bùn đất. Đứa lớn nhất tên Trang Thị Sùa, sinh năm 2000, năm nay gần 14 tuổi. Sùa gầy nhẳng, quắt queo như cái cọng rơm. Nó chưa kịp lớn, chưa kịp đánh vần hết lượt chữ cái thì bị bố bắt về làm… lao động chính trong nhà. Từ việc trông em, ủ rượu, giặt giũ quần áo đến việc vào rừng chặt củi rồi cõng xuống chợ đổi gạo, Sùa đều phải làm. Cứ quần quật từ sáng sớm đến tối mịt như thế nên cái lưng của cô bé cứ còng xuống mãi.

Tôi hỏi Sùa thích đi học không, Sùa hết liếc nhìn bố, nhìn mẹ rồi se sẽ gật đầu. Chìa cây bút với quyển sổ, bảo Sùa thử viết tên mình, cô bé giãy nảy, chạy tít ra sau nhà. Lần lượt hai đứa em của Sùa cũng vậy. Bàn tay chúng đã quen chặt củi, trỉa ngô, giờ bảo cầm bút, viết chữ còn khó hơn chuyện lên giời. “Đói quá, phải nghỉ ở nhà đi rừng thôi, chứ đi học biết lấy gì mà ăn?!”, Chảu quả quyết. Thế nhưng, ngay cả khi đã bắt đủ cả ba đứa con lớn nghỉ học, nhà Chảu vẫn thường xuyên đứt bữa, cái đói, cái nghèo như cái đuôi ma quái của núi rừng đeo bám. Chẳng thế mà ngồi cạn một buổi chiều, mặt trời đã lặn xuống đỉnh rừng vẫn không thấy vợ con Chảu nhúc nhắc gì đến chuyện nổi lửa nấu cơm. Chỉ thấy Chảu ngoái đầu ra phía cửa dặn vợ nhớ nhốt con gà, ngày mai cắp xuống chợ phiên bán lấy tiền mua cho thằng Hơn đôi dép tổ ong, tiện thể mua luôn cho Chảu nửa lạng thuốc lào! Nói dứt câu, Chảu lại rúc đầu vào ống điếu, tóp má, tóp miệng để rít, khói thuốc bay vòng vòng…

Hủ tục mua con của người Dao xuất hiện từ rất lâu đời, nó bắt nguồn từ tình trạng quần hôn hay là hôn nhân cận huyết, nên nhiều gia đình người Dao khó có thể sinh con đàn cháu đống như người Mông hay người Thái. Hiếm muộn, họ thường chọn con đường đi “mua” con về nuôi. Đồng bào chỉ quan niệm đơn giản rằng: Khi mua con về, làm cúng lễ cho “ma” nhà mình nhập vào thì đích thực những đứa trẻ đó đã là con mình, nó được đối xử bình thường như tất cả những đứa trẻ khác trong gia đình.

Đã đến lúc, chính quyền địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp những cá nhân trong cộng đồng người Dao ý thức, hiểu rõ hơn về những hủ tục không đúng đắn. Có như vậy, cộng đồng người Dao mới nhanh chóng tiệm cận được những quy chẩn về pháp luật chung, sớm thoát ra khỏi những tối tăm của các hủ tục không phù hợp.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ở nơi mua con trai để nối dõi tông đường