Từng bị ngồi tù vì án oan, nhưng một năm tăm tối đó đã khiến chị Teresa Njoroge thấm thía chuyện "nghèo cũng là một cái tội" tại đất nước Kenya, điều đó đã thôi thúc chị hành động sau khi ra tù.
Hơn sáu năm sau ngày đã được minh oan và trả tự do, chị Teresa Njoroge vẫn nhớ y nguyên cảm giác trong đêm đầu tiên trải qua tại nhà tù có cấp độ an ninh tối đa dành cho nữ ở Langata.
Chị Teresa Njoroge
Tháng 1-2009, người ta nói rằng chị đã tham gia một giao dịch tài chính gian lận tại Ngân hàng Standard Chartered là nơi làm việc. Sốc, sợ hãi và kinh hoàng, chị hiểu mình sẽ mất công việc tại đó.
Nhưng sự việc không dừng ở đấy, nó vượt qua mọi hình dung của chị. Người ta bắt chị, buộc tội một cách ác ý và truy tố. Sự ám muội của vụ việc còn là tình huống chính người bắt giữ đã gạ gẫm chị trả cho hắn 10.000 USD thì mọi sự sẽ được cho qua. Chị từ chối.
Tin rằng mình trong sạch, chị cũng bỏ ngoài tai lời khuyên của người luật sư, không chịu đút lót để xóa án. Trong suốt hai năm rưỡi sau đó, chị nhiều lần ra vào tại các phiên tòa xét xử, cố gắng chứng minh mình vô tội. Cùng với thời gian này, chị tiếp tục nhận được những đề nghị chèo kéo, lúc này "giá tự do" của chị đã tăng lên 50.000 USD.
Vào tù, chị Teresa Njoroge không còn được gọi bằng tên của mình nữa. Số tù 415/11 là "tên" mới của chị, giống như những phụ nữ xung quanh. Chị học cách thích nghi với cuộc sống trong tù, từ thức ăn, ngôn ngữ cho tới nếp sinh hoạt.
Và sau khi lắng nghe lần lượt những câu chuyện của gần 700 phụ nữ trong suốt một năm ở tù, chị nhận ra rất nhiều người trong số họ đã phải vào tù không phải vì tội lỗi do họ gây ra. Họ là nạn nhân của tình trạng chạy án, giơ đầu chịu báng trong khi những kẻ đáng phải chịu trách nhiệm thực sự lại đang nhởn nhơ. Họ vào tù vì không có tiền đút lót những kẻ thực thi pháp luật.
Xa hơn nữa, chị cũng hiểu rằng gốc rễ của tất cả những bất công chỉ toàn giáng lên đầu người nghèo. Hai năm sau ngày được trả tự do, phiên tòa phúc thẩm đã tuyên bố chị trắng án vì không phạm pháp.
Sau khi ra tù, chị Teresa Njoroge thành lập Tổ chức Clean Start, một doanh nghiệp xã hội với mục tiêu tạo thêm cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, giúp họ hòa nhập cuộc sống suôn sẻ sau khi ra tù.
Các thành viên của Clean Start sẽ tiếp cận các trại giam, tổ chức đào tạo nghề, trao cho họ công cụ làm việc và giúp họ thay đổi tư duy, hành vi và quan điểm. Doanh nghiệp này cũng tạo công ăn việc làm, cung cấp chỗ ở và tiếp tục dạy nghề cho những người từng phải ngồi tù. Với nguồn quỹ hỗ trợ từ các nhà thờ địa phương, chị thậm chí còn giúp một số người khởi nghiệp kinh doanh.
Lucy là một trong những người hiện đang hưởng lợi từ tổ chức thiện nguyện Clean Start của Teresa. Chị từng ngồi tù 18 tháng vì tội tiêu thụ đồ ăn cắp chỉ vì mua một chiếc điện thoại di động. Sau khi ra tù, nhờ sự hỗ trợ của Clean Start, người mẹ này đang kinh doanh một tiệm giày bán cho phụ nữ làm việc ở công sở. Ngoài chuyện có được sinh kế, chị cũng được ở gần và chăm sóc ba đứa con sau thời gian xa cách vì phải ngồi tù.
Bà Catherine Heard, giám đốc Chương trình Nghiên cứu nhà tù thế giới tại Viện Nghiên cứu chính sách tội phạm tại London, cho rằng mặc dù số chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sau khi ra tù như tổ chức Clean Start vẫn còn rất ít, nhưng đó "chính xác là những thứ chúng ta cần".