Quẩn quanh với ông suốt một ngày trời, theo ông đi hết từ ngõ này sang ngõ khác, chúng tôi mới khai thác được chút thông tin ít ỏi, bởi quá khứ trong ông dường như đã bị xóa sạch.
Chắp vá ký ức
Ký ức của ông mà chúng tôi chắp vá được bước đầu có thể tạm thời hình dung, đầu tiên đơn vị của ông Nhường được lệnh vào chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, sau đó thì triển khai tác chiến lên vùng cao Tây Nguyên. Ông được cơ cấu vào một đơn vị chiến đấu độc lập.
Một lần, đơn vị ông tấn công vào doanh trại của địch, do quá chênh lệch về lực lượng, đơn vị rút trở ra, ông cùng 6 đồng đội nằm trong một hầm trú ẩn bí mật.
Trong khói lửa đặc quánh, lợi dụng lúc địch nằm rạp xuống, ông lao lên nhả đạn về phía địch rồi lao thẳng vào rừng. Địch vừa trút đạn về phía ông, vừa đuổi theo.
Đồng đội rút lui an toàn, ông bị thương khắp người cứ thế lao đi cho đến lúc ngã xuống bất tỉnh. Núi rừng Tây Nguyên bịt bùng đã che chở cho ông không bị rơi vào tay của kẻ thù.
Với kinh nghiệm của một người lính, ông tự bứt lá cây nhai đắp vào vết thương. Lúc này trong tay ông chỉ còn một chiếc dao găm, ông cứ thế ngày đi, đêm leo lên cây ngủ, khát thì múc nước khe uống, đói thì hái trái cây, bứt lá cỏ ăn. Nhưng kỳ lạ làm sao, cứ đi bao nhiêu ngày ròng rã ông lại phát hiện thấy mình cứ quay lại nơi cũ.
Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận ông Nhường là liệt sỹ
Ông đành tính kế lâu dài bằng cách, chặt lá cây làm cái chòi ở trên nhánh cây cao, mỗi ngày xác định phương hướng để tìm đường ra, ngày tháng thấm thoắt thoi đưa, ông không nhớ mình ở khu rừng này bao năm, chỉ biết khi quần áo rách hết ông lấy vỏ cây làm vải che thân.
Tìm được khu dân cư, ông lang thang, ai thuê gì làm nấy cho đến một lần ông lạc vào một bến xe đông đúc, gặp một người lái xe đường dài nghe ông nói mô tê răng rứa.
Qua trao đổi, anh này hỏi “ông có phải người Nghệ An không? Tại sao lại ở đây?”. Như một phép màu nhiệm thần kì, kí ức ập đến, trí nhớ ùa về ông trả lời: “Tôi người Quỳnh Lưu, Nghệ An, đi bộ đội đánh nhau bị lạc”. Rồi ông được gửi qua ba xe nối tiếp nhau chạy suốt ngày đêm, họ cho ông ăn uống và thả ông xuống thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Ông luẩn quẩn mấy ngày, cho đến một sáng ban mai nghe tiếng chuông nhà thờ rung lên, tiềm thức nhắc ông là một con chiên của giáo xứ Thuận Nghĩa. Gót chân tha thiết nhớ về quê nhà đã đưa ông đến chợ Thuận Nghĩa với chỉ một cái tên in sâu trong đầu “O Thái, O Thái”.
Hiện tại khó khăn
Ra đi là một anh thanh niên lực lưỡng, cao to, sức khoẻ tràn trề, cống hiến cho đất nước, trở về mang trên mình những thương tật của cuộc chiến, sức khoẻ của ông giờ đã yếu đi rất nhiều.
Giờ đây ông không vợ con, không một tấc đất, mái ngói, cái giường nên chỉ nhờ vào sự cưu mang của những người ruột thịt trong gia đình. Hồi mới trở về, ông ở với người em ruột Nguyễn Chánh An, xóm 21 Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Căn nhà nhỏ cấp 4 mà ông ở không có gì ngoài chiếc giường để ông ngả lưng vào mỗi tối.
Dù được gia đình anh, em đưa về chăm sóc nhưng những ngày đầu ông Nhường vẫn giữ thói quen của một người đã sống cách biệt với bên ngoài, ông ấy thích ăn rau và không ăn được cá, thịt, ông Nhường thường ra ngoài bờ bụi hái các loại cây dại nhai ăn ngon lành.
Ông Nhường hiện đang phải sống nương nhờ vào anh em, láng giềng
Thấy vậy mọi người cũng hái làm sạch rồi luộc cho ông ăn nên ông vui lắm. Trong trí nhớ của ông bây giờ, cũng không nhớ tên các anh em trong gia đình nữa. Trái lại khi nào ông cũng nói chuyện một mình với những câu chuyện mà không ai hiểu. Hiện tại, trí nhớ của ông vẫn rất mơ màng, lúc tỉnh lúc mê.
Những tháng ngày được anh em chăm sóc, ông cũng đã khỏe hơn trước nhiều phần. Biết ăn thịt, ăn cá, ăn cơm như người bình thường. Tuy nhiên mỗi lúc trái gió trở trời vết thương cũ tái phát thì ông lại ngã bệnh đau ốm triền miên.
Vì đã xa gia đình, cuộc sống cộng đồng quá lâu nên giờ ông khó tìm được một công việc hợp với sức và thu nhập cho mình. Thường ngày ông Nhường ra làm công việc vặt tại một lò đốt vôi ở địa phương để kiếm thêm thu nhập và tự trang trải cho cuộc sống. Gia đình các anh chị em cũng nghèo nên việc chu cấp cho ông cũng khó khăn.
8 tháng sau khi trở về, ông Nhường vẫn chưa có một chế độ gì. Cuộc sống hiện nhờ vào các anh chị em, khi ở với người này, lúc về với người kia, con người ông lúc tỉnh thì đi làm thuê, khi mê lang thang vô định.
Trao đổi với chúng tôi, Trung lá Lê Thanh Hải phó chỉ huy huyện đội Quỳnh Lưu cho Biết: "Theo Nghị định số 142/2008/QĐ-TTD thì trường hợp của ông Nhường như gia đình khai báo, có dưới 10 năm công tác trong quân đội thì sẽ được hưởng chế độ truy lĩnh 1 lần. Tuy nhiên, do ông không vợ không con, nên gia đình muốn ông phải được hưởng chế độ tháng".
Ông Hồ Ngọc Dũng Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu thì cho hay: "Khi nhận tin ông trở về, chính quyền đã đến thăm hỏi động viên, đó là trách nhiệm lương tri, không ai trong chúng ta có thể làm ngơ trước trường hợp xúc động như vậy. Song, gia đình phải gần gũi khơi gợi để ông nhớ dần, tìm hiểu tại sao lại dẫn đến việc mất tích lâu đến như thế và có thể nhớ lại chiến trường năm xưa để nói lại tại sao mình vẫn còn sống trở về.
Đồng thời tận tâm, tìm cách giải quyết giúp đỡ ông trong việc ăn ở, sinh hoạt thuốc men trong khi đợi cơ quan nhà nước tìm hiểu và quyết định. Phía các ban ngành liên quan sẽ kết hợp xem xét nếu như là thương binh, bệnh binh thì phải thẩm định thương tật để ông ấy kịp thời được hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa của đất nước.
Chúng ta, những người còn sống, những người thuộc thế hệ sau phải có trách nhiệm giúp cho ông sớm ổn định cuộc sống, có nhà ở, được khám chữa bệnh, được làm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Không gì có thể bù đắp được hơn 40 năm dài đằng đẵng đó nhưng đấy là những việc cần làm ngay. Huyện sẽ làm tất cả những gì có thể cho ông".
Hiện nay, ông đang rơi vào một tình thế cực kỳ khó khăn, khi giấy tờ không có, trí nhớ cũng không. Rất mong rằng ai là đồng đội của ông Nhường xin hãy lên tiếng giúp cho mọi chuyện được rõ ràng để Nhà nước và các cấp chính quyền kịp thời hỗ trợ chính sách, chế độ cho ông.