Chuyện người anh hùng lặng lẽ cùng Bãi Thơm

Văn Vũ| 24/04/2018 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tháng 4, Phú Quốc trời nắng như đổ lửa, bỏ qua những giao dịch bất động sản tiền tỷ tại khu vực thị trấn Dương Đông, không ít du khách đi theo con đường xuyên rừng nguyên sinh để đến với vùng Bắc đảo.

Bởi một lẽ đơn giản là phía Bắc của đảo ngọc, thuộc địa bàn xã Bãi Thơm, nơi duy nhất giữ được vẻ hoang sơ của thiên nhiên, cũng là nơi yên nghỉ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nhan vẫn còn sáng mãi trong lòng nhân dân.

Vượt sóng, bám đảo

Để có phản ánh xác thực nhất về quá trình hoạt động cách mạng, cùng những đóng góp của người anh hùng Nguyễn Văn Nhan (người mà dân địa phương vẫn thường gọi là chú Tư Điệp) cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng, xây dựng mảnh đất Phú Quốc, sau khi đến thắp hương tại phần mộ của chú, nhóm phóng viên của nhiều cơ quan truyền thông, trong đó có Báo Công lý đã liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu thông tin.

Qua các buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Quốc, những dòng chữ trong các báo cáo thành tích của chú Tư Điệp càng khiến chúng tôi ngưỡng mộ về một tấm gương đấu tranh không ngừng với quân xâm lược, với một niềm tin sắt son vào Đảng và Bác Hồ.

Chuyện người anh hùng lặng lẽ cùng Bãi Thơm

Ngày 23/2/2010, chú Tư Điệp đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND

Theo hồ sơ, chú Tư Điệp sinh ngày 22/12/1919, mất tháng 12/2003. Ngay từ khi Đảng phát động Cách mạng tháng 8/1945, chàng thanh niên Tư Điệp lúc đó mới 26 tuổi đã là Trưởng thanh niên tiền phong của xã Hàm Ninh, và vận động được thêm 30 thanh niên ngày đêm luyện tập võ nghệ, canh gác, tuần tra bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ của đảo Phú Quốc.

Tháng 6/1946, khi quân Pháp xâm lược tái chiếm đảo Phú Quốc, chú Tư Điệp đã cùng lực lượng du kích tham gia đánh địch trên mảnh đất Hàm Ninh, mà tiêu biểu là trận đánh đồn Hàm Ninh thắng lợi, tiêu diệt 12 tên địch, thu 6 súng các loại, tạo niềm tin cho nhân dân vào lực lượng kháng chiến.

Từ năm 1954, chú Tư Điệp được cấp trên giao làm Tiểu đội trưởng du kích Hàm Ninh, với chiến công là chống 30 trận càn của địch, bảo vệ an toàn cho nhân dân. Tháng 9/1956, chú Tư Điệp được phân công ở lại Phú Quốc tiếp tục hoạt động bí mật, trong thời gian này chú đã vận động quần chúng đấu tranh chính trị yêu cầu thi hành Hiệp định Giơnevơ, cũng như tham gia diệt ác, trừ gian khi Mỹ Diệm thực hiện chính sách tàn sát người kháng chiến.

Tháng 3/1957, chú Tư Điệp được giao làm Đội trưởng Đội giao liên biển bộ, kiêm Bí thư chi bộ Văn phòng huyện ủy Phú Quốc. Trên cương vị mới, phát huy kinh nghiệm của gia đình có truyền thống làm nghề biển, chú đã tổ chức các điểm cầu để đưa đón an toàn cán bộ, vận chuyển vũ khí từ đất liền ra đảo.

Đến năm 1960, chú Tư Điệp cũng là nhân tố đi đầu khi tổ chức đánh đồn Bãi Bổn. Sau 13 ngày đêm bao vây thì giặc phải bỏ chạy, hơn 500 hộ dân thoát khỏi sự kiềm kẹp của giặc. Sau trận đánh này, khu vực Bãi Bổn chính thức trở thành vùng giải phóng cho đến ngày 30/4/1975.

Tiếp đó, trong giai đoạn từ tháng 1/1962 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với quyết tâm sắt đá và niềm tin vào Đảng, niềm tin vào Bác Hồ, cũng như tuân thủ chỉ đạo của cấp trên, chú Tư Điệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là điều hành đường dây liên lạc giữa huyện ủy với đất liền, trong đó có việc đưa đón nhiều đoàn cán bộ, chiến sỹ từ đất bạn Campuchia, từ Hà Tiên ra vào Phú Quốc.

Trở về với gia đình sau khi đất nước thanh bình, chú Tư Điệp đã chọn mảnh đất Hòn Một thuộc địa bàn xã Hàm Ninh, nay là xã Bãi Thơm, là nơi có vị trí chiến lược để khai hoang thành nơi sản xuất nông nghiệp. Thời điểm này chú cũng là người hướng dẫn và vận động thêm các hộ dân khác đến khu vực bắc đảo để khai hoang, lập ấp, tạo vành đai dân cư trên tuyến biên giới biển.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, chú đã vinh dự được tặng thưởng 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì cùng nhiều Huân, Huy chương khác. Đặc biệt, ngày 23/2/2010, Chủ tịch nước cũng đã ký truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Nguyễn Văn Nhan.

Niềm tin của dân

Vùng đất nơi người anh hùng Tư Điệp gắn bó và nằm lại trong khuôn viên thổ mộ gia tộc sau hàng chục năm đã từng bước được thay da đổi thịt. Con đường rừng từ Hàm Ninh lên Bãi Thơm đã được mở rộng và đang hoàn thiện những đoạn đường cuối cùng. Phần mộ của chú cũng đang được gia đình tôn tạo để thành địa chỉ đỏ, là nơi để trong nay mai là địa điểm để Đảng bộ và chính quyền xã Bãi Thơm tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Khi đó khách du lịch và các em học sinh mỗi mùa hè khi tìm đến vùng biển Hòn Một ngoài việc được đắm mình trong làn gió biển, được tắm mát tại những bãi biển đẹp nhất của đảo thì sẽ có thêm một nơi để nhớ về sự đóng góp của thế hệ cha ông đi trước.

Chuyện người anh hùng lặng lẽ cùng Bãi Thơm

Nhiều dự án quy hoạch treo đã làm cuộc sống người dân xã Bãi Thơm đảo lộn, thiên nhiên đẹp nhưng không được khai thác đúng tầm

Đây cũng là mong ước cháy bỏng của hàng trăm hộ dân đã theo chân chú Tư Điệp đến vùng đất này từ những năm 1980 đến khai hoang, lập ấp. Một buổi chiều bên bãi biển phía trước nhà anh Hoàng Đồng, một người con của xứ Nghệ đã hơn 40 năm gắn bó với khu vực biển Hòn Một, hàng chục hộ dân đã chia sẻ với phóng viên về mong ước này với một tâm thế bồn chồn vì có nhiều điều chưa bình đẳng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Bắc đảo.

Người nông dân nơi đây hầu hết đều xem chú Tư Điệp như cha, chú nên họ chỉ mong muốn lãnh đạo tỉnh Kiên Giang một lần xuống gặp dân ngay tại khu vực xã Bãi Thơm, để cùng dân đến thắp cho chú Tư Điệp một nén nhang thơm được làm từ củ của cây cỏ thơm mọc dưới tán rừng. Rồi sau đó lắng nghe tâm tư, tình cảm, mong ước của người dân các ấp của xã Bãi Thơm, thay vì chỉ nghe báo cáo một chiều của các cơ quan chức năng, của các chủ đầu tư.

Những nông dân với cách nói của người miền biển, cũng là phên dậu của đất nước tại phía Bắc đảo, nơi tiếp giáp vùng nước lịch sử của vịnh Thái Lan chỉ mong muốn một điều duy nhất, đó là, phải thanh lọc lại các dự án du lịch, dự án sân golfcủa hàng loạt doanh nghiệp mà có dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2008 nhưng không thực hiện. Quy mô chiếm đất của các dự án này bao trùm gần hết diện tích của xã Bãi Thơm, kể cả phần mộ của chú Tư Điệp, cùng toàn bộ nhà cửa của nhân dân địa phương. Hàng chục năm qua, người dân muốn xây dựng thêm nhà vì con cháu lớn phải có chỗ ở nhưng không được phép, đất đai bị hoang hóa vì câu trả lời khô khốc mà lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc đáp lại cho dân là đất bị quy hoạch.

Chuyện người anh hùng lặng lẽ cùng Bãi Thơm

Sau nhiều năm chờ đợi, gia đình và người dân đã phải góp sức để tôn tạo phần mộ chú Tư Điệp với mong ước thành địa chỉ đỏ tại xã Bãi Thơm

Về một khía cạnh nào đó có thể hiểu, cả một vùng đất có cái tên đẹp là Bãi Thơm đã đứng lặng yên bên lề sự phát triển của đảo ngọc Phú Quốc.

Những cái tên chủ đầu tư như Cty Đại Cát Hoàng Long, Tập đoàn Thái Group, Tập đoàn Rita Võ, Cty Thế Kỷ xanh, Tập đoàn Điện lực… đã và vẫn sẽ là nỗi ám ảnh của người dân xã Bãi Thơm, nếu như UBND tỉnh Kiên Giang không thay đổi chính sách quản lý. Vì rằng hàng chục năm qua, mỗi khi có nhà đầu tư bị thu hồi chủ trương chấp thuận dự án thì người dân xã Bãi Thơm, trong đó có gia đình chú Tư Điệp khấp khởi mừng thầm là sẽ thoát khỏi vòng kim cô quy hoạch, thì ngay lập tức lại có một doanh nghiệp khác nhảy vào thay thế theo kiểu “đổi màu da trên xác chết”.

Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện này,  Bí thư xã Bãi Thơm Đào Văn Đông đã thẳng thắn nói với tâm thế vui mừng xen lẫn băn khoăn là: Chú Tư Điệp là một tấm gương sáng nên địa phương rất ủng hộ phương án của gia đình chú và một số hộ dân là xây dựng, tôn tạo nơi chú an nghỉ thành địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống cho lớp trẻ. Điều vướng mắc là phần đất của gia đình chú dù đã có sổ đỏ nhưng đang nằm trong diện thu hồi cho Dự án khu du lịch biển của Cty Đại Cát Hoàng Long từ năm 2008. Sau khi hủy dự án của doanh nghiệp này thì Tập đoàn Rita Võ đã thay thế và tiếp tục triển khai thủ tục cho Dự án sân golf Bãi Thơm.

Trời tháng 4 của khu vực Bắc đảo, nơi có phần mộ của chú Tư Điệp vẫn trong xanh đến lạ kỳ. Ngoài kia biển vẫn rì rào, những cơn gió biến làm lòng người như rộng mở hơn. Khi chúng tôi lên xe, vô số những cánh tay của người dân xã Bãi Thơm vẫn vẫy theo không dứt như để gửi gắm một niềm tin rằng, Đảng và nhà nước không bao giờ bỏ dân, sẽ không để vùng đất biên viễn này tiếp tục lặng lẽ như thời gian qua.

Trên đường về, đi qua phần mộ của chú Tư Điệp đang được gia đình tôn tạo, cả đoàn chúng tôi đã dừng lại từ phía đường vái vọng lên một lòng tâm niệm sao cho mong ước của nhân dân sẽ được thực hiện. Xã Bãi Thơm rồi đây sẽ thoát khỏi dự án treo, hoặc sẽ có những nhà đầu tư đủ tiềm lực để thắp sáng vùng đất này.

Niềm hi vọng đó chắc cũng sẽ không là viển vông chút nào khi có một điều đơn giản mà Chính phủ đã coi là chủ trương đó là xác định không có người dân nào bị bỏ lại phía sau trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện người anh hùng lặng lẽ cùng Bãi Thơm