Câu chuyện một học sinh lớp 6 bị trả về học lại lớp 1 ở Sóc Trăng đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Việc “ngồi nhầm lớp” này đã không còn là vấn đề xa lạ, nhưng một lần nữa sự việc là lời cảnh báo về căn bệnh thành tích của ngành giáo dục.
“Ngồi nhầm lớp” không còn là chuyện hiếm
Sự việc gây lùm xùm dư luận tại Sóc Trăng trong những ngày qua khi em L.S.V., học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa (TP Sóc Trăng) bị phát hiện không thể đọc, viết lưu loát. Em V. bị đưa trở lại Trường tiểu học Lý Đạo Thành gần đó, nơi em học bậc tiểu học để học lại.
Chị Tô Thị Huỳnh Giao (29 tuổi, trú tại khóm 5, phường 8, TP Sóc Trăng, phụ huynh của em V) cho biết vô cùng lo lắng do không biết “số phận” của con mình sẽ ra sao. Chị Giao cho biết gia đình chị có hai con, chồng chị làm thợ hồ, chị làm công nhân ở nhà máy chế biến hải sản, năm rồi thấy con học sa sút, chị đã nghỉ làm để ở nhà chăm sóc, đưa đón con đi học.
Tại sổ liên lạc lớp 5 của V. thể hiện điểm các môn của em đều đủ để lên lớp. Cụ thể: tiếng Việt 5 điểm, Toán 6 điểm, Tự nhiên xã hội 6 điểm, môn học mà V. có điểm cao nhất là tiếng Anh 7 điểm..., nhưng khi mang sách tiếng Anh ra V. không biết đọc một chữ nào. Ngay cả các từ xưng hô đơn giản như “tôi”, “bạn” nói tiếng Anh thế nào, V. cũng lắc đầu. Đến viết tên mình, V cũng chỉ viết được vài chữ nguệch ngoạc. Làm toán hai chữ số V. ngồi rất lâu cũng không làm được, thậm chí bảng cửu chương 2, 3, V. cũng không thuộc.
Ông Lý Ro Tha, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết đích thân ông đã đến trường Tiểu học Lý Đạo Thành để kiểm tra vụ việc và bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Đạo Thành cho rằng do giáo viên báo cáo lên kết quả học tập của học sinh thì tin tưởng, không kiểm tra!? Câu hỏi đặt ra là “tin tưởng” hay là quá quan liêu? Khi mà chỉ đơn giản với góc độ một nhà quản lý bắt buộc bất kỳ một ai cũng phải nắm rõ mình đang quản lý ai, quản lý cái gì.
Không chỉ ở TP Sóc Trăng mới xảy ra tình trạng trên, tại trường Tiểu học Lịch Hội Thượng A, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Trước đó, đầu năm học chị Huỳnh Thị Phụng đã đến trường này phản ánh việc các con mình không biết đọc, biết viết nhưng vẫn được lên lớp 2 thì được trường nói sẽ xem xét lại. Tuy nhiên sau khi phụ huynh phản ánh lên Phòng GD&ĐT huyện nhờ xem xét, nhà trường mới tổ chức kiểm tra lại trình độ và đưa các cháu về học lại lớp 1.
Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết khi hay vụ việc, ông đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT Sóc Trăng tổng rà soát kiểm tra thực trạng dạy và học trên địa bàn tỉnh. Đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục, thực hiện tốt việc đánh giá đúng trình độ của học sinh, không để tình trạng “ngồi nhầm lớp”.
Và câu chuyện “ngồi nhầm lớp” này không phải là câu chuyện hiếm trong ngành giáo dục. Năm 2015, hàng chục học sinh “ngồi nhầm lớp” tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã được phát hiện khiến dư luận khi đó thấy hoang mang. Bộ GD&ĐT đã lập tức thành lập đoàn thanh tra. Kết quả cho thấy, Sở GD&ĐT Quảng Trị, Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa đã buông lỏng quản lý chỉ đạo, thiếu sâu sát thực tế và không thực hiện đầy đủ các quy định về chất lượng giáo dục. Trước đó, năm 2007, con số ngồi nhầm lớp ở Kon Tum, Bình Định… đã lên tới con số hàng ngàn.
Em L.S.V học lớp 6 nhưng không viết nổi tên của mình
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tình trạng “ngồi nhầm lớp” xảy ra ở tất cả các địa phương nhưng tập trung nhiều tại các xã, huyện, tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Mặc dù năm học 2007-2008, hầu hết các trường đều đồng loạt triển khai các biện pháp để ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng "ngồi nhầm lớp" nhưng không giải quyết được triệt để vấn nạn này.
Đã có rất nhiều các văn bản chỉ đạo được đưa ra, Bộ GD&ĐT thời điểm đó đưa ra giải pháp tình thế tạm thời đó là mô hình học “sáng 5, chiều 1” đối với những học sinh “ngồi nhầm lớp”, nghĩa là buổi sáng học sinh vẫn theo học chương trình lớp 5 nhưng đến chiều sẽ học lại chương trình lớp 1.
Điều này để thấy rằng không phải các nhà quản lý không biết, cũng đã có thanh tra, có xử lý yêu cầu chấn chỉnh, nhưng rồi sau đó thì “đâu lại vào đấy”… Vì sao nên nỗi?
Chia sẻ trên báo Thanh niên, một giáo viên của trường Tiểu học Lý Đạo Thành cho biết: “Giáo viên chịu quá nhiều áp lực, áp lực từ chuyện xét danh hiệu thi đua cá nhân, từ việc nhà trường ép chỉ tiêu, áp lực từ Phòng GD&ĐT khi xét thi đua nhà trường... Vì thế, nhiều giáo viên đã cho điểm “khống” vừa đỡ mất công, vừa đạt thành tích. Cuối cùng từ dưới lên trên đều nói dối nhau vì… bệnh thành tích!”.
Căn bệnh thành tích của giáo dục
Năm 2006, Bộ GD&ĐT phát động phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”. Mấy năm đầu triển khai, chất lượng dạy và học có chuyển biến tích cực. Kỳ thi năm 2007, cả nước có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp nhất, có trường không thí sinh nào đỗ. Số lượng, tỉ lệ học sinh tiên tiến, học sinh giỏi… cũng giảm đáng kể, đúng với thực tế dạy và học. Tuy nhiên, phong trào “dạy thật, học thật, thi thật” này chẳng duy trì được lâu. Sau vài năm, mọi thứ lại đâu vào đó.
Nhiều năm gần đây, tình trạng lạm phát, tháo khoán về điểm số, học sinh tiên tiến, học sinh giỏi… ở mọi bậc học phổ thông đã đến mức báo động. Một lớp có 4 học sinh cá biệt, hư hỏng nhưng cuối năm, giáo viên chủ nhiệm lại toàn xếp hạnh kiểm khá, tốt. Một lớp bậc tiểu học gồm 43 học sinh, cuối năm có 42 học sinh giỏi, 1 học sinh tiên tiến. Một lớp 12 gồm 40 học sinh, học kỳ 1 chỉ có 5-6 học sinh giỏi, đến cuối năm tăng vọt lên gần 20 em. Hai năm nay, điểm số, các danh hiệu của học sinh lớp 12 ở nhiều địa phương cũng có bước nhảy vọt… vì điểm số, học bạ của các em tham gia xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Hàng năm, các báo cáo từ cấp tổ gửi lên trường, từ trường gửi về Phòng và từ Phòng lên đến Sở đều là những con số đẹp, 100% học sinh thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, 100% đạt về năng lực, 100% đạt về phẩm chất, 99% học sinh lên lớp thẳng hay 90% đạt hạnh kiểm tốt, 10% đạt hạnh kiểm khá...
Và như thế có nghĩa là “bệnh thành tích” chưa được trị triệt để. Lý do là bởi ngành giáo dục cũng bị lây lan, tiêm nhiễm, dính “virus” thành tích ảo từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực và có lẽ quan trọng hơn là do bản thân của một số cán bộ quản lý giáo dục muốn giữ “ghế” của mình.
Trên thực tế việc được khen, được ca tụng vì thành tích cao, “nhờ tài lãnh đạo” ai mà không thích, cho nên việc cuối năm học, các con số chỉ tiêu chưa đạt sẽ cố gắng “để đạt”, tỉ lệ học sinh khá, giỏi của trường rồi giáo viên dạy giỏi… luôn ở mức cao và năm sau chắc chắn sẽ tiến bộ hơn năm trước.
“Con gà tức nhau tiếng gáy”, trường nọ đua với trường kia, địa phương này với địa phương khác, đâu đâu cũng đạt thành tích cao trong việc dạy và học. Nhưng đó chỉ là những thành tích “ảo” trên giấy tờ, còn sự thật bao nhiêu phần trăm trong những con số được báo cáo đó là thành tích thật.
Không chỉ giáo viên, nhà trường mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng góp phần khiến cho căn bệnh thành tích của ngành giáo dục ngày càng trở nên trầm trọng. Việc chạy đua để đưa con vào các trường chuyên, lớp chọn mà không cần biết con mình có học được hay không, có phù hợp năng lực hay không, miễn sao khi ra đường ai hỏi, cha mẹ có thể “tự hào” nói con tôi học trường này, lớp nọ.
Để chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo, thiết nghĩ đi tiên phong không ai khác chính là các giáo viên. Cụ thể, giáo viên cần công tâm, chuyên nghiệp, bản lĩnh, kiên quyết phản biện, đấu tranh trước những chỉ tiêu, tỉ lệ “trên trời” của cấp trên đưa ra.
Những cuộc họp đầu năm học, khi bàn thảo về chỉ tiêu thi đua, các tổ, khối, giáo viên cần có tiếng nói xây dựng nghiêm túc. Chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng, cân nhắc trên cơ sở thực tế, đặc thù từng môn, từng lớp, từng trường. Chỉ khi giáo viên đi tiên phong, kiên quyết chống bệnh gian dối, thành tích ảo thì môi trường giáo dục mới cải thiện.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong một lần bàn luận về bệnh thành tích đã đưa ra nhận định: “Chắc là còn lâu lắm chúng ta mới khắc phục được căn bệnh thành tích trong giáo dục. Vì sao? Vì cả xã hội đang chạy theo bệnh thành tích chứ không riêng ngành giáo dục. Giáo dục chỉ là sự phản ánh căn bệnh đó của xã hội”.