Năm 2017, Chính phủ mong muốn giảm lãi suất, giảm tỷ giá để hỗ trợ kinh doanh nhưng khối ngân hàng chưa có điều kiện giảm nhiều nên phần lớn vẫn kiên trì các mục tiêu ổn định và dài hạn. Vậy lãi suất năm 2018 liệu có giảm?
Tại Hội thảo cơ hội kinh doanh năm 2018, chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa đánh giá năm 2017, về khu vực tài chính bao gồm cả ngân hàng, đã có những thành công trong chính sách tiền tệ.
Theo ông ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng năm 2018 khả năng giảm lãi suất khó. Ảnh minh họa
Về tỷ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng, trong năm qua ngân hàng chưa có điều kiện giảm nhiều nên khá kiên định với mục tiêu dài hạn đề ra.
Năm 2017 là năm thành công của tài chính, bao gồm toàn bộ các ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm và nhất là khu vực ngân hàng. Thành công của chính sách tiền tệ là hành động thực thi chính sách tốt. “Năm 2017, chúng ta kiên định các mục tiêu tài chính dài hạn và đã được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao”, ông Nghĩa nói. Về lãi suất, vị chuyên gia này nhận xét Chính phủ mong muốn giảm lãi suất, giảm tỷ giá để hỗ trợ kinh doanh nhưng khối ngân hàng chưa có điều kiện giảm nhiều nên phần lớn vẫn kiên trì các mục tiêu ổn định và dài hạn.
Năm 2018, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng vẫn duy trì được sự ổn định và có thể cải thiện các mục tiêu dài hạn. Với tăng trưởng kinh tế, chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn sẽ kết thúc trong quý III/2018 và sau quý III sẽ vào chu kỳ giảm tăng trưởng ngắn hạn. Chu kỳ dài hạn thì đến 2019 sẽ giảm dần, không có đột phá.
“Năm 2018, lạm phát mức 4%, lãi suất ổn định, giảm nhẹ, tỷ giá ổn định. Tôi dự đoán, kiểm soát tín dụng với bất động sản sẽ như năm 2017, không siết vào nhưng cũng không nới lỏng làm bùng nổ. Cho vay tiêu dùng dự báo tiếp tục tăng mạnh. Phù hợp với thông tin chúng ta nói, càng ngày đóng góp tiêu dùng kinh tế tăng lên. Vốn tín dụng ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm tiếp tục tăng.”, ông Nghĩa dự báo.
Nói rõ hơn về lãi suất năm 2018, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng khả năng giảm lãi suất khó. Có 4 nguyên nhân được ông Lực nêu ra, thứ nhất đó là lãi suất đầu vào khó giảm; Thứ hai: vấn đề nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để thì không phải ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Khi chưa thể xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chưa thể giảm lãi suất.
Thứ ba, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2%-2,4%, so với Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8%-3%. Thứ tư, chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao. Thứ tư, chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao.
Liên quan đến tài chính ngân hàng năm 2018, một vấn đề được các chuyên gia bàn luận tới là Bitcoin.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO: " Bitcoin là ứng dụng công nghệ. Nó không phải là tiền, nó cũng không phải là tiền mã hoá. Mọi người hay gọi là tiền ảo nhưng tôi gọi nó là tiền nhái. Nó không phải là loại 3 tài sản đầu theo quy định bộ Luật Dân sự (gồm vật, tiền và giấy tờ có giá), mà thuộc loại thứ tư là quyền tài sản".
Ông Đức cho rằng không nên cấm kinh doanh, cấm đầu tư, cấm giao dịch dù nó rất rủi ro, nhưng càng rủi ro thì càng nhiều cơ hội. Nếu chúng ta không công nhận nó là hàng hoá thì nó vẫn là giao dịch tài sản. Bản chất của tiền này khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau.
“Tôi nghĩ rằng rất khó có kịch bản cấm. Rủi ro hay bong bóng đó là nhận thức của nhà đầu tư. Cấm là cấm như phương tiện thanh toán thôi. Còn nếu là phương thức đầu tư thì không phạm luật.”, ông Đức nêu quan điểm.
Còn theo ông Cấn Văn Lực, trong khảo sát tại 10 nước thì 6 nước có xu hướng quản lý Bitcoin theo hệ thống bài bản, còn lại 4 nước còn khá thận trọng như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc... Theo đó, vấn đề chúng ta không nên cấm đoán hoàn toàn mà nên quan tâm đến vấn đề quản lý thế nào.
Ông Đặng Huy Đông thì cho rằng không nên xem Bitcoin là phương tiện thanh toán. Còn về tài sản thì như đã thấy, 95% người chơi Bitcoin thua và chỉ có 5% là thắng. Như vậy độ rủi ro là rất cao và phải cung cấp cho xã hội các thông tin về sự rủi ro đó. Được biết thời gian tới sẽ có nhiều đề xuất được đưa ra để quản lý tiền ảo một cách chính thức hơn.