Chuyên gia luật LHQ đánh giá cao phán quyết của PCA về Biển Đông

PV| 05/08/2016 09:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phán quyết công bố ngày 12/7 về vấn đề Biển Đông của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) tạo ra những tiền đề, cơ sở pháp lý để các bên liên quan trong khu vực tiếp tục thảo luận và hợp tác trong tương lai.

Chuyên gia luật LHQ đánh giá cao phán quyết của PCA về Biển Đông

Hoạt động xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). (Nguồn: Reuters/US Navy)

Đây là khẳng định của ông Sean D.Murphy, giáo sư luật tại trường Đại học George Washington (Mỹ), đồng thời là thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc.

Trong khuôn khổ các cuộc thảo luận về Luật quốc tế do Ủy ban Pháp luật thuộc Ban Thư ký của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tổ chức ngày 29/7 tại trụ sở WTO (Geneva, Thụy Sĩ), giáo sư Sean D. Murphy đã trình bày về luật quốc tế và các tranh chấp liên quan đến biển đảo, với trường hợp cụ thể vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan các tranh chấp tại Biển Đông.
 
Liên quan đến vụ kiện này, giáo sư Murphy đã tóm tắt các nét chính của vụ kiện, phân tích hai nội dung chính là việc Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc cũng như giải thích của Tòa Trọng tài về quy chế đối với các cấu trúc hình thành đảo hay đá.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN tại Geneva về những tác động của phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài tại La Hay, giáo sư Murphy cho rằng phán quyết đã đưa ra một số điểm, cơ sở pháp lý có lợi cho các nước trong khu vực khi tiếp tục đàm phán về các cấu trúc ở Biển Đông.

Mặc dù phán quyết chưa thể giải quyết hết được tất cả các vấn đề đặt ra nhưng đã tạo những tiền đề để các bên tiếp tục thảo luận và hợp tác trong tương lai.

Theo giáo sư Murphy, những quan điểm của Tòa Trọng tài, trong đó có những giải thích về quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển, không chỉ có đóng góp đối với việc giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông, mà còn cả với tranh chấp về biển đảo nói chung tại các khu vực khác trên thế giới.

Nếu như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 đã có một loạt các quy định, giải thích về biển, đảo, về vùng đặc quyền kinh tế… , phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay sẽ là cơ sở để tiếp tục giải thích về các quy định của Công ước. Điều này rất hữu ích cho các quốc gia hiểu được rõ và sâu hơn Công ước.

Phán quyết này sẽ góp phần giúp không chỉ các quốc gia có liên quan đến tranh chấp mà còn cho cả các quốc gia khác trên thế giới có sự hiểu biết sâu sắc hơn về UNCLOS.

Giáo sư Murphy cho rằng, những quan điểm của Tòa Trọng tài cũng có đóng góp cho sự phát triển của luật quốc tế nói chung.

Theo giáo sư, phán quyết của Tòa Trọng tài quan trọng ở chỗ không chỉ sử dụng UNCLOS mà còn sử dụng cả luật quốc tế nói chung để giải thích các quy định của Công ước cũng như các vấn đề về pháp luật quốc tế trong tất cả các lĩnh vực có liên quan khác. Vì thế, những nhận định của Tòa Trọng tài tại La Hay có thể được sử dụng như một thông lệ ứng xử trong luật quốc tế, cho những vụ kiện trong tương lai nếu có.

Ngoài ra, quy trình tố tụng của Tòa Trọng tài tại La Hay cũng rất quan trọng, giáo sư Murphy nhấn mạnh.

Trung Quốc không tham gia vụ kiện nên Tòa Trọng tài tại La Hay đã sử dụng các chuyên gia độc lập để tự tìm kiếm các chứng cứ, cố gắng đặt ra các giả thuyết nếu Trung Quốc tham gia thì sẽ đưa ra chứng cứ và lập luận thế nào nhằm bảo đảm rằng các kết luận trung lập nhất, công bằng nhất.

Hơn nữa, các chuyên gia độc lập còn giúp các bên có cơ hội để giải quyết vụ việc và hiểu được hoàn cảnh, tình huống để đưa ra phán quyết.

Liên quan đến vấn đề thẩm quyền, giáo sư Murphy đánh giá rằng Tòa Trọng tài tại La Hay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia luật LHQ đánh giá cao phán quyết của PCA về Biển Đông