Trong khi việc kinh doanh đang trên đà phát triển thuận lợi, sư Diệu Thiện được xem là “đại gia” của vùng. Bỗng chốc, sư cô Thiện cho dừng tất cả mọi việc rồi đột ngột ngộ đạo, quy y cửa Phật.
Sư cô từ bỏ cuộc sống sang giàu phú quý, bà học nghề bốc thuốc chữa bệnh tại chùa, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước quyết định của sư cô.
Mối lương duyên tiền định
Đời người như ngọn nến trước gió, trước khi về cát bụi mình phải làm được một việc gì đó có ý nghĩa với cuộc đời, có lẽ đó là ý niệm của sư cô Thiện. Bây giờ, việc cứu giúp, khám chữa bệnh và làm từ thiện cho những người nghèo khổ là tâm nguyện và mục tiêu của vị sư cô ở tuổi thất thập cổ lai hy.
Được hỏi về duyên đến với cửa Phật, sư cô Thiện kể: “Dù việc kinh doanh bất động sản đang trên đà phát triển, song song đó tôi vẫn hoạt động chuỗi nhà hàng, khách sạn, quán karaoke. Hằng ngày, có số lượng lớn tôm cá, cua ghẹ nhập vào nhà hàng để chế biến. Ngày 18/10/2005, một người bạn thân đặt 20 bàn tiệc đám cưới cho con. Khi các đầu bếp đang làm công đoạn chuẩn bị nấu nướng thì tôi xuống kiểm tra”.
Sự cô kể tiếp, lúc bấy giờ nhìn vào thau cá diêu hồng, sư cô nhìn thấy một chú cá diêu hồng dù đã bị móc mang chuẩn bị cho vào chảo dầu nhưng vẫn vẫy đuôi bơi lội tung tăng giữa bầy cá đã chết. “Nhìn thấy kì lạ, tôi cố nhìn thêm vài phút nữa nhưng chú cá kia vẫn không chết mà cứ thế bơi lội như một chú cá khỏe mạnh. Tôi sai nhân viên rửa chú cá ấy, sau đó tôi cùng đầu bếp mang ra bờ sông cầu Sáng phóng sinh”.
"Lúc này, bà thầm cầu nguyện và thả nhẹ chú cá diêu hồng xuống dòng sông. Con cá bơi hai ba vòng rồi lặn mất hút. Sau đó bà như choàng tỉnh và nhớ đến câu “cuộc đời sắc sắc, không không, chúng sinh hãy sống hết lòng với nhau”, sư cô nói.
Sư cô Thiện bốc thuốc cho người bệnh
Do lỡ nhận tiệc nên sư cô phải cho nhân viên làm tiệc đãi theo yêu cầu của khách. Qua ngày hôm sau, tất cả những chú cá, ếch nhái được mang hết ra bờ sông phóng sinh và cho đóng cửa nhà hàng ngay trong ngày hôm đó. Thay vào đó sư cô mở quán cà phê và kinh doanh đồ uống, vài tháng sau sư cô nhường nhà hàng, khách sạn, karaoke cho một chủ nhân khác quản lý.
Lặng lẽ nhắc về giây phút đó, sư cô Thiện kể: “Tôi cũng không nhớ rõ vì sao công việc đang trên đà phát triển mà lại dập tắt, các con tôi cũng có hỏi nhưng tôi không nói bất cứ điều gì. Với tôi lúc đó, có lẽ chính chú cá diêu hồng năm xưa đã se duyên tôi đến với cửa Phật”.
Sau khi sang chuyển giấy phép kinh doanh, sư cô Thiện theo học nghề y học cổ truyền. Thành thạo nghề, sư cô bắt đầu bắt mạch và khám chữa bệnh từ thiện tại nhà riêng. Ngày càng nhiều bệnh nhân nghèo đến khám, do căn nhà khá chật nên hoạt động hết công sức vẫn không có chỗ cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi. Sau đó, sư cô mua một miếng đất tại xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) để mở một điểm bốc thuốc, khám chữa bệnh cho người nghèo. Thời gian rảnh, sư cô lặn lội khắp các vùng tìm cây thuốc quý hái, nghe ai mách ở đâu có người nghèo bệnh tật bà đều tìm tới giúp đỡ miễn phí tại nhà.
“Miếng đất sư cô mua, trước đây là một vũng sình, nằm sát mé sông Vàm cỏ. Lúc xưa dựng tạm bợ bằng những lá dừa nước để chữa bệnh, sau này cho xây dựng thành Tịnh thất An Niên nhưng người dân địa phương thường gọi là chùa lá”, sư cô Thiện kể. Sau khi hoàn thành ngôi chùa nhỏ, từ đó sư cô Thiện ở hẳn trong đó cầu Phật pháp. Đồng thời bốc thuốc chữa bệnh, hằng ngày ở đây sư cô được nghe tiếng chuông chùa, lòng bà thấy bình yên…. Vài năm sau đó sư cô Thiện chính thức xuất gia và bắt đầu quản lý ngôi Tịnh thất này.
Ngày sư cô xuống tóc xuất gia, các con sư cô đều phản đối bởi cả cuộc đời sư cô đã phải chịu quá nhiều cực khổ. Tuổi thơ bất hạnh, sư cô phải bước ra đời khá sớm để vật lộn đầy cay nghiệt để mưu sinh nuôi đàn con thơ nên người. Các con muốn sư cô phải dưỡng tuổi già để các con báo hiếu cho mẹ quãng đời còn lại. Tuy nhiên, sư cô Thiện cho rằng: “Vô thường một kiếp người, công danh sự nghiệp một đời phù du”.
Sư cô thuyết phục các con: “Mẹ đã chọn theo lời kinh Phật để giải thoát. Các con hãy để mẹ được theo ý nguyện đi tìm cảnh giới thanh tịnh, nhiều người nghèo cần mẹ để chữa bệnh, bốc thuốc”.
Giấc mơ kỳ lạ
Sau khi nói hết lời với các con, sư Thiện đã quyết định xuống tóc, khoác lên mình chiếc áo nâu của cửa Phật. Khi trở thành trụ trị ngôi Tịnh thất An Nhiên, sư cô Thiện gom tất cả số tài sản còn lại của mình sửa chữa ngôi Tịnh thất. Bây giờ, nó là ngôi nhà của hàng trăm bệnh nhân nghèo. “Con đường tu nghiệp của sư cô đáng lẽ phải từ nhỏ. Tuy nhiên, do cuộc sống mưu sinh lúc đó đã khiến mình chậm bước đến với con đường tu hành”, sư cô Thiện nói.
Sư cô kể, thời hai anh em sư cô lăn lộn ngoài xã hội, sống tạm bợ qua ngày tại căn chòi rách nát dưới cần Thủ Thiêm, cạnh bờ sông Sài Gòn, thường tới lễ mồng một hay rằm, sư cô thường theo chân những nhà tu hành đến các chùa mỗi dịp lễ. Năm đó, sư cô được anh trai dẫn lên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) đi lễ. Khi đến nơi thì trời đã choạng tối, mọi người quyết định ở lại điện của Bà Đảnh (tức Chánh điện) rồi sáng hôm sau về sớm. Đêm đó, trong giấc mơ, sư cô Thiện đã mơ một giấc mơ kì lạ. Sư cô được một người mặc áo bào trắng, tay cầm phất trần với gương mặt hiền từ dẫn bà lên núi Cầu để tập cho bà bay.
Lúc trở về nhà, sư Thiện đem chuyện giấc mơ kì lạ của mình kể lại với anh trai của bà rằng mình biết bay. Anh trai sư cô bật cười và cho rằng đó là sự ảo tưởng của trẻ con mà ra. Quyết chứng minh, sư cô liền nhấc cái bàn cao rồi đứng lên với tư thế chuẩn bị bay. Khi quay lại, anh trai của sư cô đã một phen hú vía khi thấy đứa em gái nằm dưới nền đất, máu mũi, máu miệng tuôn trào. “Lúc đó, tôi chỉ ngây thơ cho rằng mình có khả năng bay nên đã chứng minh điều ngớ ngẩn cho anh thấy, nào ngờ ra nông nỗi…”, sư cô Thiện cười khi nhớ lại kí ức năm xưa.
Sau khi đi tu rồi thành trụ trì Tịnh thất An nhiên, sư cô Thiện vẫn không thể nào quên được giấc mơ kì lạ thời bé. Hiện giờ sư cô Thiện đã gần 70 tuổi, sư cô đã mất hơn 40 năm trả nghiệp mới có thể bước vào con đường tu hành Phật pháp. Cuộc đời cô sư Thiện trải qua nhiều trắc trở, giờ đây, khi đã quy y cửa Phật, sư cô chỉ mong muốn mình có thể khỏe mạnh để hằng ngày tụng kinh, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. “Trước ngày tôi về cõi vĩnh hằng, chỉ mong có thể cứu được càng nhiều người bênh càng tốt. Với tôi, đó chính là mục tiêu duy nhất còn lại”, sư cô Thiện nói.
Như những gì chứng kiến tại ngôi Tịnh thất An nhiên, hằng ngày có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân đến nhờ sư cô bốc thuốc. Bệnh nhân đến đây đa số là có hoàn cảnh khó khăn. Do ngôi chùa không có chỗ nghỉ ngơi cho người bệnh, sư cô Thiện trích tiền xây hẳn một khu để người bệnh nằm điều trị. Thấy được việc làm của sư Thiện, nhiều người địa phương ở đây những ngày rảnh rồi thường cùng sư Thiện chèo ghe dọc bờ sông vòm cỏ tìm cây thuốc quý. Nhờ lúc nhỏ, mẹ sư Thiện có cho bà đọc nhiều sách về các bài thuốc quý hiếm nên những căn bệnh như trĩ, tiểu đường, viên gan, nhức mỏi… sư Thiện đều chữa khỏi.
Cứu tinh của trẻ mồ côi Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Phỉ, Chủ tịch Ủy ban mặt trật tổ quốc huyện Đức Hòa cho biết thêm: “Sư cô Diệu Thiện là người miệt mài trong hoạt động từ thiện của địa phương. Sư cô Thiện không chỉ chữa bệnh cứu người không lấy tiền mà còn nhận nuôi các trẻ em mồ côi, không nôi nương tựa, tạo điều kiện cho các cháu được đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác”. |