Chuyện Biển Đông không phải "trò chơi mất - được"!

Nhật Minh| 04/06/2016 08:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giải quyết tranh chấp Biển Đông không phải trò chơi được - mất”, "cần hợp tác thay đối đầu"... là điểm nổi bật trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2016 của Thủ tướng Thái Lan tối 3/6.

20h tối 3/6 (giờ địa phương, tức 19h giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 15 - Đối thoại Shangri-La 2016 (SLD 2016), do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, chính thức khai mạc tại Khách sạn Shangri-La, Singapore.

Theo Straits Times, tham dự Hội nghị có tổng cộng 612 đại biểu bao gồm quan chức đến từ 26 đoàn đại biểu quân sự cấp cao các nước  ASEAN, châu Á, châu Âu, Trung Quốc và Mỹ, các học giả, học giả và giám đốc điều hành tại Khách sạn Shangri-La…

Chuyện Biển Đông không phải

Vấn đề tranh chấp Biển Đông - điểm nóng của Đối thoại Shangri-La 2016

Nền dân chủ tại Thái Lan sẽ quay trở lại theo đúng lộ trình

Ngay trước thềm khai mạc hội nghị an ninh lớn nhất châu Á, giới quan sát và dự luận đặc biệt quan tâm đến nội dung bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Prayuth. Một mặt, ngay quyết định lựa chọn ông Prayuth Chan-ocha - một người đã lãnh đạo quân đội thực hiện đảo chính để lập ra chính phủ quân sự hiện nay tại đất nước Chùa Vàng - làm người phát biểu khai mạc của ban tổ chức sự kiện từng khiến giới quan sát xôn xao.

Mặt khác, giới phân tích đánh giá, quan điểm về vai trò của Bangkok trong vấn đề Biển Đông mà Thủ tướng Prayuth thể hiện ở bài phát biểu này, có ý nghĩa khá quan trọng, khi mà hiện nay đường lối đối ngoại của Thái Lan hiện nay phát triển theo chiều hướng tích cực và thân thiện với Trung Quốc, trong khi vẫn có những chính sách cởi mở với phương Tây.

Trong bài phát biểu dài 30 phút, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh khu vực, mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong tình hình thế giới nhiều biến động.

Ông Prayuth cho biết, Thái Lan đang phải đối mặt với những thách thức an ninh phức tạp, khoảng cách giàu nghèo, giảm sản lượng nông nghiệp, giá cả hàng hóa sụt giảm cũng như tình trạng bất ổn tại các tỉnh miền Nam Thái Lan.

Thủ tướng Prayuth đã thể hiện thái độ thẳng thắn khi nói đến những cáo buộc quân đội “vi phạm nhân quyền” ở Thái Lan, cũng như quan điểm về vấn đề an ninh hàng hải, theo Strait Times. Ông khẳng định, nền dân chủ tại Thái Lan sẽ quay trở lại theo đúng lộ trình; đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của quân đối với nền hòa bình và an ninh của đất nước.

Từng là một sĩ quan quân đội, theo Thủ tướng Prayuth, “binh sĩ không nên hạn chế vai trò của mình trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và hỗ trợ phát triển đất nước”. “Nếu chúng ta có thể mang lại hòa bình và trật tự cho xã hội, cải cách sẽ đến”, ông tuyên bố.

“Giải quyết tranh chấp Biển Đông không phải trò chơi được - mất”

Nằm trong sự phát triển chung của tổng hòa các mối quan hệ giữa các quốc gia, các khu vực khác nhau trên toàn cầu, mỗi một biến động ở một đất nước, một vùng lãnh thổ đều có tác động qua lại, ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Hiện nay, cộng đồng quốc tế đã có sự thay đổi tư duy từ “Một quốc gia, một vận mệnh” sang “Một thế giới, một vận mệnh”. Do đó, theo Thủ tướng Thái Lan, khi đứng trước những thách thức, các nước cần phải hợp tác để tìm cách giải quyết hòa bình vì lợi ích công bằng và sự tin tưởng lẫn nhau.

Đáp ứng sự quan tâm, chờ đợi của dư luận và giới quan sát, Thủ tướng Prayuth đặc biệt nói nhiều về vấn đề Biển Đông - điểm nóng trong những hội nghị cấp cao, diễn đàn quốc tế trước đó. Biển Đông hiện không còn câu chuyện của riêng Đông Nam Á, của các nước ASEAN, mà là vấn đề quan tâm chung của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Chuyện Biển Đông không phải

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu khai mạc tại Đối thoại Shangri-La tối 3/6. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Thái Lan chỉ ra rằng, trong khi Mỹ có chiến lược xoay trục châu Á và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP);Trung Quốc có chính sách “một vành đai, một con đường”; Nga tăng cường thúc đẩy thương mại tự do với ASEAN, trong khi Ấn Độ lại có chiến lược hướng Đông… Bên cạnh đó, khi mà Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là những nước có ảnh hưởng lớn trong khu vực, thì Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc cũng đang dần thể hiện tiếng nói quan trọng của mình đối với châu Á - Thái Bình Dương.

Ông lưu ý, vấn đề an ninh, an toàn hàng hải ở châu Á, bao gồm cả Biển Đông sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Do đó, các thành viên ASEAN cần có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Thái Lan, hiện ASEAN đang thiếu một cấu trúc cân bằng thích hợp. Ông cho rằng, các nước có liên quan trong vấn đề Biển Đông cần chọn cách thức giải quyết dựa trên cơ sở cùng có lợi, nhằm thúc đẩy niềm tin chung. “Giải quyết tranh chấp Biển Đông không phải trò chơi được mất”, Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh.

Thủ tướng Prayuth cũng kêu gọi ASEAN cần phải đoàn kết, “ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS)”.

Ông ủng hộ việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); và tin rằng việc thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) sẽ tạo ra môi trường có lợi cho việc giải quyết vấn đề hiện nay.

Đối thoại Shangri-La 2016 diễn ra trong bối cảnh cuối tháng này hoặc chậm nhất là đến tháng 9 tới, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) sẽ công bố ra phán quyết cuối cùng cho vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng.

Tiếng nói của ASEAN, và nhất là Thái Lan trong vấn đề tranh chấp Biển Đông được đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, mặc dù giới học giả đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Thái Lan khi ủng hộ thực hiện DOC và hướng tới COC, song một số chuyên gia an ninh cho biết, họ trông đợi ông Prayuth sẽ thể hiện rõ ràng hơn nữa quan điểm của Bangkok đối với vụ kiện Biển Đông, đặc biệt là vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế trong sân chơi chung toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện Biển Đông không phải "trò chơi mất - được"!