Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”

Ngô Chuyên| 10/04/2018 09:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT đang triển khai sẽ theo hướng cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”, là những định hướng mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra ở cuộc họp với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Phùng Xuân Nhạ nhắc lại một số sự việc xảy ra gần đây, thể hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường và cho rằng, dù đó chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng với xu hướng tăng lên, rõ ràng cần những giải pháp chấn chỉnh mang tính lâu dài và bền vững.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”

Ảnh minh họa. Nguồn Hải Nam.

Đề cập tới hàng loạt các nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động tới văn hóa ứng xử trong trường học, Bộ trưởng cho rằng, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải kiến thức, tăng cường dạy “người” thời gian qua đã được làm rất tốt nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm tốt hơn. Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT đang triển khai sẽ theo hướng cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức; các địa phương hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy những môn học này; ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành khác.

Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, thời gian qua, hệ thống văn bản hướng dẫn của ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học đã được ban hành kịp thời, góp phần tạo ra hành lang pháp lý cho quá trình triển khai tại cơ sở nhưng một số ít quy định trong đó vẫn còn chung chung, thiếu điều kiện thực hiện, thiếu chế tài, thiếu kiểm tra giám sát, dẫn tới quá trình thực hiện trong thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu quả.

Bộ trưởng yêu cầu, trước mắt ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông, cần thay đổi tư duy khi đưa ra các qui định, đảm bảo các yêu cầu: Khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh…

“Đừng quy định chung chung kiểu như học sinh phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như học sinh gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ… có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát, đánh giá được” - Bộ trưởng yêu cầu.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai 3 đề tài khoa học cấp nhà nước về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thông qua mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và đề xuất mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu và ban soạn thảo xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường phổ thông bám sát, khai thác những kết quả nghiên cứu này để có cơ sở thực tiễn cho quá trình xây dựng.

“Bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông phải được ban hành trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới” - Bộ trưởng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”