Theo nhiều chuyên gia giáo dục, Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không nặng. Cái khiến cho học sinh quá tải, cảm thấy nặng nề là thời lượng học, số tiết học trong một năm, một số tiết trong tuần mà các em ngồi tại lớp dẫn đến quá tải.
Giảm thời lượng học môn Toán và Tiếng Việt, tăng thời lượng học kỹ năng sống
Góp ý kiến vào Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới này có nhiều cái cải tiến hơn chương trình cũ. Bộ GD-ĐT đã quan tâm đến hoạt động của trẻ nhiều hơn như: hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục thể chất, nghệ thuật…”.
Tuy nhiên, TS Hương nói những cải tiến này vẫn chưa đủ, vẫn rất cần sự cải tiến hơn nữa. Tỉ lệ phần trăm môn Toán và Tiếng Việt vẫn cao hơn nhiều so với các môn khác.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ ý kiến của mình về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh NVCC.
TS Hương đưa ra so dẫn chứng: “Theo chương trình học cũ, nước ta có 60% thời lượng học Toán và Tiếng Việt trong khi đó Nhật Bản và Phần Lan chỉ 40-41%. Trong dự thảo mới này, thời lượng Toán và Tiếng Việt xuống còn 50% nhưng theo tôi chưa nhiều lắm”.
Mặt khác, trong dự thảo này các môn học cấp tiểu học đã được phân tách ra khá nhiều, đáp ứng được những thiếu thốn về kỹ năng. “Trong dự thảo có đưa vào môn Giáo dục lối sống thay môn Đạo đức, môn học này sẽ được chú trọng về giáo dục kỹ năng sống nhiều hơn là môn Đạo đức”, TS. Hương phân tích
Ngoài ra, bước đột phá nữa mà Bộ GD-ĐT đưa ra chính là chú trọng môn trải nghiệm hoạt động sáng tạo. Trước đây môn này gọi là môn ngoại khóa, thời lượng 2 tiết trong một tháng, đến nay số tiết tăng lên 105 tiết. TS. Hương đánh giá: “Với môn này học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh sẽ được hoạt động nhiều hơn. Hạn chế thời gian các em ngồi một chỗ và làm những gì cô giáo phân công. Các em sẽ làm những hoạt động mà kích thích hơn, đó là tính hợp lý của Tiểu học”.
Cấp 2 và cấp 3 Bộ GD-ĐT tập trung vào hướng nghiệp
Theo đánh giá của TS. Vũ Thu Hương, bước sang cấp 2 và cấp 3 học sinh sẽ được tập trung vào vấn đề hướng nghiệp nhiều hơn so với chương trình cũ.
“Như chúng ta biết, hiện nay nghề nghiệp tay chân đang không được coi trọng, chính vì vậy nước chúng ta rơi vào tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Với cách đổi mới chương trình học này tôi nghĩ sẽ giải quyết được vấn đề”, TS. Hương nói.
Tuy nhiên điểm chưa hợp lý mà TS. Hương đưa ra là các môn nghề chủ yếu gồm: khoa học máy tính, tin học ứng dụng, thiết kế và công nghệ... “Các môn này quá thiên về máy tính mà đất nước chúng ta là đất nông, lâm, ngư nghiệp, việc các em học quá nhiều máy tính liệu có thực sự có lợi cho các em và có hiệu quả hay không?".
“Tôi muốn kiến nghị mỗi vùng miền chúng ta nên có những nhánh nghề trong mô hình giáo dục. Ví dụ như ở nông thôn các bạn nên học những nghề như chăm sóc vật nuôi, cây trồng hoặc nên học một số ngành phù hợp với tỉnh thành đó. Các tỉnh có làng nghề nên có thể đưa môn nghề đó vào chương trình giảng dạy để các em có thể đưa ra các ý tưởng, phát triển làng nghề có lẽ sẽ hay hơn là học tin học”, TS. Hương nói.
Chân dung người học sinh mới. Ảnh NC.
Trẻ Việt Nam có hiện tượng béo phì tăng cao
Do thời lượng ngồi học ở lớp quá nhiều, dẫn đến đứa trẻ ít được vận động, cơ thể không phát triển đều vì vậy hiện tại số trẻ Việt Nam béo phì rất nhiều. TS. Hương phân tích “Bố mẹ cho ăn nhiều, nhưng đến lớp thì chỉ ngồi một chỗ, ít được vận động. Đồng thời môn thể dục vẫn đang coi nhẹ, chính vì vậy các em sẽ ít được vận động. Hiện nay chương trình cũ đến giờ vẫn còn 35 tiết, chương trình mới 70 tiết, trong khi đó Nhật Bản đều trên 90 tiết đến 100 tiết”.
Ngoài ra, TS. Hương cũng đưa ra những hệ lụy có thể xảy ra khi đứa trẻ ngồi quá nhiều ở trường như vậy đứa trẻ sẽ không được giao thiệp nhiều với bố mẹ, gia đình vì vậy hiệu quả giáo dục gia đình hơi thấp.
Thứ 2 nữa đứa trẻ cũng không sinh hoạt được cùng làng xóm, những người ở khu phố, cứ như vòng tuần hoàn sáng đi học, tối về ăn ngủ dẫn đến hiệu quả giáo dục kể cả nhà trường và xã hội đều giảm.
Một điều nữa khi đứa trẻ ngồi nhiều như thế, đến khi luyện tập nhiều sẽ cảm thấy ức chế. Ví dụ: bạn cứ ngồi 8 tiếng đồng hồ, khoanh tay lên bàn không cử động, sau 30 phút bạn được đứng lên 5-10 phút bản thân bạn cũng khó chịu thì đứa trẻ cũng sẽ như vậy.
“Hiện nay, phần trăm trẻ em thiếu tập trung rất cao, so với hồi xưa chúng ta học một buổi và hiện nay thì khả năng tập trung của trẻ em kém đi rất nhiều. Bởi vì khoảng thời gian chúng phải ngồi quá nhiều cho nên cơ thể trì trệ, khó chịu, muốn vận động và làm những việc khác dẫn đến trẻ không tập trung, hiệu suất làm việc, học tập cũng sẽ giảm”, TS Hương nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi đứa trẻ tập trung vào một không gian học chật hẹp, ngồi liên tục hằng ngày thì các em không được phóng tầm mắt ra xa, nhìn bạn bè, cô giáo hay bảng viết với khoảng cách rất gần dẫn đến mắt điều tiết của các em rất kém, do vậy tỉ lệ cận nhiều là hợp lý.