Đó là phát biểu của GS. Trần Phương khi trả lời những thắc mắc về quyết định của Bộ GD-ĐT cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ HN mở 2 ngành đào tạo mới là Y Đa khoa và Dược tại cuộc họp báo sáng nay.
Mở đầu cuộc họp báo, GS. Trần Phương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của trường. Ông cho rằng, sau nhiều năm đi vào hoạt động, việc trường mở hai chuyên ngành đào tạo mới là Y Đa khoa và Dược là đáp ứng nhu cầu của xã hội và phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN mở cuộc họp báo giải đáp những thắc mắc về việc trường mở 2 ngành đào tạo mới là Y Đa khoa và Dược học
Theo GS. Trần Phương ở Việt Nam hiện nay số bác sĩ/vạn dân còn thấp. Việc một trường đa ngành ngoài công lập đào tạo ngành y cũng không có gì là lạ. Trong khi đó, ngành Y, Dược cũng là những ngành công nghệ mà lại là công nghệ tinh xảo thì việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN mở 2 ngành đào tạo này là hoàn toàn phù hợp và không thể cho đó là 2 ngành đào tạo ngoại đạo.
GS. Trần Phương khẳng định, để có được quyết định thành lập 2 ngành Y Đa khoa và Dược, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và trải qua nhiều vòng kiểm tra, thẩm định.
Theo quy định của Bộ Y tế, muốn đào tạo bác sĩ đa khoa trường phải có 50 giảng viên cố hữu trong đó có 6 vị là GS, TS đầu ngành, nhiều người băn khoăn Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN khó mà đáp ứng đủ được lượng giảng viên cơ hữu phục vụ cho công tác đào tạo 2 ngành mới mở.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tường, Phó chủ nhiệm Khoa Y của trường cho biết, ban đầu trường huy động được 30 giảng viên cơ hữu nhưng do yêu cầu của Bộ GD-ĐT cũng như của Bộ Y tế, nên trường đã tìm mọi cách huy động và đến thời điểm hiện tại đã có 47 giảng viên cam kết sẽ tham gia đào tạo. Ông Tường cho rằng, để hoàn thiện nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất thì phải mất vài năm nữa.
Được biết, trường đã ký hợp đồng với 4 BV hạng 1 là các BV Đa khoa Đức Giang, BV Đa khoa Hà Đông, BV Tràng An và BV Đa khoa Đống Đa và 4 công ty dược để đáp ứng và phục vụ công tác đào tạo. GS. Trần Phương tự tin nói: “Chúng tôi có các chuyên gia đầu ngành về Y, Dược thì lo gì, ví như GS. Lê Văn Truyền – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, người có 20 năm lăn lộn với ngành Dược”. Ngoài GS. Lê Văn Truyền, vị hiệu trưởng còn bật mí sẽ mời một vị nguyên là Cục trưởng Cục Quân y về trường giảng dạy cũng như nhiều GS, PGS, TS đầu ngành khác.
Khi thẩm định về cơ sở vật chất, nhà trường còn thiếu nhiều, điển hình là nhà giải phẫu xác chết, ông Phương nói rằng đến trường y nhà nước có trường còn chưa có huống chi là một trường ngoài công lập như ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN. Theo ông, có nhiều cách khác nhau để tiến hành giải phẫu.
Hằng năm, trong khi các trường y trong cả nước tuyển sinh với điểm đầu vào cao ngất ngưởng thì điểm số 20 là nỗi lo lắng với nhiều người về chất lượng sinh viên ngành Y, Dược của trường này? Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một số điểm quá thấp so với yêu cầu hiện tại để tào đạo ra một bác sĩ đa khoa.
GS. Trần Phương cho rằng, để có được 20 điểm các em học sinh đã rất cố gắng và đó chỉ là mức điểm tuyển đầu vào, còn chất lượng sinh viên đầu ra thì phụ thuộc vào quá trình đào tạo, kiểm soát đầu ra của nhà trường cũng như của sinh viên. Với điểm số 20 thì không thể nói rằng, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN coi nhẹ đầu vào.
GS. Lê Văn Truyền nói thêm: “Tôi ủng hộ phân tầng dược sĩ sau này ra trường sẽ làm cái gì để từ đó mà lựa chọn đầu vào. Theo QĐ của Thủ tướng Chính phủ năm 2020, nước ta phải có 2,4 dược sĩ/vạn dân, nhưng nếu chỉ dựa vào 3 trường ĐH dược tốt nhất, mỗi năm họ tuyển 500 sinh viên thì “không thở” được, không đáp ứng nổi. Chúng ta không chỉ đạo tạo ra những dược sĩ suất sắc làm việc trong các phòng thí nghiệm mà còn phải đào tạo ra những dược sĩ làm việc ở các nhà thuốc có thẻ để tư vấn cho người bệnh”. Trong cuộc họp báo nhiều vị GS, PGS cho rằng, tình trạng kháng thuốc như vừa qua có nguyên nhân một phần do nước ta thiếu trầm trọng dược sĩ tại các nhà thuốc.