Chúng ta đang lo dạy chữ hơn là phát triển sức khỏe tinh thần cho học sinh

Ngô Chuyên| 23/04/2018 18:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

So với các quốc gia đang phát triển thì chúng ta đang lo lắng nhiều hơn về việc dạy chữ, dạy tri thức mà chưa để ý nhiều tới sự phát triển sức khỏe tinh thần của các em”, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục chia sẻ.

Để hiểu rõ hơn vai trò và tác dụng của công tác tham vấn học đường, tại buổi Hội thảo “Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, PV Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn với tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục - Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chúng ta đang lo dạy chữ hơn là phát triển sức khỏe tinh thần cho học sinh

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục - Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh Ngô Chuyên.

PV: Theo anh công tác tham vấn học đóng vai trò như thế nào hiện nay?

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam: Đối với những quốc gia phát triển khác thì công tác tham vấn học đường đã được chú ý từ lâu. Ở mỗi trường đều có các chuyên gia tâm lý tham vấn học đường. Để làm được vị trí này thì ngoài yêu cầu mặt nghề nghiệp, ở các quốc gia đó còn yêu cầu là người làm công tác tham vấn học đường có trình độ thạc sỹ trở lên thì mới có những kỹ năng để thực hiện các công việc bảo vệ cho học sinh.

So với các quốc gia đang phát triển thì chúng ta đang lo lắng nhiều hơn về việc dạy chữ, dạy tri thức mà chưa để ý nhiều tới sự phát triển sức khỏe tinh thần của các em cũng như tối đa tiềm năng của các em.

Những người làm công tác tham vấn sẽ có vai trò giảm thiểu mọi rào cản, khó khăn về mặt tâm lý cũng như mặt học tập. Tối đa hóa tiềm năng của bản thân để giúp cho cá nhân đạt được những mục tiêu tốt nhất mà họ có thể đạt được.

Trong thời gian qua đã có nhiều những đơn vị trường tư, thậm chí cả Bộ GD-ĐT đã ý thức được vấn đề này. Chính những đơn vị trường tư đã đi đầu trong việc thành lập những đơn vị tư vấn học đường trong trường học.

PV: Theo anh vai trò của người tham vấn học đường như thế nào?

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam: Hiện nay, những dự án của các trường trong TP. HCM là mỗi trường đều có một chuyên gia tham vấn học đường. Về mặt nghiên cứu thì Đại học Giáo dục của chúng tôi cũng có một lớp về kỹ năng quản lý lớp học và đã được áp dụng trên trường Đoàn Thị Điểm và trường Trưng Vương ở Đà Nẵng.  Bước đầu thực hiện đã hỗ trợ giáo viên và giúp phát hiện phòng ngừa sớm cho những em có khó khăn về tâm lý. Như vậy, về cả bằng chứng, về cả lý thuyết kinh nghiệm của thế giới thì chúng ta cần có những tư vấn học đường.

Chúng ta đang lo dạy chữ hơn là phát triển sức khỏe tinh thần cho học sinh

Ảnh minh họa. Hải Nam.

Trong thời gian vừa qua, thông tư 31 của Bộ GD-ĐT đã tạo một cơ chế, hành lang pháp lý rất thông thoáng để giáo viên của các trường có thể làm công tác tư vấn tâm lý được tham gia tập huấn bài bản và được cấp chứng chỉ. Đó là bước đầu tiên phù hợp với bối cảnh với Việt Nam khi chưa có đội ngũ chuyên nghiệp.

Hiện nay, dư luận và truyền thông đang chứng kiến rất nhiều vụ việc bạo lực học đường, bạo hành các đối tượng trong trường. Cụ thể: phụ huynh với giáo viên, các mối quan hệ trong trường học đang bị đảo lộn, có những vụ việc thanh lý xử lý nhau trong độ tuổi học sinh gây cho dư luận hết sức bức xúc và hoang mang.  Chúng tôi nghĩ những vụ việc này có thể giảm thiểu được nếu có một đội ngũ tham vấn, giám sát ở trong trường học, kịp thời phát hiện, kịp thời hỗ trợ, đưa ra những giải pháp và có những mạng lưới kết nối để giới thiệu chuyển tuyến cho những chuyên gia chuyên sâu hơn.

PV: Hiện nay có rất nhiều vụ việc liên quan tới các hành vi bạo lực của giáo viên, ngoài việc tham vấn cho giáo viên thì chúng ta cần làm gì?

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam: Thật ra vai trò của người chuyên gia tham vấn học đường không chỉ tập trung hỗ trợ người học mà họ cũng cần hỗ trợ mạng lưới xung quanh người học nữa. Cũng trong các chương trình mà các chuyên gia quốc tế có chia sẻ, họ cũng đề cập đến kỹ năng dạy trẻ con và dạy người lớn. Có nghĩa là cần có cả những cuộc tập huấn cho cả giáo viên về hành vi quản lý lớp học, những buổi tập huấn cho cả chính cha mẹ học sinh. Qua đó giúp phụ huynh biết những cách thức hành xử với những em có khó khăn về mặt tâm lý hoặc bước vào giai đoạn khủng hoảng của tuổi dậy thì, hay các em có những đặc điểm tâm lý khác với những cách thức hành xử thông thường và chính phụ huynh có thể giúp đỡ được các em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chúng ta đang lo dạy chữ hơn là phát triển sức khỏe tinh thần cho học sinh