Theo thông tin trên báo chí, sau hai phiên giao dịch kể từ khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, chứng khoán “bốc hơi” 49.200 tỷ đồng, tương đương hơn 2,3 tỷ USD.
Trong khi đó, cổ phiếu ACB giảm trên 13% sau 2 phiên, xuống còn 22.500 đồng/cổ phiếu tính đến ngày 22-8. Bên cạnh đó, giá trị vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” gần 3.200 tỷ đồng (152 triệu USD). Tính ra mỗi ngày, cổ đông ACB “mất” gần 1.600 tỷ đồng.
Sau 2 ngày bầu Kiên bị bắt, thị trường chứng khoán vẫn đứng trước áp lực bán dữ dội, đặc biệt tại sàn HNX với việc ACB giảm kịch sàn.
Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 11-2010, ông Nguyễn Đức Kiên nắm 3,75% vốn của ACB, tương đương 35 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, vợ ông Kiên là bà Đặng Ngọc Lan nắm 4,11% vốn ACB, tương đương trên 38,5 triệu cổ phiếu ACB. Như vậy, với mức nắm giữ gần 8% cổ phần ACB, hai vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên cũng giảm tài sản đi khoảng 250 tỷ đồng, tính theo vốn hóa thị trường.
Trong thông báo gửi ngân hàng đại lý và khách hàng, ACB khẳng định, việc bắt ông Kiên không ảnh hưởng đến tình hình tài chính, quyết định quản trị điều hành, và hoạt động kinh doanh của ACB.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng, tầm ảnh hưởng của cá nhân ông Kiên đối với doanh nghiệp, ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết nói chung không phải là lớn, vì ông Kiên chỉ là một cổ đông mà tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ACB nhỏ hơn 5%. Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Sơn cho rằng nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh và cẩn trọng, tránh bán tháo để có thể bị người đầu cơ lợi dụng thao túng giá chứng khoán.
Mặc dù lãnh dạo UBCK đã trấn an, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, nếu TTCK xuống mạnh 2-3 phiên nữa UBCK nên ra quyết định tạm dừng giao dịch. Chứng khoán lao dốc khủng khiếp do người đầu cơ lợi dụng “đánh xuống” để gom hàng hay các tổ chức đã biết trước điều gì nên bán tháo? Để bảo vệ thị trường và quyền lợi của nhà đầu tư chân chính là Nhà nước phải chỉ đạo các đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh bỏ tiền ra mua cổ phiếu, nhằm ổn định thị trường. Cơ quan quản lí nhà nước cần có thông tin thật đầy đủ, minh bạch về vụ việc ông Kiên để thị trường có thể nắm bắt và điểu chỉnh hợp lý.
Dưới khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, “hội chứng bầu Kiên” có biểu hiện của tâm lý bầy đàn. Song, cũng có ý kiến phân tích: Chứng khoán là hoạt động kinh doanh dựa vào niềm tin vào nền kinh tế và các doanh nghiệp, chứ không đơn thuần là nhìn vào bản cáo bạch của các công ty. Thế mới biết giá trị to lớn của niềm tin.
Trung Nguyễn