Giáo dục

Chung kết cuộc thi hùng biện Socrates 2025

PV 18/04/2025 - 16:03

Tối 16/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, vòng Chung kết cuộc thi Hùng biện Socrates 2025 đã khép lại với ngôi vị quán quân thuộc về thí sinh Trần Thế Phương (SBD 173).

Đảm nhận vai trò “cầm cân nảy mực” trong đêm thi là hội đồng giám khảo gồm những gương mặt uy tín trong lĩnh vực luật học, báo chí và kỹ năng tranh biện: PGS.TS Nguyễn Lân Trung; Nhà báo Lại Văn Sâm; Nhà thơ, Nhà báo Hồng Thanh Quang; TS, Nhà báo Tạ Bích Loan và PGS.TS Trần Thành Nam.

Phát biểu tại đêm chung kết, TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội - nhấn mạnh vai trò của sân chơi học thuật trong việc khơi dậy tinh thần dấn thân và bản lĩnh của người trẻ trong thời đại mới. “Cuộc thi chính là nơi các bạn trẻ có thể dấn thân để tỏa sáng, khẳng định giá trị và khả năng thích ứng trong thời đại mới”.

316-202504181600521.jpg

Tại phần thi đầu tiên - "Hùng biện Đối kháng", các thí sinh được chia thành bốn đội tranh biện theo cặp, xoay quanh hai chủ đề: “Chúng tôi ủng hộ hợp pháp hóa tiền mã hóa (crypto) như một phương thức thanh toán chính thức tại Việt Nam” và “Chúng tôi ủng hộ xu hướng độc thân trong xã hội hiện đại ngày nay”.

Cấu trúc tranh biện trong đêm Chung kết được tổ chức chặt chẽ với bốn lượt thi của mỗi đội, đòi hỏi thí sinh không chỉ trình bày quan điểm một cách mạch lạc mà còn phải đặt câu hỏi sắc bén, phản biện logic và tổng kết vấn đề thuyết phục.

Đáng chú ý, đội ủng hộ hợp pháp hóa crypto đã gây bất ngờ khi đưa ra những lập luận sâu sắc về tiềm năng phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam. Trong khi đó, đội phản đối lại thể hiện sự lo ngại về mặt pháp lý và an toàn tài chính.

316-202504181600532.png
Mở màn phần thi "Hùng biện Đối kháng", đội "Phản đối" đã tạo dấu ấn khi vượt qua đội "Ủng hộ" bằng lập luận sắc bén và phản biện thuyết phục.

“Việc đưa tiền mã hóa trở thành phương tiện thanh toán chính thức đòi hỏi một nền tảng pháp lý vững chắc mà hiện tại chúng ta chưa sẵn sàng,” thí sinh Lê Nguyễn Đoan Trang (SBD 171) nhận định.

316-202504181600533.png
Lê Nguyễn Đoan Trang tự tin trình bày quan điểm: 'Chúng ta chưa sẵn sàng cho crypto'.

Cuộc tranh biện về xu hướng độc thân trở thành điểm nhấn của đêm thi. Với cách tiếp cận mới mẻ, hài hước nhưng không kém phần sâu sắc, các đội đã biến một chủ đề tưởng chừng nhẹ nhàng thành một diễn đàn giàu tính xã hội. “Là con người, ai cũng mang trong mình bản năng muốn yêu và được yêu. Chúng ta chọn cô đơn ở thời điểm này không phải để né tránh tình yêu, mà để tích lũy trải nghiệm sống – để khi yêu, sẽ yêu trọn vẹn, thay vì phải lên livestream chỉ để hỏi: Anh có yêu em không?” thí sinh Trần Thế Phương chia sẻ.

Sau phần "Đối kháng", bốn thí sinh có điểm số cao nhất từ Ban Giám khảo cùng một thí sinh được bình chọn nhiều nhất từ khán giả đã bước vào vòng thi cuối - "Hùng biện Đỉnh cao". Đây là phần thi cá nhân không có phản biện, nơi mỗi thí sinh thể hiện góc nhìn riêng về một vấn đề mở, qua đó thể hiện rõ màu sắc tư duy và phong cách trình bày.

Trần Thế Phương là thí sinh gây ấn tượng mạnh ở phần này với bài hùng biện trả lời cho câu hỏi của nhà báo Lại Văn Sâm: “Nếu bạn lấy được một người vợ hiền, bạn sẽ trở thành một người hạnh phúc; còn nếu không, bạn sẽ trở thành một triết gia.” Phong thái tự tin, lập luận chặt chẽ cùng cách sử dụng hình ảnh gần gũi giúp Thế Phương chinh phục hoàn toàn cả Ban Giám khảo lẫn khán giả.

Kết quả chung cuộc, giải Quán quân xướng tên Trần Thế Phương (SBD 173). Giải Á quân được trao cho Lê Nguyễn Đoan Trang (SBD 171); Giải Ba (Qúy quân) thuộc về Bàng Phương Anh (SBD 082). Hai giải Khuyến khích lần lượt gọi tên Nguyễn Minh Quang (SBD 112) và Phùng Thùy Anh (SBD 291). Bên cạnh đó, Trần Thế Phương cũng là thí sinh giành giải "Thí sinh được yêu thích nhất", với số lượt bình chọn áp đảo từ cả khán giả trực tiếp lẫn khán giả theo dõi trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung kết cuộc thi hùng biện Socrates 2025