Trong buổi hội thảo về xây cầu đường sắt vượt sông Hồng, có 9/15 ý kiến đồng tình việc xây dựng cầu đường sắt cách cầu Long Biên 75m. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội chưa thống nhất và cho biết sẽ tiếp tục bàn, đưa ra phương án đảm bảo hài hòa và hợp lý nhất.
Ngày 28/10, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án, vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1(Yên Viên – Ngọc Hồi).
Tại buổi hội thảo, đơn vị tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) công bố 3 phương án nghiên cứu vị trí cầu trên tuyến Đường sắt đô thị số 1 vượt sông Hồng.
Theo đó, phương án 1, tim cầu cách tim cầu Long Biên 30m về phía thượng lưu.
Phương án 2, tim cầu cách tim cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu.
Phương án 3, tim cầu cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu.
Đồ họa mô phỏng cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 m
Đề xuất tại hội thảo, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vất thiết kế giao thông vật tải (TEDI) cho biết. Ở phương án 1 (30m), khối lượng giải phóng mặt bằng là rất lớn, cầu mới xây ngay sát cầu Long Biên nên có những ảnh hưởng đến kiến trúc và khó khăn trong thi công, ảnh hưởng tới đường lên xuống cầu Long Biên. Phương án 3 thì không khả thi. Chỉ có phương án 3 là hợp lý hơn cả.
Theo GS.TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, di sản lớn nhất mà người Pháp để lại cho không chỉ Hà Nội mà cả Bắc Kỳ đó là hệ thống đường sắt, vì vậy phải nhìn thấy vai trò của dự án này để xử lý tình thế, đây là dự án hết sức quan trọng. Trong 3 phương án thì không phương án nào là tối ưu nhưng phương án 3 (tim cầu cách tim cầu Long Biên 75m) là hợp lý nhất.
Đồng tình với việc lựa chọn phương án 3, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc lựa chọn vị trí xây dựng cầu vượt đường sắt cần quan tâm đến 2 vấn đề, đó là bảo tồn và không ảnh hưởng đến cảnh quan cầu Long Biên, cũng như đảm bảo thông thuyền không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên TS Nguyễn Ngọc Long , Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam lại cho rằng phương án 3 cần tính toán kỹ hơn, tuy khối lượng GPMB là thấp nhưng sẽ “chiếm dụng” hoàn toàn đường Hàng Đậu, ảnh hưởng tới bảo toàn khu phố cổ.
Ông Long nói: “Phương án 2 (tim cầu cách tim cầu Long Biên 186m) đã được xây dựng từ trước đây là hợp lý hơn cả, đồng thời lưu ý về mặt kiến trúc, do hình dáng cầu Long Biên là không thay đổi, vì vậy hình dáng cầu mới nằm cạnh cầu Long Biên cần phải có kết cấu tương đồng và phương án cao độ phải từ 10m trở lên để đảm bảo thông thuyền...”
Mặc dù có nhiều ý kiến đan xen trái triều nhau trong việc xây dựng cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng. Song, nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị thống nhất việc lựa chọn vị trí xây dựng cầu phải kết hợp giữa bảo tồn và phát triển cầu Long Biên.
Tổng kết buổi hội thảo, có 9/15 ý kiến đồng tình với phương án xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75m.
Trên cơ sở các ý kiến tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, việc xây dựng cầu đường sắt qua sông Hồng là hết sức khó và rất hệ trọng, liên quan đến nhiều yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội.
“Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thành phố Hà Nội và Bộ GTVT cùng các ngành liên quan sẽ tiếp tục bàn, đưa ra phương án đảm bảo hài hòa và hợp lý nhất.” ông Thảo nói.
Theo tìm hiểu, cầu trên tuyến đường sắt đô thị số 1 vượt sông Hồng nằm trong tổng thể khu vực có các công trình, cụm công trình quan trọng và rất có ý nghĩa gồm: Cầu Long Biên, cầu Chương Dương và Khu phố cổ được bảo tồn. Việc nghiên cứu các phương án vị trí và kết cấu hầm cho tuyến ĐSĐT số 1 qua sông Hồng được nhà tư vấn lựa chọn dựa trên 7 nguyên tắc: hạn chế nhất ảnh hưởng tới cầu Long Biên hiện hữu cả về kết cấu và cảnh quan kiến trúc; hạn chế nhất ảnh hưởng tới khu vực phố cổ, phố cũ và các công trình văn hóa được xếp hạng; hạn chế tối đa việc GPMB nhà, di dời dân; thuận tiện cho kết nối giao thông công cộng; hạn chế ảnh hưởng tới thông thuyền và thoát lũ trên sông Hồng; không thay đổi nhiều hướng tuyến số 1 so với tuyến đường sắt quốc gia hiện tại; đảm bảo tính kinh tế. |