Để đẩy nhanh tiến độ đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua vào cuộc sống, ngay sau Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký chứng thực Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng ký ban hành 2 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Namđược ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế và phát triển du lịch, dịch vụ, tạo sự thông thoáng về thủ tục, chính sách mở rộng thị thực điện tử, kéo dài thời hạn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ công.
Luật gồm 3 Điều: Điều 1 gồm 15 khoản sửa đổi, bổ sung 15 điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Trong đó, bổ sung thông tin về nơi sinh trên giấy tờ xuất nhập cảnh; đơn giản hóa thủ tục nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài; chuyển thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế về tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an; quy định việc hủy hộ chiếu sau 12 tháng đã thông báo mà công dân không đến nhận… Điều 2 gồm 10 khoản, sửa đổi, bổ sung 10 Điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên đến 90 ngày và có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; mở rộng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú... Điều 3 gồm 4 khoản quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng giúp cho việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được chuẩn bị đầy đủ thủ tục, đủ điều kiện để giao và một số dự án cấp bách có yêu cầu bảo đảm công tác đối ngoại, an sinh xã hội... Trong Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị phân bổ số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Giao Chính phủ giao 88.359,227 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các nhiệm vụ, dự án đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công và nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 29/2021/QH15. Phân bổ số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phân bổ số vốn ngân sách trung ương năm 2023 còn lại của các Chương trình mục tiêu quốc gia để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện. Điều chỉnh tăng/giảm tương ứng đối với một số dự án cụ thể theo quy định của Luật Đầu tư công...
Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong đó, ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, sự đồng lòng của Nhân dân trong cả nước; vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp cho công cuộc phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở trong phòng, chống dịch.
Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp; khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là trong sản xuất vaccine và thuốc điều trị trong nước. Có giải pháp để hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện theo lộ trình được xác định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Có lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm y tế, đồng thời mở rộng danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh, danh mục thuốc, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả; giải quyết triệt để những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...